Thương mại không còn là mỏ neo trong quan hệ của Mỹ với Trung Quốc
Ảnh: Chinausfocus.com
Khi kiếm tiền là không đủ
Khủng hoảng tài chính năm 2008 đã tiết lộ một sự phụ thuộc giữa Mỹ, nhà nhập khẩu hàng giá rẻ và Trung Quốc, nhà xuất khẩu ngày một thịnh vượng. Có vài thuật ngữ đã được đưa ra cho sự cộng sinh này: “Chimerica”.
Đột nhiên, kiếm tiền là không đủ. Trong vài năm qua, cuộc tranh luận về cách hợp tác đã nhường chỗ cho việc nói về cạnh tranh chiến lược và các mối đe dọa an ninh. Thay vì tìm các thuật ngữ hấp dẫn, các học giả đang tìm kiếm những so sánh trong lịch sử. Một số đề cập về một trường hợp vào năm 1914, khi đụng độ về tham vọng của Anh - Đức đã gạt sự gắn kết thương mại sâu sắc sang một bên. Các nhà phân tích Trung Quốc ám ảnh về bẫy Thucydides, đã khiến các quốc gia mới nổi chống lại các thế lực đương nhiệm, như sử gia Hy Lạp đã viết về Sparta và Athens.
Trung Quốc một mặt vừa là đối thủ chiến lược lớn nhất và là đối tác thương mại khổng lồ. Điều này là một khái niệm mới. Cú sốc với Nhật Bản trong thập niên 1970 và 1980 đã khiến các chính trị gia đặt vấn đề về áp dụng các rào cản bảo hộ, khi thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Nhật Bản tăng gấp 25 lần trong một thập kỷ. Nhưng đó là một cuộc chiến một chiều: Nhật Bản là một đồng minh quân sự phụ thuộc vào chính nước Mỹ. Đối với Liên Xô, đó là một đối thủ về ý thức hệ nhưng không phải là đối thủ thương mại: Năm 1987 thương mại song phương giữa 2 nước trị giá 2 tỷ USD một năm, chưa bằng 0,25% tổng giao dịch thương mại của Mỹ với thế giới. Năm 2018 thương mại hai chiều giữa Mỹ và Trung Quốc đạt 2 tỷ USD/ngày, tương đương 13% thương mại thế giới của Mỹ.
Cú sốc với nước Mỹ đã trở nên tồi tệ hơn bởi hoạt động thương mại về công nghệ làm mờ ranh giới giữa thương mại và an ninh quốc gia. Việc chính quyền Trump phản đối việc cho phép Huawei xây dựng mạng lưới mạng viễn thông 5G cho Mỹ hoặc các đồng minh là dấu hiệu cho tương lai đó. Về cơ bản, những cuộc tranh luận như vậy sẽ kém quan trọng hơn khi Trung Quốc xuất khẩu giày tennis và tivi, chứ không phải là vi mạch cho xe tự lái trên đường và máy bay trên không.
Tỷ trọng đóng góp của Mỹ (màu xanh) và Trung Quốc (màu đỏ) trong thương mại toàn cầu. Ảnh: Economist. |
Sức mạnh công nghệ ngày càng tăng của Trung Quốc đang tạo ra một sự căng thẳng mới trong quá trình toàn cầu hóa, vượt ra ngoài những tranh luận cũ về các công việc bị đánh cắp. Việc General Motors bán nhiều xe hơi ở Trung Quốc hơn ở Mỹ từng giúp cả hai nước quản lý sự khác biệt về ý thức hệ. Ngày nay, chuỗi cung ứng, mang chất bán dẫn từ Trung Quốc đến các thiết bị ở Mỹ, thực sự đã làm gia tăng rủi ro về chính trị. Trong thế giới này, quan hệ thương mại không thể được cách ly khỏi những câu hỏi khó về việc các quốc gia là đối tác, đối thủ hay kẻ thù. Các công ty phương Tây lo lắng rằng trước khi Trung Quốc thực sự mở cửa, họ sẽ bị ném ra ngay sau khi các công ty Trung Quốc đã học, mua hoặc đánh cắp đủ bí quyết phương Tây để tự chủ.
Không có gì để mất trừ chuỗi cung ứng của bạn
Rất ít người Mỹ có nhiều dịp tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Trung Quốc hơn ông Henry Paulson, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, một người ủng hộ sự gắn kết giữa 2 nước. Vì vậy, giới phân tích đã rất chú ý vào tháng 2 khi ông tuyên bố rằng, bởi vì Trung Quốc đã chậm mở cửa nền kinh tế kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001, “cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đã chuyển từ chủ trương ủng hộ sang hoài nghi và thậm chí phản đối chính sách của chúng tôi đối với Trung Quốc”. Ông nói thêm các ông chủ không muốn một cuộc chiến thuế quan, “nhưng muốn có một cách tiếp cận đối đầu hơn nữa”. Các doanh nghiệp đang nhận được điều đó từ chính quyền Trump.
Một phần, điều này được giải thích bởi sự thay đổi nhà lãnh đạo trong Phòng Bầu dục. Tổng thống Barack Obama cũng tố cáo gian lận thương mại của Trung Quốc và thúc ép nược này ngừng ăn cắp bí mật thương mại. Nhưng cuối cùng, ông Obama đã chú trọng hơn vào việc giải quyết các thách thức toàn cầu, từ biến đổi khí hậu; đại dịch đến phổ biến hạt nhân, những điều mà ông cần sự giúp đỡ của Trung Quốc. Các chính sách khắt khe với Trung Quốc đã được thảo luận rất nhiều, nhưng sau đó thường bị loại bỏ. Ngược lại, ông Trump lại nói rằng việc giải quyết các vấn đề của thế giới không phải là công việc của ông.
Tổng thống Trump vừa là một triệu chứng vừa là một nguyên nhân cho sự thay đổi trong cách mà nước Mỹ nghĩ về sự cởi mở của mình với thế giới. Các cử tri đã bầu ra một nhà lãnh đạo tôn sùng khái niệm “chân lý thuộc về kẻ mạnh”, người coi thường các liên minh, những người hoài nghi về luật pháp và các giá trị phổ quát và tin rằng lợi ích quốc gia luôn phải được đặt lên hàng đầu. Trong bối cảnh lo ngại gián điệp, các quy tắc thị thực cho sinh viên khoa học và công nghệ Trung Quốc đã thắt chặt. Thay vì Trung Quốc trở nên phương Tây hơn, Mỹ đang trở nên Trung Quốc hơn.
Trong khi đó, các quan chức ở Bắc Kinh coi Mỹ là một kẻ thua cuộc cay cú và muốn kiềm chế đối thủ. Họ chế giễu rằng nước Mỹ giàu có, hư hỏng thực sự cảm thấy bị đe dọa, muốn tìm các điều khoản tốt hơn cho các công ty Mỹ để kiếm tiền. Quan điểm này đã phớt lờ thực tế là có nhiều người ở Washington tin rằng mối đe dọa Trung Quốc là có thật và quan trọng hơn lợi nhuận hoặc quy tắc của thị trường tự do. Thật vậy, các quan chức cáo buộc các công ty giữ im lặng khi các điệp viên Trung Quốc ăn cắp tài sản trí tuệ, để giữ thể diện và tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Một số nhà phân tích cho rằng quan điểm trái ngược nhau giữa Washington và Bắc Kinh về cách quản lý các khía cạnh công nghệ, quân sự, kinh tế và chính trị (trong một cuộc cạnh tranh vị thế siêu cường) vẫn còn mới đến mức, hai bên thậm chí chưa thể định nghĩa về mối quan hệ thành công là như thế nào. Hai bên sẽ phải tìm ra những quy định chung.
Nguồn Economist
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Hằng Nguyễn