Hủy
Thế giới

Rời khỏi đất hứa châu Á

Mỹ Phùng Thứ Ba | 29/12/2020 08:00

Ảnh minh họa: Nikkei Asia.

 
 
COVID-19 đã giảm sự hấp dẫn của châu Á đối với nhiều người phương Tây.

Theo The Economist, công ty dịch vụ chuyển nhà Asian Tigers Group đã nhận được một loạt yêu cầu đóng gói chuyển nhà từ những người nước ngoài giàu có ngay khi Jakarta (Indonesia) bị phong tỏa hồi tháng 4. Nhiều người nước ngoài đã nhanh chóng rời đi, bỏ lại người giúp việc hoặc đồng nghiệp cùng những căn nhà trống. Không có thời gian để phân loại đồ đạc, những người vội vã rời đi này chỉ lo đóng gói hành lý và đến sân bay.

Tình thế khó khăn 

Rất nhiều người nước ngoài muốn chuyển đi, trong khi rất ít người mới chuyển đến. Lần đầu tiên, Asian Tigers Group sa thải nhân sự trong lịch sử 35 năm của mình. Người đứng đầu các hoạt động tại Indonesia Bill Lloyd của Tập đoàn cho biết: “Chúng tôi đang trong tình thế rất khó khăn”. Từ lâu, các đô thị châu Á đã thu hút người di cư từ giới nhà giàu từ nhiều châu lục. Các doanh nghiệp phát triển nhanh, tài nguyên thiên nhiên phong phú và môi trường thương mại xa lạ tạo nên những công việc thú vị. Trong khi đó, nhờ chi phí sinh hoạt thấp, người nước ngoài có thể thuê người giúp việc và những ngôi nhà lớn.

 

Theo số liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), khoảng 3 triệu người di cư chủ yếu là từ các nước giàu có đến sống ở châu Á vào năm ngoái, tăng 2,3 triệu người so với năm 1990. Tuy nhiên, đại dịch đã bộc lộ rõ những hạn chế của việc sống ở nước ngoài, bao gồm cả khoảng cách với gia đình. Thậm chí ở một số nơi, các cơ sở y tế đạt chuẩn cũng thiếu.

Không giống như hầu hết người nhập cư, những người nước ngoài này đều khá giả. Vì vậy, việc tái định cư đối với họ đơn giản chỉ là một lựa chọn. Nhiều người đã hồi hương thay vì vượt qua đại dịch ở nước ngoài. Xu hướng này gây thiệt hại cho hai phía, gồm nơi họ đang sống và quê hương của họ. Những người di chuyển từ thế giới phát triển sang các thị trường mới nổi chiếm một phần nhỏ trong tổng số 270 triệu người di cư quốc tế trên thế giới. Nhưng họ đóng một vai trò rất lớn trong nền kinh tế toàn cầu, mang lại những ý tưởng mới và kết nối quốc tế ở bất cứ đâu họ đến.

Một nghiên cứu ở Canada cho thấy sự gia tăng 10% người di cư từ một quốc gia liên quan đến việc tăng xuất khẩu sang quốc gia đó 1% và nhập khẩu từ quốc gia đó tăng 3%. Theo bà Amanda Klekowski von Koppenfels, thuộc Đại học Kent, không có lý do gì khiến việc di cư sang các nền kinh tế đang phát triển không tạo ra những lợi ích tương tự.

Châu Á còn hấp dẫn?

Tuy nhiên, COVID-19 đã giảm sự hấp dẫn của việc sống ở nước ngoài đối với nhiều người thuộc giới giàu có. Anh Iñigo Lumbreras de Mazarredo, người đã dành phần lớn tuổi trẻ để thăng tiến tại một công ty giao đồ ăn ở châu Á, cho rằng, điều tuyệt vời nhất của cuộc sống xa xứ là cơ hội được đi du lịch khắp nơi và gặp gỡ những người mới. Sau vài tuần căng thẳng cố gắng thu dọn đồ đạc và về nhà, bao gồm cả 4 chuyến bay bị hủy, anh chàng 29 tuổi này đã rời Campuchia trở về Tây Ban Nha hồi tháng 4. “Điểm chính của việc ra nước ngoài là để trải nghiệm. Bây giờ điều đó không phải là một lựa chọn”, anh Iñigo Lumbreras de Mazarredo chia sẻ.

 

Dữ liệu trên chỉ là một ví dụ chắp vá về việc di cư ở châu Á. Tuy nhiên, có nhiều bằng chứng cho thấy một cuộc di cư ồ ạt đang diễn ra khắp châu lục này. Tính đến tháng 6, hơn 15.000 công dân Mỹ đã hồi hương, bao gồm cả khách du lịch và người di cư.

Trung tâm nghiên cứu độc lập CRS trong báo cáo về tác động kinh tế toàn cầu của COVID-19 ghi nhận, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút khoảng 26 tỉ USD ra khỏi các nền kinh tế châu Á đang phát triển và hơn 16 tỉ USD ra khỏi Ấn Độ. Cuộc tháo chạy này đơn giản chỉ như quán tính tìm kiếm sự an toàn của dòng tiền trong một thế giới nhiều bất ổn nhưng cũng làm gia tăng mối lo ngại về suy thoái kinh tế quy mô lớn ở châu Á.

Theo một cuộc khảo sát gần đây về cơ sở khách hàng toàn cầu của Knight Frank, gần 2/3 người nước ngoài (khoảng 64%) nói rằng việc phong tỏa đã ảnh hưởng đến quyết định mua bất động sản ở quê nhà của họ, đặc biệt là những người có cha mẹ già hoặc con cái đang học trường nội trú ở nước của họ. Trong số đó, khoảng 29% những khách hàng này đang có kế hoạch chuyển nhà vĩnh viễn và 57% tìm kiếm một ngôi nhà mà họ có thể sử dụng trong tương lai.

Đối với các nhà tuyển dụng, đại dịch cũng bộc lộ những bất lợi của việc thuê những người phương Tây lương cao ở châu Á. Hầu hết các quốc gia đã áp dụng quy định về kiểm dịch, khiến việc xin thị thực bị đình trệ, gây khó khăn cho việc đưa người nước ngoài đến quốc gia mà họ muốn làm việc. Nhu cầu làm việc tại nhà cho thấy rằng các đồng nghiệp có thể cộng tác tốt với nhau ở khoảng cách xa bằng việc sử dụng cuộc gọi video.

Ảnh minh họa: Asian Tigers.
Ảnh minh họa: Asian Tigers.

Theo khảo sát của ECA International, hơn 50% doanh nghiệp đã đưa nhân viên hồi hương làm nhiệm vụ dài hạn ở nước ngoài, chỉ một nửa trong số đó có thể trở lại trong vòng 1 năm. Hầu hết tất cả các công ty được khảo sát cũng cho phép người nước ngoài làm việc từ nơi khác nếu họ muốn.

Chính phủ các nước châu Á cũng ra nhiều chính sách để hạn chế tuyển dụng người nước ngoài. Họ cho rằng điều này có thể làm giảm tỉ lệ thất nghiệp. Ở Malaysia, các công ty chỉ có thể tuyển dụng người nước ngoài nếu họ không tìm được ứng viên bản địa phù hợp với vị trí. Nhà tuyển dụng phải quảng cáo việc làm thông qua cổng thông tin trung tâm, phỏng vấn ứng viên trong vòng 30 ngày và báo cáo lại với cơ quan chức năng.

Vào tháng 8, Chính phủ Singapore đã nâng mức lương tối thiểu mà doanh nghiệp phải trả cho người nước ngoài để được cấp thị thực. Chính phủ nước này cũng mở một cuộc điều tra đối với 47 công ty. Đây là những công ty bị chính phủ nghi ngờ về việc không cung cấp cho các ứng viên địa phương một cơ hội công bằng. Tương tự, một số quốc gia châu Á khác cũng hủy bỏ giấy phép cư trú của những người nước ngoài rời khỏi đất nước mà không xin phép đặc biệt trước.

Dù các doanh nghiệp và chính phủ muốn hay không, sẽ luôn có những người phương Tây mong muốn đến sống ở châu Á. Hầu hết mọi người di chuyển vì tình yêu hoặc công việc. Sức hấp dẫn của cuộc sống xa xứ sẽ quay lại khi biên giới được mở lại và các biện pháp giãn cách xã hội không còn nữa. Nhiều người phương Tây sống ở châu Á cho rằng, đại dịch đã cho thấy châu Á là nơi đáng sống nhất. Giới chức trách ở các quốc gia và vùng lãnh thổ như Hồng Kông, Singapore, Đài Loan và Việt Nam đã làm tốt hơn nhiều so với hầu hết các nước phương Tây trong việc kiểm soát virus.

 

Nguồn Theo The Economist


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới