Mối quan hệ thương mại bền chặt giữa vùng vịnh và châu Á
Chính phủ của cả hai bên đang giúp thúc đẩy quan hệ thương mại sâu sắc hơn. UAE đã ký một số thỏa thuận với các nước châu Á để giảm thiểu rào cản thương mại. Ảnh: Getty Images.
Dầu từ lâu đã giúp các mối quan hệ của vùng Vịnh ở nước ngoài trở nên trơn tru hơn. Điều đó đặc biệt đúng ở châu Á, nơi tiếp nhận gần 3/4 lượng dầu và khí đốt xuất khẩu. Năng lượng giá rẻ từ vùng Vịnh đã giúp thúc đẩy sự trỗi dậy của châu Á như một Trung tâm sản xuất toàn cầu và đổi lại kho bạc của họ được lấp đầy.
Tuy nhiên, hiện tại, giới chức vùng Vịnh đang háo hức đa dạng hóa nền kinh tế khỏi dầu mỏ. Ông Muhammad bin Salman, người cai trị trên thực tế của Ả Rập Xê Út, muốn 50% GDP (không phải dầu mỏ) của đất nước đến từ xuất khẩu vào năm 2030, tăng từ mức khoảng 15% vào năm ngoái. Ông có kế hoạch đạt được điều này bằng cách xây dựng các ngành công nghiệp mới từ sản xuất ô tô và khai khoáng đến du lịch. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và các quốc gia vùng Vịnh khác cũng có những mục tiêu tương tự.
Để hỗ trợ, vùng Vịnh đang chuyển hướng về phía đông. Các công ty châu Á đang tràn vào khu vực này để xây dựng cơ sở hạ tầng và thành lập nhà máy. Trong khi đó, Vịnh đang đầu tư mạnh vào châu Á để đảm bảo tiếp cận công nghệ và hưởng lợi từ sự tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng. Kết quả là mối quan hệ thương mại giữa hai khu vực ngày càng sâu sắc hơn.
Vùng Vịnh đang xây dựng một lượng lớn cơ sở hạ tầng, từ cầu và nhà máy điện đến hệ thống khử muối. Theo ngân hàng Emirates NBD, hiện có khoảng nửa nghìn tỉ USD đang được phân bổ cho việc xây dựng trên khắp khu vực, dự kiến sẽ có một khoản đầu tư mới gấp 3 lần số tiền này. Theo đó, những công ty xây dựng Châu Á đã nhận được những thoả thuận lớn. Tháng trước, China Energy Engineering, đã giành được hợp đồng trị giá 1 tỉ USD để xây dựng một nhà máy điện mặt trời tại Ả Rập Xê Út. Vào tháng 4, hai công ty Hàn Quốc Samsung E&A và GS Engineering & Construction đã giành được các thỏa thuận 7 tỉ USD để xây dựng các nhà máy khí đốt tại quốc gia này. Công ty xây dựng của Ấn Độ Larsen & Toubro, đã đảm nhận khối lượng công việc trị giá hơn 16 tỉ USD trên khắp vùng Vịnh, bao gồm cả nhà máy hydro xanh tại NEOM, một thành phố tương lai mà Ả Rập Xê Út đang xây dựng trên sa mạc.
Các nhà phân tích tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), hơn 3/4 khoản đầu tư mới của châu Á vào vùng Vịnh năm ngoái là dành cho các cơ sở sản xuất, nơi sẽ sản xuất các mặt hàng từ kim loại cơ bản đến đồ điện tử và ô tô. Nhiều nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang xây dựng các nhà máy trong khu vực. Nhưng không tính đến tiền bạc, quan trọng hơn là vùng Vịnh đã có được bí quyết kỹ thuật từ dòng chảy này.
Đầu tư cũng đang chảy theo hướng ngược lại. Các quỹ giàu có của vùng Vịnh đang đa dạng hóa khỏi thị trường chứng khoán phương Tây. Năm ngoái, quỹ đầu tư quốc gia Qatar Investment Authority đã đầu tư 1 tỉ USD vào Reliance Retail, chuỗi bán lẻ lớn nhất Ấn Độ. Abu Dhabi Investment Authority đang thành lập một quỹ trị giá 4 tỉ USD dành riêng cho Ấn Độ. Mubadala, một quỹ đầu tư quốc gia khác của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, có kế hoạch đầu tư 1/4 tài sản của mình vào châu Á vào cuối thập kỷ này, gấp đôi tỷ lệ hiện tại.
Các công ty vùng Vịnh cũng đang đầu tư trực tiếp vào châu Á. Baladna, một doanh nghiệp nông nghiệp Qatar, có ý định thành lập một cơ sở sản xuất sữa trị giá 500 triệu USD tại Philippines. ACWA, một công ty tiện ích của Ả Rập Saudi, đang xây dựng các dự án điện gió và điện mặt trời tại Uzbekistan và Indonesia.
Chính phủ của cả hai bên đang giúp thúc đẩy quan hệ thương mại sâu sắc hơn. UAE đã ký một số thỏa thuận với các nước châu Á để giảm thiểu rào cản thương mại. Các cuộc họp song phương như Diễn đàn Doanh nghiệp Dubai diễn ra tại Bắc Kinh vào tháng trước đã tạo điều kiện để ký kết các thỏa thuận thương mại với sự hỗ trợ của các quan chức chính phủ. Một số nhà hoạch định chính sách hiện đang nói về việc mở rộng các thỏa thuận thương mại khu vực của châu Á để bao gồm Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh gồm sáu thành viên.
Đồng thời, mối quan hệ kinh tế của vùng Vịnh với phương Tây đang thay đổi. Theo ông Efstathios Polyzos của Đại học Zayed và bà Emilie Rutledge của Đại học Mở, năm ngoái, Mỹ và sáu nền kinh tế lớn nhất EU chỉ tiêu thụ 8% lượng hàng xuất khẩu của vùng Vịnh, giảm so với mức 27% vào năm 1990.
Mặc dù dòng chảy gần đây đã giảm bớt, các công ty phương Tây vẫn giữ lại một lượng lớn cổ phiếu đầu tư vào vùng Vịnh, phần lớn khoản đầu tư đó hướng đến hydrocarbon. Đầu năm nay, AWS , doanh nghiệp điện toán đám mây của Amazon, cho biết sẽ đầu tư 5 tỉ USD vào Ả Rập Xê Út.
Do đó, Mỹ đang theo dõi chặt chẽ sự hiện diện thương mại phát triển nhanh chóng của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là các giao dịch trong ngành công nghệ cao. Các viên chức ở vùng Vịnh than thở rằng, với sự đầu tư không ổn định từ Mỹ, họ không có nhiều lựa chọn ngoài việc tìm kiếm ở nơi khác.
Có thể bạn quan tâm:
Cơn sốt đồng kéo nhà đầu tư về Nam Mỹ
Nguồn The Economist
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư