Thị trường xa xỉ Trung Quốc đang hồi sinh
Hình ảnh mô phỏng một chiếc túi Louis Vuitton trong sự kiện quảng cáo của thương hiệu xa xỉ Pháp tại Thượng Hải. Ảnh: Getty Images.
Theo CNBC, doanh số bán hàng xa xỉ của Trung Quốc đang phục hồi và mặc dù vẫn chưa trở lại mức năm 2021, các nhà phân tích ngành và thông cáo tài chính từ các thương hiệu lớn chỉ ra quốc gia này hoàn toàn có cơ hội tăng trưởng mới so với xu hướng trước đại dịch.
LVMH là gã khổng lồ xa xỉ mới nhất công bố kết quả kinh doanh năm 2023, theo báo cáo của hãng, thời trang và hàng da đã chứng kiến mức tăng trưởng hơn 30% tại Trung Quốc trong tháng 12. Kết quả của công ty cho thấy mặc dù các chuyến du lịch nước ngoài đã nối lại nhưng nhiều người tiêu dùng Trung Quốc vẫn mua các sản phẩm xa xỉ tại quê nhà.
“Về quy mô cửa hàng ở Trung Quốc, số lượng khách hàng Trung Quốc nhiều gấp đôi so với năm 2019", ông Bernard Arnault, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của LVMH, cho biết trong một họp báo cáo thu nhập.
Ông nói: “Điều đó có nghĩa là lượng mua hàng nội địa ở Trung Quốc đã tăng lên đáng kể, vì vậy chúng tôi cần phải đáp ứng điều đó”.
Theo công ty tư vấn Bain & Company, thị trường hàng xa xỉ cá nhân tại Trung Quốc đại lục đã tăng khoảng 12% trong năm ngoái lên hơn 400 tỉ nhân dân tệ (56,43 tỉ USD).
Mặc dù con số này vẫn chưa quay trở lại mức của năm 2021, do tâm lý người tiêu dùng yếu đi và hoạt động mua sắm hàng xa xỉ ở nước ngoài quay trở lại, song Bain dự kiến thị trường hàng xa xỉ trong nước tại đây sẽ chỉ đi theo đà tăng trong những năm tới.
Bà Weiwei Xing, một đối tác trong mảng hoạt động bán lẻ và sản phẩm tiêu dùng của Bain tại Hồng Kông, cho biết, mua sắm hàng xa xỉ ở Trung Quốc đại lục chiếm khoảng 16% thị trường toàn cầu vào năm ngoái và dự kiến sẽ đạt ít nhất 20% vào năm 2030.
Bà nói: “Tất cả dữ liệu đều chỉ ra tầm quan trọng của người tiêu dùng xa xỉ Trung Quốc và thị trường Trung Quốc”.
Richemont, công ty mẹ của Cartier, cho biết hồi đầu tháng rằng doanh số bán hàng tại Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Macao đã tăng 25% trong ba tháng kết thúc vào ngày 31/12.
Trong một cuộc họp báo cáo thu nhập, Giám đốc tài chính Burkhart Grund của công ty đã mô tả hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc đang được hồi sinh, đặc biệt trong bối cảnh ngành bất động sản sụt giảm kéo dài và hoạt động du lịch nước ngoài của người mua sắm Trung Quốc phục hồi chậm.
Bà Xing cho biết, các thương hiệu xa xỉ ngày càng chuyển sang các kênh trực tuyến để đảm bảo sự tương tác với khách hàng. Đồng thời cho biết các công ty hoạt động tốt vào năm 2023 đã bán những mặt hàng xa xỉ có tính đầu tư, có những khía cạnh mang tính biểu tượng sẽ tồn tại qua nhiều năm.
Khi các công ty cạnh tranh để giành lấy thị phần tiêu dùng Trung Quốc, một phân khúc mới đã nổi lên, đó là chăn ga gối đệm và vải lanh mịn.
Theo dữ liệu của PitchBook, ít nhất bốn thương vụ đầu tư đã diễn ra trong danh mục đó trong 18 tháng qua. Giao dịch mới nhất được niêm yết là thương vụ mua lại công ty chăn ga gối đệm cao cấp Frette của Ý vào tháng 8 bởi các nhà đầu tư, trong đó có Ding Shizhong, Chủ tịch công ty đồ thể thao Trung Quốc Anta.
Bà Ashley Dudarenok, người sáng lập ChoZan, một công ty tư vấn tiếp thị Trung Quốc, cho biết: “Thái độ của người tiêu dùng đối với các sản phẩm chăn ga gối đệm đang dần thay đổi, ngày càng có nhiều người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền cho những chiếc giường chất lượng cao và chú trọng hơn đến chất lượng sản phẩm, chức năng và các dịch vụ bổ sung”.
Bà lưu ý rằng, các thương hiệu dệt may gia dụng trong nước đã tích cực theo đuổi "đổi mới công nghệ" và khám phá thị trường chăn ga gối đệm cao cấp để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, thị trường tiềm năng này vẫn chưa được khai thác tối đa.
Theo ước tính từ viện nghiên cứu người tiêu dùng ZWC Partners có trụ sở tại Bắc Kinh, trong khi người tiêu dùng Mỹ chiếm hơn 40% thị trường toàn cầu về hàng dệt may, đồ dùng phòng ngủ và nhà tắm cao cấp thì người tiêu dùng Trung Quốc hiện chỉ chiếm khoảng 5% hoặc ít hơn.
Nghiên cứu của họ cho thấy thị trường vật dụng nhà tắm, phòng ngủ và dệt may sang trọng của Trung Quốc có quy mô khoảng 700 triệu USD vào năm 2023, một phần rất nhỏ so với thị trường chăn ga gối đệm nội địa thông thường, có quy mô khoảng 10 tỉ USD.
Có thể bạn quan tâm:
Những "cơn sóng ngầm" nào có thể khiến đế chế Apple lung lay?
Nguồn CNBC
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư