Hủy
Thế giới

Nga loại bỏ khả năng QE để kích thích kinh tế

Thứ Năm | 09/04/2015 17:04

Bên cạnh đó, Ngân hàng trung ương Nga cam kết tiếp tục hạ lãi suất nếu rủi ro lạm phát giảm.
 

Phát biểu trong cuộc họp thường niên của Hiệp hội Ngân hàng Nga, Thống đốc Elvira Nabiullina cho biết, ngân hàng trung ương (BOR) sẽ tránh nới lỏng định lượng mà tiếp tục dựa vào lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, BOR sẽ tiếp tục hạ lãi suất cơ bản - hiện đang ở 14% - nếu rủi ro lạm phát giảm.

Bà Nabiullina dự đoán rằng, lạm phát tại Nga sẽ giảm khá nhanh nếu không có yếu tố bất ngờ mới nào xảy ra. Tỷ lệ lạm phát dự báo sẽ giảm xuống còn khoảng 9% vào tháng 3/2016. Khi đó, BOR hoàn toàn có khả năng đạt được mục tiêu lạm phát trung hạn 4% vào năm 2017.

Trước đó, Hiệp hội Ngân hàng Nga từng đề xuất triển khai chương trình nới lỏng định lượng QE để hỗ trợ nền kinh tế vốn đang khủng hoảng vì đà lao dốc của giá dầu và đòn trừng phạt của phương Tây.

Bà Nabiullina nói: "Không có lý do gì để chúng tôi [BOR] phải thực hiện QE. Công cụ hỗ trợ chính của BOR vẫn sẽ là lãi suất cơ bản. Tôi tin rằng, công thức QE sẽ không những không mang lại hiệu quả mà thậm chí còn phản tác dụng trong điều kiện kinh tế Nga hiện nay."

Hiện tại, kinh tế Nga đang dần khởi sắc hơn sau 2 lần BOR hạ lãi suất trong 3 tháng đầu năm 2015. Sau khi giảm 46% trong năm ngoái, ruble hiện là đồng tiền tăng giá mạnh nhất so với USD trong khối thị trường mới nổi năm 2015. Kể từ đầu năm đến nay, ruble tăng 10% so với USD và lên cao nhất kể từ tháng 12/2014 trong phiên ngày 8/4.

Trước đó trong năm 2014, các nhà hoạch định chính sách Nga đã 6 lần nâng lãi suất nhằm kìm hãm lạm phát và ngăn chặn đà lao dốc của ruble, giúp Nga thoát khỏi nguy cơ siêu lạm phát.

Tất nhiên, BOR sẽ xem xét cẩn thận khả năng chống đỡ của kinh tế Nga trước khi quyết định hạ lãi suất xuống thấp hơn, bà Nabiullina cho biết.

Bà Nabiullina cho biết, hướng đi chiến lược của BOR là hạ lãi suất cơ bản để ổn định kinh tế và kéo giảm lạm phát. Sử dụng QE trong điều kiện tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp cao sẽ dẫn tới tình trạng thoái vốn và lạm phát tăng mạnh.

QE hiện là công cụ chính sách chính của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như BOE (Anh), BOJ (Nhật Bản) hay ECB (châu Âu).

Chiến lược gia ngoại tệ Piotr Matys tại Rabobank dự đoán, BOR sẽ giảm lãi suất thêm ít nhất 100 điểm cơ bản trong mỗi lần họp chính sách năm 2015.

Nguồn DVO/ Bloomberg


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới