Hủy
Thế giới

Trung Quốc đang âm thầm giảm sự phụ thuộc vào công nghệ chip nước ngoài

Hải Miên Thứ Năm | 29/02/2024 17:14

Trung Quốc cũng đang thu mua thiết bị bán dẫn từ Nhật Bản. Ảnh: Guillem Casasus.

Tuy nhiên để Trung Quốc có thể dựa hoàn toàn vào các nhà cung cấp địa phương cho nhiều công đoạn sản xuất chip, cần nhiều hỗ trợ từ chính phủ hơn.
 

Sở trường sản xuất công nghệ tiên tiến của Trung Quốc được thể hiện rõ từ thiết bị tiêu dùng đến ô tô. Tuy nhiên, chất bán dẫn thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số lại là thách thức lớn đối với quốc gia này. Trước bối cảnh Mỹ quyết định ngừng xuất khẩu những con chip và công cụ sản xuất chip mạnh nhất sang Trung Quốc vào năm 2022, công nghệ chip đã trở thành mối bận tâm hàng đầu của giới tinh hoa chính trị và kinh doanh.

Theo đó, vào tháng 12 năm ngoái, nhập khẩu máy in thạch bản dùng để in mạch lên tấm silicon của Trung Quốc đã tăng 450% so với cùng kỳ năm trước, do các nhà sản xuất chip địa phương chạy đua mua bộ công cụ tiên tiến từ ASML, công ty dẫn đầu thị trường Hà Lan, trước khi các hạn chế xuất khẩu của Hà Lan có hiệu lực vào tháng 1. Trung Quốc cũng đang thu mua thiết bị bán dẫn từ Nhật Bản.

Mặc dù chính phủ Trung Quốc đã tung ra các khoản trợ cấp cho ngành công nghiệp chip nội địa trong nhiều năm, nhưng mối lo ngại ngày càng tăng khi các hạn chế thương mại do Mỹ và các đồng minh áp đặt đã khiến họ phải tăng gấp đôi nỗ lực.

Có cố gắng nhưng chậm chạp

Thị phần của các công ty nội địa cung cấp thiết bị sản xuất chip tại Trung Quốc (%).
Thị phần của các công ty nội địa cung cấp thiết bị sản xuất chip tại Trung Quốc (%).

Thực chất thì hoạt động của ngành công nghiệp chip Trung Quốc vẫn luôn là một ẩn số. Những đột phá và thất bại thường được coi là bí mật quốc gia, nếu tiết lộ có thể bị bắt giữ. Vào tháng 8, Huawei, nhà vô địch công nghệ Trung Quốc, đã gây chấn động thế giới khi sản xuất một chiếc điện thoại thông minh chứa chip 7 nanomet (nm), giúp nó có khả năng đạt tốc độ Internet 5G. Công ty hiện được đồn đại là đang trên đà tạo ra những con chip nhỏ tới 5nm, hợp tác với SMIC xưởng đúc lớn nhất Trung Quốc.

Thế nhưng, ngay cả khi Huawei và SMIC cuối cùng thành công trong việc sản xuất chip 5nm, họ vẫn sẽ vẫn đứng sau Samsung, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc và TSMC, một hãng sản xuất chip của Đài Loan, cả hai đều đã bắt đầu sản xuất hàng loạt chip 3nm từ năm 2022, thiết bị in thạch bản tiên tiến sẽ là rào cản lớn cho sự tiến bộ hơn nữa của Trung Quốc. Vào tháng 12, một cổ đông hàng đầu của SMEE, niềm hy vọng chính của Trung Quốc về in thạch bản, cho biết trên mạng xã hội rằng máy móc của công ty đã thành công trong việc sản xuất chip 28nm – mặc dù sau đó họ đã nhanh chóng xóa các chi tiết, gây ra nhiều nhầm lẫn. Nếu đúng, điều đó vẫn sẽ khiến công ty bị tụt lại phía sau ASML, công ty Hà Lan có những cỗ máy hàng đầu có thể sản xuất chip 3nm.

Góc nhìn khác

Trên một phương diện khác, Trung Quốc đang dần dần giảm bớt sự phụ thuộc vào công nghệ bán dẫn nước ngoài. Huawei, công ty tưởng chừng sụp đổ vào năm 2019 bởi các lệnh trừng phạt cắt đứt khả năng tiếp cận công nghệ Mỹ, đã và đang nuôi dưỡng hệ sinh thái sản xuất chip rộng lớn hơn của Trung Quốc.

Công ty được cho là hợp tác chặt chẽ với một số xưởng đúc chip, bằng cách đồng đầu tư vào các dự án hoặc trao đổi nhân viên. Vào tháng 3 năm ngoái, họ tuyên bố đã đạt được một số bước đột phá trong việc phát triển phần mềm tự động hóa thiết kế điện tử (EDA), được sử dụng để tạo ra các bản thiết kế cho chip, bước đột phá dự sẽ giải phóng ngành công nghiệp Trung Quốc khỏi nhu cầu phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài khi sản xuất chất bán dẫn từ 14nm trở lên. Theo một số nguồn tin,  Empyrean, một nhà sản xuất công cụ EDA của Trung Quốc có doanh số bán hàng tăng vọt trong những năm gần đây, đã hợp tác cùng Huawei trong bước tiến này.

Sự hợp tác của các công ty nội địa Trung Quốc đang diễn ra thường xuyên hơn. Các xưởng đúc của Trung Quốc trước đây phụ thuộc vào việc nhập khẩu máy móc đã được thử nghiệm ở nước ngoài. Giờ đây, một số công ty lớn nhất, bao gồm SMIC, đã trở nên cởi mở hơn trong việc thử nghiệm các lựa chọn thay thế tại địa phương. Điều đó mang lại cho các nhà cung cấp cơ hội và cải thiện thiết kế của họ. Mặc dù điều này đi kèm với chi phí và rủi ro đối với các nhà sản xuất chip, chính phủ Trung Quốc được cho là đang nới lỏng bằng cách cung cấp trợ cấp cho những người mua thiết bị địa phương.

 

Nhưng cuối cùng thì các nhà sản xuất linh kiện cho mảng chip Trung Quốc lại có động lực to lớn để phát triển. Theo Bernstein, thị phần nội địa của các nhà sản xuất công cụ chế tạo wafer Trung Quốc đã tăng từ 4% vào năm 2019 lên ước tính 14% vào năm ngoái. AMEC, một công ty Trung Quốc có máy móc được sử dụng để loại bỏ vật liệu còn sót lại khỏi chip, đã kiểm soát 10% thị trường Trung Quốc vào năm 2021. Kể từ đó, công ty đã nhanh chóng giành được thị phần từ các đối thủ nước ngoài như Lam Research của Mỹ. Bernstein cho rằng thị phần của AMEC đạt 16% vào năm ngoái và sẽ tăng lên khoảng 30% vào năm 2025. NAURA, một đối tác của AMEC, ước tính doanh số bán hàng của họ đã tăng 50% vào năm ngoái. Trong khi Wazam, một nhà cung cấp màng cách điện chất bán dẫn của Trung Quốc, cũng đang bắt đầu có vị thế nhờ việc thử nghiệm tại một nhà sản xuất chip địa phương.

Tuy nhiên thì sẽ cần nhiều sự hỗ trợ hơn nữa trước khi Trung Quốc có thể dựa hoàn toàn vào các nhà cung cấp địa phương cho nhiều công đoạn sản xuất chip. Theo ước tính của Bộ Thương mại Mỹ, họ đã bơm khoảng 150 tỉ USD trợ cấp vào ngành công nghiệp chip của mình trong thập kỷ qua. 

Có thể bạn quan tâm:

 Các thương hiệu xa xỉ "mạnh tay" thu mua bất động sản bán lẻ đắt đỏ

Nguồn The Economist


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới