Nợ công Hy Lạp: “Còn nước còn tát”
Hy Lạp đã không thanh toán khoản vay 1,5 tỷ euro (tương đương 1,8 tỷ USD) đúng hạn cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào ngày 30/6. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một nền kinh tế phát triển ở châu Âu bị Quỹ Tiền tệ quốc tế chính thức kết luận là vỡ nợ.
Với tuyên bố này, Hy Lạp mặc nhiên không được quyền tiếp cận bất cứ khoản vay nào của IMF cho tới khi thanh toán xong khoản nợ cũ. Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố chỉ nối lại đàm phán khi nào Hy Lạp hoàn thành nghĩa vụ trả nợ cho IMF.
“Thắt lưng buộc bụng” cũng chẳng ăn thua
Hy Lạp từng là quốc gia đầu tiên thỏa thuận với bộ 3 chủ nợ quốc tế (EC, ECB, IMF) về chương trình “thắt lưng buộc bụng” vào 4/2013, nhưng từ khi Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras lên nắm quyền, thì giải pháp khắc khổ này bị kịch liệt tẩy chay. Đây còn là chủ đề trưng cầu ý dân của Hy Lạp vào ngày 5/7 tới.
“Thắt lưng buộc bụng” đã có lúc được coi là liều thuốc chữa bách bệnh cho các nền kinh tế bị khủng hoảng của Liên minh châu Âu (EU), thì nay lại trở thành lực cản của quá trình tăng trưởng, và thậm chí phá vỡ khối liên kết chặt chẽ trong liên minh này.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, tình trạng phản tác dụng của các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” chủ yếu là do những nhượng bộ quá mức của các nhà hoạch định chính sách EU đối với các nước trong những vấn đề như thanh toán nợ và giảm thâm hụt ngân sách.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras vừa có bài phát biểu trên truyền hình nước này. Trong đó, ông tuyên bố sẽ vẫn thực hiện trưng cầu dân ý cuối tuần này, và vẫn ủng hộ quan điểm chống thắt chặt.
Ông Alexis Tsipras bác bỏ lời kêu gọi của nhóm chủ nợ rằng nên biến sự kiện này thành cuộc bỏ phiếu có nên rời Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) hay không.
Trong bài phát biểu, Thủ tướng Hy Lạp cũng cam kết, các khoản tiền gửi sẽ không bị mất, lương hưu cũng vẫn còn, đồng thời kêu gọi người dân tin tưởng vào những nỗ lực của chính phủ trong việc tìm kiếm giải pháp thanh toán nợ công.
Châu Âu luôn “dang tay” với Hy Lạp
Bộ trưởng Tài chính Italy Pier Carlo Padoan cho biết, châu Âu luôn hỗ trợ Hy Lạp. “Điều nước này cần hiện giờ là tăng trưởng trở lại. Và để đạt được điều đó, họ cần niềm tin, vốn và đặc biệt là các biện pháp cải tổ cấu trúc,” ông nói.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin cũng kỳ vọng đạt thỏa thuận với Hy Lạp trước cuộc trưng cầu dân ý sắp tới. “Dù việc đó là cực kỳ khó khăn và các nước nhỏ hơn trong EU từng chịu thắt lưng buộc bụng đang có thái độ rất cứng rắn với Hy Lạp,” ông nhấn mạnh.
Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne cho biết việc Hy Lạp vỡ nợ và chương trình cứu trợ của châu Âu cho nước này hết hạn đang khiến cuộc khủng hoảng tại đây thêm trầm trọng. Theo ông George Osborne, việc cấp thiết bây giờ là giải quyết tình trạng không chắc chắn này, dù người Hy Lạp quyết định thế nào, để đảm bảo ổn định tài chính và kinh tế trên khắp châu Âu.
Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jeroen Dijsselbloem tuyên bố, nhóm Bộ trưởng Tài chính các nước khu vực Eurozone sẽ tổ chức điện đàm để thảo luận về đề nghị cấp gói giải cứu thứ 3 của Hy Lạp.
Giới chức châu Âu đang lo ngại liệu các nhà băng lớn nhất Hy Lạp có đủ khả năng phục vụ nhu cầu khách hàng cho tới cuộc trưng cầu dân ý, bất chấp quy định giới hạn người dân chỉ được rút 120 Euro mỗi ngày tại các ATM.
Nhiều điểm giao dịch ngân hàng tại Hy Lạp đã mở cửa trở lại ngay sau khi IMF tuyên bố nước này phá sản. Tuy nhiên, ngân hàng chỉ phục vụ người tới rút lương hưu, do nhiều người già không có thẻ ATM hay thẻ tín dụng. Dù vậy, rất nhiều người xếp hàng từ sáng sớm vẫn bị thông báo phải quay lại vào những ngày tiếp theo.
Nguồn VOV
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Hằng Nguyễn