Hủy
Thế giới

Mỹ và châu Âu có thể rơi vào suy thoái

Khánh Tú Thứ Tư | 05/07/2023 10:52

HSBC Asset Management, Công ty Quản lý Tài sản thuộc ngân hàng Anh HSBC. Ảnh: CNBC.

 
 
HSBC Asset Management cảnh báo những dấu hiệu suy thoái đã xuất hiện ở nhiều nền kinh tế phát triển.

Theo báo cáo của Công ty Quản lý Tài sản HSBC Asset Management thuộc ngân hàng Anh HSBC, nền kinh tế Mỹ có nguy cơ rơi vào một cuộc suy thoái trong quý IV năm nay, và đến năm 2024, cuộc suy thoái này sẽ lan đến châu Âu.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế giữa năm, HSBC chỉ ra những dấu hiệu suy thoái “đỏ rực” đã xuất hiện ở nhiều nền kinh tế trên thế giới, tuy nhiên các chính sách tài khóa và tiền tệ với thị trường cổ phiếu và trái phiếu lại đang có sự không đồng điệu với nhau.

Mũi tên “lãi suất”

 

Ông Joseph Little, Chiến lược gia trưởng toàn cầu của HSBC Asset Management, nhận định một số bộ phận của của nền kinh tế Mỹ cho đến nay vẫn đang chứng tỏ năng lực phục hồi, nhưng các tổ hợp có nguy cơ dẫn đến một cuộc suy thoái vẫn đang ở mức cao. Thêm vào đó, ông Little cũng lưu ý rằng nền kinh tế châu Âu thường có độ trễ so với Mỹ, nhưng nhìn chung vẫn là có xu hướng theo chân Mỹ.

HSBC Asset Management dự kiến Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ thực hiện cắt giảm lãi suất trước khi kết thúc năm 2023. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) sẽ hành động kế tiếp trong năm 2024. 

Trong cuộc họp định kỳ vào tháng 6, Fed đã tạm dừng tăng lãi suất sau 10 lần tăng liên tiếp trước đó, giữ lãi suất trong biên độ 5-5,25%. Song gần đây, Fed lại phát tín hiệu sẽ có thêm 2 lần tăng lãi suất nữa trong năm nay. Thị trường đang nghiêng về ý kiến Fed sẽ chỉ tăng lãi suất thêm một lần nữa vào cuộc họp tháng 7 hoặc tháng 11 với bước nhảy 0,25 điểm phần trăm.

Ông Little cho biết các Ngân hàng Trung ương sẽ không thể cắt giảm lãi suất nếu tỉ lệ lạm phát cao hơn đáng kể so với dự kiến. “Viễn cảnh suy thoái kinh tế sắp tới sẽ giống như giai đoạn đầu những năm 1990, với tỉ lệ tăng trưởng GDP dự kiến giảm từ 1-2%”, ông Little nói thêm.

Theo đó, ông cũng cho rằng những tin tức kinh tế trong nửa cuối năm 2023 có thể sẽ là thách thức đối với một nền kinh tế đang kỳ vọng vào một cuộc “hạ cánh mềm”.

Từ quan điểm của ông Little, cuộc suy thoái sắp đến không đủ lực để “thanh lọc” mọi áp lực lạm phát ra khỏi hệ thống các nền kinh tế. Do đó, các quốc gia phát triển sẽ phải đối mặt với tình trạng lạm phát và lãi suất ngày càng tăng cao hơn. 

Sự lạc quan về Trung Quốc và Ấn Độ

Trong lúc có cái nhìn bi quan về nền kinh tế Mỹ và châu Âu, HSBC Asset Management cảm thấy lạc quan hơn khi nhìn về 2 nền kinh tế châu Á Trung Quốc và Ấn Độ.

Sau 3 năm đóng cửa đất nước vì thực hiện các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhằm phòng, chống đại dịch COVID-19, kinh tế Trung Quốc vẫn đang trên đà phục hồi trở lại, dù sự phục hồi này được đánh giá là có chiều hướng chững lại. Song, theo giới phân tích, thái độ tiết kiệm chi tiêu ở mức cao của các hộ gia đình tại nước này sẽ góp phần hỗ trợ nhu cầu trong nước giữa bối cảnh cuộc khủng hoảng ngành địa ốc đang leo thang và các nỗ lực tài khóa của chính phủ sẽ giúp tạo ra thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân.

 

Các chuyên gia cũng cho rằng lạm phát ở Trung Quốc tương đối thấp. Chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 0,1% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái trong khi các bộ phận khác của nền kinh tế vẫn đang chật vật hồi phục. Điều này đồng nghĩa với việc chính quyền Bắc Kinh có thể nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ nhằm kích thích tăng trưởng GDP vượt qua mục tiêu 5% được đề ra cho năm 2023.

Vì những lý do này mà cổ phiếu Trung Quốc vẫn là một trong những cổ phiếu sáng trong mắt HSBC. Mặc dù giữ thái độ thận trọng với các thị trường chứng khoán phát triển, nhưng ông Little nhấn mạnh rằng không nên lơ là sự đa dạng hóa của chứng khoán Trung Quốc. Ở thị trường Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung, những cổ phiếu ngành tăng trưởng chậm lại đang vượt trội hơn so với nhóm cổ phiếu tăng trưởng. Đây là điều hoàn toàn trái ngược với các thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu.

Bên cạnh Trung Quốc, giới quan sát tin rằng Ấn Độ nhất định sẽ là “câu chuyện tăng trưởng mang tính vĩ mô chính trong năm 2023” bởi nền kinh tế này đang có sức bật dậy mạnh mẽ sau đại dịch nhờ vào mức độ chi tiêu của người tiêu dùng phục hồi cùng với sự phát triển thần tốc của các ngành dịch vụ.

Thời gian gần đây, đất nước đông dân nhất thế giới mang đến những bất ngờ khi tăng trưởng mạnh mẽ và lạm phát có xu hướng giảm. Theo hãng tin CNBC, đây được xem là trạng thái “vàng” của một nền kinh tế. Không những vậy, các ngân hàng và doanh nghiệp trong nước còn nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ cho những nỗ lực phát triển trong tương lai. Nhìn chung, câu chuyện đầu tư dài hạn về cơ cấu của Ấn Độ vẫn còn nguyên vẹn.

Có thể bạn quan tâm:

Số công ty vỡ nợ tại Mỹ tăng gấp đôi so với năm 2022

Nguồn CNBC


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới