Hủy
Thế giới

Thất bại vì chia rẽ, ngành viễn thông châu Âu tính chuyện “góp gạo thổi cơm chung”

Thứ Bảy | 21/09/2013 14:35

Hình thành thị trường viễn thông chung tại các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu được kì vọng là giải pháp tốt cho sự chênh lệch cước phí lên tới 774%.
 

Chệnh lệch 774%, chuyện thật như đùa

Nếu phải nêu một thất bại cho sự liên kết thiếu thống nhất của 28 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), thì chắc chắn thị trường viễn thông là bằng chứng “đắt giá” nhất.

Theo một báo cáo của Ủy ban châu Âu (EC), chệnh lệch cước phí cuộc gọi giữa nới cao nhất (Hà Lan) và thấp nhất (Litva) trong khối 28 quốc gia hiện tại thuộc EU đã lên tới 774%.

Grap
Dĩ nhiên, trong khối thị trường chung, sự chệnh lệch như vậy là điều không thể chấp nhận được.

Cuối cùng sau nhiều ngày chờ đợi, bản đề án về thị trường thống nhất cho các dịch vụ viễn thông đã được Ủy ban Châu Âu đưa ra vào cuối tuần trước. Theo đó, một mức giá trần sẽ được áp dụng cho cước các cuộc gọi xuyên biên giới trong lãnh thổ EU.

Cơ chế và một mức cước chung

Mức giá trần được đưa ra là 0,19 euro/phút chưa tính thuế giá trị gia tăng.

Xác lập một thị trường viễn thông chung Châu Âu đã trở thành mối quan tâm hàng đầu đối với Neelie Kroes, Ủy viên Châu Âu về vấn đề kĩ thuật số. Từ lâu, bà đã kêu gọi nghị viện Châu Âu ủng hộ việc bỏ phí chuyển vùng cuộc gọi (phí roaming) và đảm bảo một mạng Internet mở mà theo đó, mọi nguồn thông tin phải được đối xử như nhau dù bất kể từ nguồn nào, gửi đến đâu và nội dung ra sao.

Neelie Kroes coi đây là những bước đi cần thiết cho việc hình thành một thị trường viễn thông thống nhất và Brussels cương quyết làm mọi việc cần thiết để kế hoach này được thông qua, trước kì bầu cử Nghị viện Châu Âu năm 2014.

Sự thống nhất sẽ không chỉ dừng lại ở mức cước mà tiến lên cả tầm quản lý. Bản đề án cũng cho thấy viễn cảnh tương lai các nhà mạng Châu Âu có thể được cấp phép cung cấp dịch vụ của mình tại toàn bộ 28 quốc gia thành viên, thay vì phải mất công xin cấp phép từng quốc gia như trước. Nói cách khác, Châu Âu đã hình thành một cơ chế quản lý chung cho thị trường viễn thông của tất cả các quốc gia thành viên. Bản đề án cần có sự thông qua của tất cả các quốc gia trong liên minh để được chấp thuận, trong khi những đề xuất này không dễ để được nhận được sự tán đồng của tất cả.

Sự cần thiết của một sân chơi chung

Theo một nghiên cứu của Boston Consulting Group, ngành viễn thông châu Âu sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm doanh thu từ 0,5 – 2% từ nay cho đến 2020, nếu cứ tiếp tục duy trì quy chế quản lý riêng cho từng nước như hiện nay.

Đề án về thị trường viễn thông chung được kì vọng sẽ vực dậy ngành viễn thông của “lục địa già” đang bị đánh giá là đã tụt hậu so với thế giới. Trong vòng 5 năm qua, trong khi các đối thủ không ngừng phát triển mạnh mẽ, các doanh nghiệp viễn thông Châu Âu lại bước đi khá chậm chạp. Xét về tốc độ tăng doanh thu, họ thấp hơn các đối thủ đến từ Mỹ và Trung Quốc từ 7 đến 9 lần. Hậu quả là, trong khi các nhà mạng Châu Á tăng vốn lên thêm 17% và các nhà mạng Châu Âu tăng 7%, các nhà mạng Châu Âu lại nhìn số vốn của mình bốc hơi tới 28%. Tóm lại, 5 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất Châu Âu cộng lại mới chỉ có số vốn nhỉnh hơn China Mobile một chút.

Đề án về thị trường thống nhất các dịch vụ viễn thông sẽ mở đường cho các doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở vất chất, nhất là trong lĩnh vực băng thông rộng, vốn đã đi sau các doanh nghiệp Mỹ khá nhiều. Từ lâu, các doanh nghiệp đã phàn nàn về việc thị trường bị chia nhỏ khiến họ không thể đầu tư vào cơ sở hạ tầng trên quy mô lớn. Nếu các doanh nghiệp Châu Âu rất phát triển về 3G thì họ lại đang đi sau các doanh nghiệp Mỹ khi phát triển mạng 4G. Những động thái cũng đến từ các doanh nghiệp, khi mà “G5” - nhóm 5 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu (Vodafone, Telefonica, Deutsche Telekom, France Télécom và Telecom Italia) đã ủng hộ một thị trường thống nhất để khai thác lượng khách hàng khổng lồ, lên đến 450 triệu người.

Hơn cả lợi ích kinh tế

Neelie Kroes mở đầu bài phát biểu tại Ủy ban Thị trường nội địa và bảo vệ người tiêu dùng của nghị viện Châu Âu bằng cách nhấn mạnh rằng: “ Chúng ta cần một tiếp cận vấn đề mới trên khía cạnh chính trị”.

Bà tin tưởng rằng, đối với thế hệ trẻ - thế hệ giao tiếp trên mạng nhiều nhất nhưng lại đi bầu cử ít nhất, họ cần một nền kinh tế mạnh và được số hóa để thoát khỏi bóng đen thất nghiệp. Đối với những người cao tuổi, những dịch vụ số hóa tiên tiến khiến cho họ tiếp tục sống khỏe mạnh và năng động . "Nếu chúng ta đi đúng hướng thì kết nối kỹ thuật số sẽ mang lại kết nối trên bình diện chính trị", bà khẳng định.

Tóm lại, một thị trường chung cho phép người tiêu dùng truy cập vào một mạng Internet mở không hạn chế bất kể chi phí và tốc độ phục vụ bởi thuê bao của họ. Mặt khác, nếu các yêu cầu cạnh tranh và không phân biệt đối xử được đáp ứng, mức giá để truy cập băng thông rộng "thế hệ mới" sẽ được quyết định bởi thị trường chứ không còn tuân theo quy định, giảm gánh nặng hành chính cho các nhà khai thác, tạo nên một môi trường đầu tư an toàn và lành mạnh hơn.

Nguồn Dân Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới