Hủy
Thế giới

Những ứng viên sáng giá trong chính quyền mới của Trung Quốc (tiếp)

Chủ Nhật | 30/09/2012 10:34

Quá trình chuyển giao quyền lực thường diễn ra 10 năm một lần của Trung Quốc đang nhận được sự quan tâm của toàn thể thế giới.
 

9. Hồ Xuân Hoa

Ông Hồ Xuân Hoa hiện đang giữ chức bí thư khu tự trị Nội Mông
Ông Hồ Xuân Hoa hiện đang giữ chức bí thư khu tự trị Nội Mông

Vị trí hiện tại

Ông Hồ Xuân Hoa hiện đang giữ chức bí thư khu tự trị Nội Mông và thường được gọi là "Tiểu Hồ" vì mối quan hệ thân thiết với nhà lãnh đạo Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.

Tiểu sử

Hồ Xuân Hoa sinh năm 1963 ở tỉnh Hà Bắc. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Bắc Kinh danh tiếng, ông Hồ Xuân Hoa bắt đầu sự nghiệp chính trị từ Liên đoàn thanh niên Cộng sản, bệ đỡ quyền lực của chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Gần như ngay lập tức, ông được phái đến Tây Tạng, nơi ông Hồ Cẩm Đào làm bí thư từ năm 1988 - 1992.

Tổng cộng, ông Hồ Xuân Hoa ở Tây Tạng 23 năm. Năm 2006, ông được bầu làm người đứng đầu Liên đoàn Thanh niên, sau đó làm chủ tịch rồi bí thư tỉnh Hà Bắc.

Bước đột phá trong sự nghiệp chính trị của ông diễn ra vào năm 2008, khi ông trở thành thống đốc tỉnh Hà Bắc và xử lý thành công vụ bê bối sữa độc. Năm 2009, ông chuyển đến Nội Mông và bí thư ở khu tự trị này.

Năm nay 49 tuổi, ông Hồ Xuân Hoa là ngôi sao đang lên trong lớp lãnh đạo tiếp theo của đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo giới phân tích, ông Hồ Xuân Hoa là con át chủ bài tiếp theo để ông Hồ Cẩm Đào duy trì ảnh hưởng sau khi rời bỏ vị trí tổng bí thư theo quy định của hiến pháp Trung Quốc.

Nếu thành công, ông Hồ Xuân Hoa sẽ trở thành thành viên trẻ tuổi nhất Ban thường vụ đảng Cộng sản Trung Quốc. Các nhà phân tích cho rằng ông chắc chắn sẽ giành được một ghế trong bộ chính trị 25 thành viên, và hy vọng ông sẽ trở thành ứng viên tiềm năng trong quá trình chuyển đổi lãnh đạo của Trung Quốc diễn ra vào năm 2022.

10. Mạnh Kiến Trụ

Ông Mạnh Kiến Trụ được bổ nhiệm làm bộ trưởng công an vào năm 2007
Ông Mạnh Kiến Trụ được bổ nhiệm làm bộ trưởng công an vào năm 2007

Vị trí hiện tại

Ông Mạnh Kiến Trụ, 65 tuổi từng giữ chức bí thư tỉnh ủy Giang Tây và được bổ nhiệm làm bộ trưởng công an, thay thế người tiền nhiệm Chu Vĩnh Khang vào năm 2007.

Tiểu sử

Ông Mạnh Kiến Trụ sinh năm 1947 tại Ngô Huyện, tỉnh Giang Tô và có quá trình công tác lâu năm tại Thượng Hải và Giang Tây.

Ông Mạnh gia nhập đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 6/1971 trong thời gian làm thủy thủ, điều độ viên, đội phó tại đội thuyền vận tải của nông trường Tiền Vệ, thành phố Thượng Hải và sau đó ông giữ nhiều chức vụ khác nhau trong chính phủ.

Mạnh Kiến Trụ được cho là một thành viên của nhóm Thượng Hải. Đây là nhóm gồm những quan chức của đảng cộng sản Trung Quốc đã giành được lợi thế dưới thời chủ tịch Giang Trạch Dân và có quan hệ mật thiết với chính quyền thành phố Thượng Hải.

Ưu tiên về chính sách

Mạnh Kiến Trụ nghiêng về chính sách mang lại sự ổn định chính trị - xã hội. Ông cũng muốn nâng cao vai trò của Thượng Hải, biến thành phố này trở thành trung tâm tài chính và vận tải.

11. Lưu Diên Đông

Bà Lưu Diên Đông nữ ủy viên duy nhất của bộ chính trị Trung Quốc
Bà Lưu Diên Đông nữ ủy viên duy nhất của bộ chính trị Trung Quốc

Vị trí hiện tại

Bà Lưu Diên Đông, 66 tuổi là ủy viên bộ chính trị, ủy viên quốc vụ viện Trung Quốc kiêm phó chủ tịch hội nghị Hiệp thương chính trị toàn quốc. Bà Lưu phụ trách về y tế, văn hóa và giáo dục là nữ ủy viên duy nhất của bộ chính trị Trung Quốc.

Tiểu sử

Bà Lưu Diên Đông sinh năm 1945 tại thành phố mạnh về công nghiệp đóng tàu Nam Thông, tỉnh Giang Tô. Cha của bà là ông Lưu Nhuệ Long, một quan chức cấp cao ở Thượng Hải và sau đó giữ chức thứ trưởng bộ nông nghiệp.

Bà Lưu theo học ngành hóa học tại đại học Tsinghua, trường đại học hàng đầu Trung Quốc, nơi có các cựu học sinh là những 1 loạt lãnh đạo cấp cao như chủ tịch Hồ Cẩm Đào hay người được cho là sẽ lên nắm quyền cao nhất trong thời gian sắp tới – Tập Cận Bình.

Sau khi tốt nghiệp, bà làm việc tại một nhà máy hóa chất và bắt đầu bước vào chính trường năm 1980. Hai năm sau, bà Lưu có bước tiến chính trị quan trọng nhất khi được bầu vào ban lãnh đạo của đoàn thanh niên cộng sản Trung Quốc. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng từng là thành viên của ủy ban này.

Giới phân tích cho rằng việc bà Lưu chưa từng đảm nhiệm vị trí lãnh đạo cấp tỉnh – yếu tố quan trọng nhất trong lý lịch của hầu như tất cả các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc cùng với việc số lượng thành viên ban thường vụ có thể giảm xuống 7 người là những trở ngại lớn nhất đối với bà Lưu Diên Đông.
Ưu tiên về chính sách

Lưu Diên Đông muốn các nhóm lợi ích và các tổ chức phi chính phủ được tham gia sâu hơn vào lĩnh vực chính trị. Bà cũng muốn thúc đẩy Trung Quốc giao lưu văn hóa với nước ngoài.

12. Du Chính Thanh

Ông Du Chính Thanh hiện là bí thư thành ủy Thượng Hải
Ông Du Chính Thanh hiện là bí thư thành ủy Thượng Hải
Vị trí hiện tại

Ông Du Chính Thanh, 67 tuổi hiện là ủy viên bộ chính trị đồng thời là bí thư thành ủy Thượng Hải.

Tiểu sử

Du Chính Thanh sinh năm 1945 ở thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ông Du tốt nghiệp Học viện kỹ sư quân sự Cáp Nhĩ Tân, ra nhập đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 1964. Ông từng giữ chức bộ trưởng bộ xây dựng Trung Quốc trong giai đoạn 1998 - 2001.

Ông Du Chính Thanh được đánh giá là một trong những ứng cử viên sáng giá cho ban thường vụ bộ chính trị Trung Quốc tại đại hội Đảng lần này.

Ưu tiên về chính sách

Du Chính Thanh ưu tiên phát triển khu vực tư nhân và đô thị, đồng thời ông cũng muốn phát triển hệ thống luật pháp và chú trọng tăng trưởng GDP.

13. Vương Kỳ Sơn

Ông Vương Kỳ Sơn hiện giữ chức phó thủ tướng phụ trách kinh tế và tài chính
Ông Vương Kỳ Sơn hiện giữ chức phó thủ tướng phụ trách kinh tế và tài chính

Vị trí hiện tại

Ông Vương Kỳ Sơn hiện giữ chức ủy viên bộ chính trị, phó thủ tướng phụ trách kinh tế và tài chính. Là một trong những nhà thiết lập chính sách kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, theo dự báo của các nhà phân tích, Vương Kỳ Sơn sẽ nắm giữ thêm nhiều ảnh hưởng về chính sách kinh tế và tiền tệ sau quá trình chuyển đổi lãnh đạo lần này và nhiều khả năng ông sẽ trở thành một nhân vật quan trọng trong việc quản lý nền kinh tế như Lý Khắc Cường, người được cho là sẽ trở thành thủ tướng sắp tới.
Tiểu sử

Ông Vương Kỳ Sơn sinh năm 1948 ở Thiên Trấn tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Ông tốt nghiệp khoa lịch sử trường Đại học Tây Bắc và bắt đầu sự nghiệp của mình bằng chức vụ trưởng khoa lịch sử đương đại thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc từ năm 1979 đến năm 1982.

Ông Vương Kỳ Sơn gia nhập đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 2/1983. Ông giữ chức thị trưởng Bắc Kinh trong giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2008, góp phần giúp chính quyền thành phố minh bạch hơn sau vụ che đậy đại dịch SARS vào năm 2003.

Bố vợ của Vương Kỳ Sơn chính là cựu phó thủ tướng Diêu Y Linh. Ông Vương được đánh giá là một chiến binh cứng rắn trên mặt trận ngoại giao, đặc biệt là trong các cuộc đàm phán với các bộ trưởng tài chính Mỹ. Trong những tháng gần đây, ông được coi là một trong những nhà lãnh đạo kiên quyết nhất trong việc thực hiện chính sách thắt chặt tài sản nhằm giảm bong bóng nhà đất.

Ưu tiên về chính sách

Vương Kỳ Sơn muốn tự do hóa hệ thống tài chính của Trung Quốc, nâng cao tốc độ tăng trưởng GDP và cải cách hệ thống thuế đối với các chính quyền địa phương.
14. Trương Cao Lệ

Ông Trương Cao Lệ hiện là bí thư tỉnh Thiên Tân
Ông Trương Cao Lệ hiện là bí thư tỉnh Thiên Tân

Vị trí hiện tại

Ông Trương Cao Lệ, 66 tuổi hiện là ủy viên bộ chính trị đồng thời là bí thư tỉnh Thiên Tân, một trong những thành phố phát triển nhanh nhất từ năm 2007.

Tiểu sử

Ông Trương Cao Lệ sinh năm 1946 tại tỉnh Phúc Kiến. Khi mới bắt đầu lập nghiệp, ông làm việc trong một công ty dầu khí ở tỉnh Quảng Đông. Ông gia nhập đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1973.

Ông Trương giữ chức bí thư đảng ủy Thâm Quyến vào cuối những năm 1990, sau đó chuyển sang làm chủ tịch tỉnh Sơn Đông vào năm 2001 và bí thư đảng ủy tỉnh này trong giai đoạn năm 2002-2007.

Ông Trương Cao Lệ chỉ có thể phục vụ một nhiệm kỳ nữa trước khi nghỉ hưu. Các nhà phân tích cho rằng ưu điểm lớn nhất của ông là hầu như không mắc phải sai lầm nào.

Không giống như Bạc Hy Lai, phương châm của ông Trương Cao Lệ là "nói ít, làm nhiều" và khi được hỏi về thành tựu của mình ở Thiên Tân, ông cho biết ông chỉ đơn giản tuân theo "triển vọng phát triển khoa học" mà chủ tịch Hồ Cẩm Đào đưa ra.
Ưu tiên về chính sách

Trương Cao Lệ muốn tự do hóa thị trường đối với đầu tư nước ngoài, nâng cao năng suất nền kinh tế và tỷ lệ tăng trưởng GDP.

15. Tôn Chính Tài

Ông Tôn Chính Tài hiện đang giữ chức bộ trưởng nông nghiệp
Ông Tôn Chính Tài hiện đang giữ chức bộ trưởng nông nghiệp

Vị trí hiện tại

Ông Tôn Chính Tài, 49 tuổi, hiện đang giữ chức bộ trưởng nông nghiệp và được đánh giá là ngôi sao đang lên đồng thời là một trong những nhà lãnh đạo trẻ nhất được cho là sẽ nắm vai trò chính sau quá trình chuyển đổi lãnh đạo của Trung Quốc diễn ra vào năm 2017 và 2022.

Tiểu sử

Ông Tôn đã dành thập kỷ đầu tiên trong sự nghiệp của mình cho việc học tập, lấy bằng tiến sĩ nông nghiệp và làm việc tại Viện khoa học nông lâm Bắc Kinh vào cuối thập niên 1980.

Ông bắt đầu con đường chính trị vào năm 1997 với công việc là một viên chức ở vùng ngoại ô Bắc Kinh và nhanh chóng thăng tiến, trở thành một trong những bộ trưởng nông nghiệp trẻ nhất của Trung Quốc.

Mặc dù ông Tôn không có liên minh rõ ràng với bất kỳ phe nào, nhưng các nhà phân tích cho rằng sự thăng quan tiến chức nhanh chóng có thể sẽ giúp ông trở thành thành viên bộ chính trị trong năm nay và là thành viên ban thường trực bộ chính trị vào năm 2017.

16. Lệnh Kế Hoạch

Ông Lệnh Kế Hoạch hiện là trưởng ban Mặt trận thống nhất trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc
Ông Lệnh Kế Hoạch hiện là trưởng ban Mặt trận thống nhất trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc

Vị trí hiện tại

Ông Lệnh Kế Hoạch, 56 tuổi là thành viên ban bí thư, trưởng ban Mặt trận thống nhất trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tiểu sử

Ông Lệnh Kế Hoạch sinh năm 1956 ở tỉnh Sơn Tây và gia nhập đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 1976. Ông được coi là trợ lý thân cận cho chủ tịch Hồ Cẩm Đào.

Vào tháng 8 năm nay, ông Lệnh bị cách chức chánh văn phòng trung ương đảng, động thái mà các nhà phân tích cho rằng có liên quan đến vụ tai nạn khiến cậu quý tử của ông thiệt mạng khi đang lái chiếc xe Ferrari trị giá 700.000 USD chở theo 2 thiếu nữ ăn mặc hở hang.

Mặc dù vậy, nhiều nhà phân tích cũng cho rằng việc giữ chức trưởng ban Mặt trận thống nhất trung ương đảng Cộng sản có thể giúp ông Lệnh giành được vị trí quan trọng nếu ban lãnh đạo mới điều chỉnh chính sách hướng về các khu vực bất ổn Tây Tạng và Tân Cương đồng thời thúc đẩy cải cách chính trị.

Ưu tiên về chính sách

Lệnh Kế Hoạch có ý tưởng sẽ tiếp tục duy trì các chính sách kinh tế xã hội được thực hiện dưới thời Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.

Nguồn FT/Khampha


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới