Hủy
Thế giới

PMI của Nhật Bản tiếp tục giảm trong tháng 5

Thứ Hai | 02/06/2014 17:04

Markit Economics cho biết, sản lượng sản xuất của Nhật Bản giảm trong tháng thứ 2 liên tiếp những với tốc độ chậm hơn trong tháng 5.
 

Theo báo cáo của Markit Economics, Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) tháng 5 của ngành sản xuất tại Nhật Bản tăng lên 49,9 điểm so với 49,4 điểm tháng trước đó. Mặc dù số này vẫn nằm dưới mức chuẩn 50 điểm - ranh giới giữa sự phát triển và suy giảm - nhưng nhìn chung, lĩnh vực sản xuất của Nhật Bản trong tháng 5 vẫn thể hiện sự ổn định trên diện rộng.

Báo cáo chỉ ra rằng, sản lượng sản xuất giảm theo đà suy yếu của nhu cầu trong bối cảnh chính phủ tiến hành đợt tăng thuế giá trị gia tăng hồi đầu tháng 4.

Trong tháng 5, số đơn đặt hàng mới của Nhật Bản tiếp tục giảm, trong đó số lượng đơn hàng xuất khẩu mới giảm nhẹ. Hoạt động sản xuất giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 7/2013, phần lớn là do hoạt động kinh doanh suy yếu sau đợt tăng thuế.

Mặc dù sản lượng sản xuất giảm nhưng số việc làm lại tăng 10 tháng liên tiếp khi các doanh nghiệp quyết định tuyển dụng thêm nhân viên nhờ dự báo khối lượng công việc sẽ tăng lên. Tuy nhiên, tốc độ tạo việc làm ở mức chậm nhất kể từ tháng 11/2013.

Giá cả đầu vào tiếp tục tăng nhưng các doanh nghiệp sản xuất lại giảm giá bán do áp lực cạnh tranh trong tháng 5. Chỉ số thời gian vận chuyển của nhà cung cấp của tháng 5 - đã được điều chỉnh theo mua - ở mức ngắn nhất kể từ tháng 12/2012.

Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cho biết, đầu tư vốn của các doanh nghiệp nước này trong quý I/2014 tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong gần 2 năm. Nguyên nhân là, khối doanh nghiệp tăng cường đầu tư trước đợt tăng thuế đầu tháng 4.

Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, đầu tư kinh doanh ở tất cả các lĩnh vực phi tài chính cho các mục đích như, xây dựng các nhà máy, giới thiệu các thiết bị mới, tăng 4 quý liên tiếp tính đến quý I/2014, lên 12,23 nghìn tỷ yên.

Đầu tư vốn tăng ở tốc độ nhanh nhất kể từ quý II/2012, một năm sau khi nền kinh tế Nhật Bản suy yếu trầm trọng do thảm họa sóng thần vào tháng 3/2011 và sự cố hạt nhân tại nhà máy Fukushima sau đó.

Nguồn Theo DVO/ RTT News


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới