Quốc gia "vô danh" thành tâm điểm chiến tranh thương mại Trump

Với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 240 triệu USD, Lesotho chỉ chiếm chưa đến 0,02% thâm hụt thương mại của Mỹ. Ảnh: Getty Images.
Dưới ánh đèn sáng choang trong nhà kho, công nhân tại nhà máy Precious Garments ở Lesotho miệt mài cắt, may và là ủi hơn 10.000 sản phẩm mỗi ngày. Một trong những mặt hàng phổ biến nhất tại đây chính là áo golf mang thương hiệu Trump.
Sản phẩm áo polo sọc này, do ông Greg Norman, cựu vận động viên golf chuyên nghiệp và người ủng hộ nhiệt thành của ông Donald Trump bán ra, là một phần trong ngành dệt may phát triển mạnh mẽ tại quốc gia vùng núi nhỏ bé với dân số 2,3 triệu người. Ngành công nghiệp này còn cung cấp sản phẩm cho nhiều thương hiệu lớn như Levi’s, Wrangler và Foot Locker.
Tuy nhiên, quốc gia từng bị ông Trump xem nhẹ là “không ai biết tới” lại đang là nước xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất châu Phi sang Mỹ, một câu chuyện thành công hiếm hoi nhờ vào Đạo luật Tăng trưởng và Cơ hội châu Phi (Agoa), được Tổng thống Bill Clinton đưa ra cách đây 25 năm nhằm tạo điều kiện cho các quốc gia nghèo nhất thế giới tiếp cận thị trường Mỹ mà không phải chịu thuế quan.
Thành quả đó giờ đây đang bị đe dọa. “Tôi từng tự hào khi sản xuất áo cho Trump, nhưng giờ thì không, vì tôi nhận ra mình đã làm việc với một người không đáng tin cậy và thiếu thiện chí,” ông Gerard Tsepe – quản lý khu vực – chia sẻ, khi nhắc đến mức thuế quan “tương hỗ” 50% mà Tổng thống Trump dọa sẽ áp lên Lesotho – một trong những mức cao nhất đối với bất kỳ quốc gia nào.
Với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 240 triệu USD, Lesotho chỉ chiếm chưa đến 0,02% thâm hụt thương mại của Mỹ. Tuy nhiên, ngay cả khi chưa tính đến mức thuế “tương hỗ” 50% (hiện đang được tạm hoãn trong 90 ngày), mức thuế đồng loạt 10% vừa được áp dụng trong tháng này cũng đủ để đe dọa đến sự sống còn của ngành dệt may vốn tồn tại nhờ vào biên lợi nhuận rất mỏng.
![]() |
Trước tình hình kinh tế khó khăn, Lesotho phải cùng các quốc gia khác nhượng bộ Tổng thống Trump để giảm thiểu tác động, một quyết định đầy rủi ro cho đất nước, đồng thời cho thấy sự dễ tổn thương của các quốc gia nhỏ khi bị Mỹ chú ý.
Tuần này, Lesotho cấp phép hoạt động 10 năm cho Starlink, công ty của tỉ phú Elon Musk, cố vấn của ông Trump, chỉ vài ngày sau khi Thủ tướng Sam Matekane tuyên bố nước này đang “gỡ bỏ các rào cản đầu tư từ Mỹ” trong các lĩnh vực như Starlink, năng lượng và khách sạn, ngoài ra còn xem xét nhập khẩu ngô, lúa mì từ Mỹ.
Theo tạp chí Mother Jones, Lesotho còn đang cân nhắc tiếp nhận người bị trục xuất từ Mỹ và triển khai binh sĩ để bảo vệ doanh nghiệp Mỹ tại CHDC Congo, quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản. Bộ Ngoại giao Lesotho hiện chưa đưa ra bình luận.
Ngành may mặc của Lesotho lâu nay do các chủ doanh nghiệp đến từ Đông Á điều hành phần lớn họ đã chuyển từ Nam Phi sang Lesotho từ thập niên 1980 nhằm né tránh các lệnh trừng phạt thời kỳ apartheid. Sau khi Agoa được ban hành năm 2002, làn sóng đầu tư từ châu Á tiếp tục đổ vào với mục tiêu tận dụng lợi thế thuế quan, kết hợp cùng kinh nghiệm sản xuất và mạng lưới quốc tế sẵn có.
Tập đoàn đa quốc gia Nien Hsing của Đài Loan hiện có cơ sở tại Mexico và Việt Nam đã xây dựng nhà máy lớn nhất của mình ở Lesotho, sản xuất khoảng 600.000 sản phẩm mỗi tháng cho các thương hiệu như Levi’s. Khoảng 20% sản phẩm xuất khẩu sang Nam Phi, còn lại chủ yếu đến Mỹ.
Ngành may mặc là khu vực tạo việc làm lớn nhất khu vực tư nhân tại Lesotho, với 30.000 việc làm trực tiếp và hàng chục nghìn người lao động gián tiếp, theo Phòng Thương mại nước này.
![]() |
Từng cuộn vải được sản xuất tại nhà máy Nien Hsing là minh chứng cho tính toàn cầu hóa trong ngành dệt may: bông nhập khẩu từ Ai Cập và Tây Phi được dệt thành vải denim, sau đó chuyển đến cảng Nam Phi rồi xuất khẩu sang Mỹ.
Ông Ricky Chang, Giám đốc Hành chính của Nien Hsing, cho biết ngay cả một mức thuế tăng nhỏ cũng có thể gây khó khăn lớn cho ngành dệt may, vì ngành này có biên lợi nhuận rất thấp. Nếu thuế “tương hỗ” được áp dụng, khách hàng có thể chuyển sang các quốc gia khác trong khu vực như Ethiopia, Kenya hay Nam Phi, những nơi cũng chịu mức thuế từ 10% đến 30%. "Nếu các nước đó có thể sản xuất cùng chất lượng, khách hàng sẽ chọn nơi nào?" ông nói.
Ông Lebohang cho rằng Lesotho chưa tận dụng được lợi thế từ Agoa để phát triển các cơ sở hạ tầng phụ trợ như nhà máy kéo sợi bông, điều này giúp ngành dệt may cạnh tranh với các thị trường ngoài Mỹ. "Agoa giúp chúng ta tự đứng vững bằng cách đa dạng hóa thị trường, nhưng chúng ta đã không làm được. Thực tế, đây là cơ hội lớn hơn cho các nhà đầu tư Đài Loan," ông nhận xét.
Hiện tại, Nien Hsing chưa có kế hoạch rời Lesotho. Mặc dù các quốc gia như Việt Nam, Bangladesh và Campuchia có thể mang lại môi trường ổn định và hiệu quả hơn, ông Chang cho biết công ty đã đầu tư rất nhiều vào Lesotho. Việc di dời sẽ yêu cầu thay đổi dây chuyền sản xuất từ nhân công sang tự động hóa, điều này sẽ tốn kém rất nhiều. "Chúng tôi muốn tiếp tục ở lại Lesotho, nhưng cần một môi trường phù hợp," ông nói.
Người lao động, với mức thu nhập trung bình khoảng 2.882 rand (tương đương 152 USD) mỗi tháng, đang rất lo lắng. "Tôi lo lắng, và tất cả mọi người trong nhà máy cũng vậy," bà Moleboheng Pea, Giám đốc Nhân sự tại Nien Hsing, chia sẻ. "Mọi người đều đang theo dõi tin tức từ các đài, báo và truyền hình."
Có thể bạn quan tâm:
Bí mật lớn nhất của Châu Phi - Sự thành công của Bờ Biển Ngà
Nguồn FT
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
