Hủy
Thế giới

Ông Tập ngầm công kích Mỹ trước cuộc gặp với ông Trump?

Mạnh Đức Thứ Sáu | 28/06/2019 19:26

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bên phải, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, giữa và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhật Bản vào ngày 28/6. Ảnh: Bloomberg/AFP/Getty.

Bloomberg cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình dường như đang ngầm thể hiện sự không hài lòng với phía Mỹ khi thương chiến Mỹ - Trung leo thang.
 

Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị cho một trong những cuộc họp quan trọng nhất của mình trong 7 năm qua, ông dường như không nghĩ đến ông Donald Trump, ngay cả khi ông không trực tiếp nói điều này.

Trong cuộc trò chuyện với các nhà lãnh đạo khác trước khi gặp trực tiếp tổng thống Mỹ bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 tại Nhật Bản, ông Tập dường như đã thể hiện sự không hài lòng với việc căng thẳng thương mại giữa 2 nước leo thang.

Trong bài phát biểu trước các nhà lãnh đạo châu Phi sáng nay, ông Tập dường như ngầm công kích chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của ông Trump. Phản đối "các hành vi bắt nạt", ông Tập nói rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm đặt lợi ích của riêng mình lên hàng đầu và làm suy yếu những người khác sẽ không giành được bất kỳ sự tán đồng nào.

Ông Tập sau đó đã sử dụng các nhận xét về nền kinh tế kỹ thuật số để kêu gọi "môi trường thị trường công bằng và minh bạch" và "sự hoàn thiện và bền vững của chuỗi cung ứng toàn cầu". Những bình luận đó xuất hiện khi ông Trump cô lập công ty công nghệ khổng lồ Trung Quốc Huawei. Đêm qua, ông Tập nói cũng nói với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in rằng ông phản đối chủ nghĩa bảo hộ.

Ông Trey McArver, đồng sáng lập của công ty nghiên cứu Trivium China có trụ sở tại Bắc Kinh nói: "Ông Tập và phía Trung Quốc nói chung là không hài lòng với lập trường của phía Mỹ trong các cuộc đàm phán". Nhưng với việc "ông Tập vẫn gặp ông Trump", ông McA McArver nói rằng: "Điều đó nói lên những khó khăn mà ông Tập đang gặp phải: Muốn thực hiện một thỏa thuận nhưng cũng muốn đặt ra một số quy tắc cơ bản cho các cuộc đàm phán. "

Nhận xét của ông Tập tại G-20 phù hợp với quan điểm trước đó của Trung Quốc. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đã đổ lỗi cho Mỹ vì sự bế tắc thương mại và tuyên bố Trung Quốc đủ mạnh mẽ để đối măt với những khó khăn, nhưng tránh đề cập trực tiếp đến ông Trump hoặc các quan chức đàm phán thương mại của Mỹ.

Chưa rõ hai bên sẽ đạt được bao nhiêu sự đột phá vào ngày mai, hoặc có tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn mới hay không. Nhà đàm phán thương mại hàng đầu Trung Quốc, Phó Thủ tướng Lưu Hạc đã gặp Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer hôm nay để nói chuyện tại một khách sạn ở Osaka, một quan chức cho biết.

Trước đó, ông Trump thường đưa ra những nhận xét ấm áp về ông Tập. Vị tổng thống Mỹ đã gọi Chủ tịch Tập là "người đàn ông tuyệt vời và "người đàn ông tốt. Ông đã khoe rằng mình đã phục vụ ông Tập với một chiếc bánh sô cô la ngon nhất, và để những người cháu của mình hát biểu diễn cho nhà lãnh đạo Trung Quốc và phu nhân của ông.

Đôi khi, Bắc Kinh cũng đã đưa ra những lời lẽ tán dương phía Mỹ. Tại cuộc họp G-20 hai năm trước tại Hamburg, một quan chức cấp cao cho biết các nhà đàm phán Trung Quốc đã "đọc những cuốn sách của ông Trump về nghệ thuật của thỏa thuận với sự tôn trọng”.

Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc đã bắt đầu đả kích phía Mỹ khi thương chiến Mỹ - Trung kéo dài. Bộ Ngoại giao Trung Quốc gần đây đã cáo buộc Ngoại trưởng Michael Pompeo đưa ra "những lời dối trá và ngụy biện”, hay là chỉ trích một vài quan chức Mỹ khác.

Dù vậy, Trung Quốc chưa bao giờ công kích trực tiếp ông Trump hay các nhà đàm phán thương mại hàng đầu của ông. Ngay cả sau khi tổng thống Mỹ chính thức xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược hồi năm ngoái, đã tăng thuế nhiều lần và kiềm chế các công ty hàng đầu của Trung Quốc từ Huawei đến ZTE. Và hiện nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển với tốc độ chậm nhất kể từ những năm 1990.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới