Hủy
Thế giới

Ngoại giao vaccine: Ai dẫn đầu cuộc đua?

Phùng Mỹ Thứ Hai | 07/06/2021 16:13

Trung Quốc, Nga và Mỹ đang tham gia vào ngoại giao vaccine. Ảnh: Sky News.

 
 
Ngoại giao vaccine hiện đã trở thành một thành phần quan trọng của địa chính trị.

Với việc các quốc gia trên toàn cầu đang gấp rút tiêm chủng cho công dân của mình, ngoại giao vaccine hiện đã trở thành một thành phần quan trọng của địa chính trị. Công cụ ngoại giao mới này sẽ có tác động đáng kể, do việc phân phối vaccine trên toàn cầu không đồng đều.

Ấn Độ sau khi bị loại khỏi cuộc chơi, 3 quốc gia còn lại là Mỹ, Trung Quốc và Nga đang hình thành “thế chân vạc” ngoại giao vaccine COVID-19. Bên cạnh việc tự cung tự cấp, ba cường quốc này còn đẩy mạnh cung cấp vaccine cho thế giới.

Kiềng 3 chân ban đầu

Rõ ràng là Trung Quốc đang tìm cách tận dụng vaccine COVID-19 của mình để đạt được quyền lực mềm. Theo công ty theo dõi toàn cầu COVID-19 của New York Times, vaccine Sinopharm và Sinovac của Trung Quốc đã được cung cấp tại 55 quốc gia. Bắc Kinh cũng đang tài trợ vaccine cho 69 quốc gia và bán chủng ngừa cho 28 quốc gia khác. Tính chung, Trung Quốc đã gửi 114 triệu liều vaccine ra nước ngoài. Ngoài mục đích tăng cường sức mạnh địa chính trị, Bắc Kinh hy vọng sẽ thu lợi ích kinh tế lớn từ các khoản quyên góp và bán hàng này.

Trong khi việc chia sẻ vaccine đã tạo ra cơ hội cho Bắc Kinh, thì mức độ lớn mà nhu cầu vượt quá cung lại là một thách thức đáng kể. Dự kiến, Trung Quốc sẽ phải vật lộn để đạt được mục tiêu trong nước là tiêm chủng cho 40% dân số trong tháng này. Năng lực sản xuất hàng ngày của Sinovac & Sinopharm hiện là 5 triệu liều. Nếu Bắc Kinh không tăng tốc độ sản xuất, có nguy cơ các nhà sản xuất vaccine khác có tỷ lệ hiệu quả cao hơn sẽ cạnh tranh với họ ở các nước đang phát triển.

Bất chấp rủi ro về nguồn cung hạn chế, Bắc Kinh vẫn có thể hưởng lợi từ chính sách ngoại giao vaccine. Theo giải thích của học giả Roie Yellinek tại Viện Trung Đông, thông qua việc xuất khẩu vaccine, Trung Quốc đã thành công trong việc chuyển trọng tâm khỏi thực tế rằng họ đã “xuất khẩu” đại dịch để trở thành nguồn cung cấp giải pháp cho vấn đề.

Ngay cả trước khi Trung Quốc bắt đầu xuất khẩu vaccine, chính phủ Trung Quốc đã dán nhãn vaccine COVID-19 trong tương lai của Trung Quốc là “hàng hóa công cộng toàn cầu”.

Chiến lược ngoại giao vaccine của Nga và Trung Quốc. Ảnh: The Economist.
Chiến lược ngoại giao vaccine của Nga và Trung Quốc. Ảnh: The Economist.

Tương tự như vậy, Nga đang tìm cách thu lợi từ vaccine Sputnik V của chính mình. Loại vaccine này đã phải đối mặt với sự hoài nghi cao độ vào tháng 8 năm ngoái do thời gian thử nghiệm quá ngắn. Nga đã hứa cung cấp khoảng 1,2 tỷ liều vaccine cho hơn 50 quốc gia ở châu Á và châu Mỹ Latinh. Mặc dù, nhiều người không khỏi thắc mắc là liệu Điện Kremlin có thể sản xuất đủ liều lượng để đáp ứng nhu cầu cao hay không. Tuy nhiên, Sputnik V đang tạo ra một con đường để Nga xây dựng nhiều mối quan hệ hơn ở Mỹ Latinh.

Một nhân viên y tế tiêm vaccine Sputnik V tại Bệnh viện Centenario ở Rosario, Argentina, khi chiến dịch tiêm chủng COVID-19 mới bắt đầu ở nước này vào ngày 29.12.2020. Ảnh: AFP.
Một nhân viên y tế tiêm vaccine Sputnik V tại Bệnh viện Centenario ở Rosario, Argentina, khi chiến dịch tiêm chủng COVID-19 mới bắt đầu ở nước này vào ngày 29.12.2020. Ảnh: AFP.

Hôm 5.6, Tổng thống Vladimir Putin còn tuyên bố Nga là quốc gia duy nhất trên thế giới hiện sẵn sàng chuyển giao công nghệ và mở rộng sản xuất vaccine COVID-19 ở nước ngoài.

Ngoài Trung Quốc và Nga, Ấn Độ cũng tham gia vào hoạt động ngoại giao vaccine và đã cung cấp vaccine cho 95 quốc gia. Vaccine của Ấn Độ là một lựa chọn rất thuận lợi cho nhiều nước đang phát triển do chi phí bảo quản thấp hơn so với các vaccine khác; hơn 33 triệu liều đã được gửi đến các nước nghèo hơn. Trên thực tế, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc trong lĩnh vực ngoại giao vaccine ở bán cầu Nam. Kể từ tháng 3.2021, các nỗ lực ngoại giao vaccine của Ấn Độ đã nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Giống như ở Trung Quốc, một trong những mối quan tâm chính của Ấn Độ xoay quanh việc liệu nước này có thể duy trì các nỗ lực ngoại giao vaccine cùng với nhu cầu tiêm chủng cho dân số đông hay không.

Khó nằm ngoài cuộc đua

Kế hoạch tặng 80 triệu liều vaccine COVID-19 (gồm 60 triệu liều AstraZeneca và 20 triệu liều các loại vaccine đã được phê duyệt dùng trong nước Mỹ) của Tổng thống Mỹ Joe Biden là một minh chứng về việc các nước lớn đang chia sẻ vaccine với thế giới.

Hôm 3.6, Tổng thống Biden đã công bố các chi tiết về cách thức chia sẻ 25 triệu liều đầu tiên trong tổng số 80 triệu liều này. Trong đó, gần 19 triệu liều (tương đương 75%) được chia sẻ thông qua cơ chế Covax do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn, với 7 triệu liều dành cho châu Á, 6 triệu liều dành cho Nam và Trung Mỹ và 5 triệu liều dành cho châu Phi. Mỹ sẽ giữ 25% số vaccine còn lại (hơn 6 triệu liều) cho các trường hợp khẩn cấp và chia sẻ với các đồng minh, đối tác.

Tổng thống Joe Biden tuyên bố Mỹ sẽ là "kho vaccine của thế giới" trong cuộc chiến chung chống lại COVID-19.

 

Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh cho rằng việc ông Biden cam kết tặng 80 triệu liều vaccine cho các nước là nỗ lực nhằm đối phó Nga và Trung Quốc.

Dù không chính thức thừa nhận nhưng việc Tổng thống Mỹ khẳng định trong bài phát biểu hồi tháng 5 là câu trả lời cho thế giới về việc Mỹ khó có thể bị bỏ lại trong cuộc đua ngoại giao vaccine. Tổng thống Biden nói rằng: “Hiện nay có nhiều lời xì xào bàn tán về chuyện Nga và Trung Quốc đang gây ảnh hưởng lên thế giới bằng vaccine. Chúng tôi muốn lãnh đạo thế giới bằng những giá trị của mình. Giống như từng là kho vũ khí của nền dân chủ trong Thế chiến 2, giờ đây trong cuộc chiến với COVID-19, Mỹ sẽ là kho vaccine dành cho phần còn lại của thế giới”.

Có thể bạn quan tâm:

► Liệu thế giới có đạt được miễn dịch cộng đồng?


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới