Trung Quốc tuyên bố điều tàu thăm dò dầu khí ra Biển Đông
Hoạt động này được Trung Quốc mô tả là 'thăm dò địa chấn' ở khu vực Tây Bắc cảng Tam Á. Đây là động thái nằm trong chuỗi hành động thăm dò dầu khí của Trung Quốc ở Biển Đông.
Thông báo này của Cục Hải sự Trung Quốc cũng được viết giống hệt thông báo về giàn khoan Nam Hải 9 ra hoạt động ở Biển Đông được đăng tải hồi tuần trước.
Trung Quốc thông báo tọa độ khu vực hoạt động, nhưng không nói rõ khoảng cách từ cảng Tam Á đến nơi có tàu thăm dò dầu khí là bao nhiêu hải lý.
Nhìn trên bản đồ do Cục Hải sự Trung Quốc đăng tải, tàu thăm dò dầu khí Hải Dương 719 nằm ở khoảng giữa đường nối từ cảng Tam Á nước này đến tỉnh Đà Nẵng của Việt Nam.
Hôm 18/6 vừa qua, Trung Quốc cho biết giàn khoan 'Nam Hải 9' (Nan Hai Jiu Hao) được kéo từ tọa độ 17 độ 38 vĩ Bắc, 110 độ 12,3 kinh Đông tới vị trí có tọa độ 17 độ 14,1 vĩ Bắc, 109 độ 31 kinh Đông trên Biển Đông trong thời gian từ ngày 18 đến 20/6.
Cục Hải sự Trung Quốc cho biết thêm, giàn khoan nước sâu này được di chuyển với tốc độ 4 hải lý /giờ (khoảng 7km/giờ), tổng chiều dài dây kéo giữa tàu kéo và giàn khoan là 600m.
Tờ Liên hợp báo của Đài Loan bình luận, trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông do Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, việc đưa thêm giàn khoan thứ hai vào khu vực tương tự có thể sẽ ‘châm ngòi cho cuộc xung đột’ trên biển.
Hoàn Cầu thời báo dẫn lời ông Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Hải (Biển Đông) nói khả năng Trung Quốc đưa giàn khoan thứ hai ra Hoàng Sa là rất thấp.
Cũng giống giàn khoan Hải Dương 981 đang được hạ đặt trái phép ở Hoàng Sa của Việt Nam, giàn khoan 'Nam Hải số 9' là dạng giàn khoan nửa chìm nửa nổi, chuyên dùng khoan ở vùng nước sâu của Tổng Cty dầu khí hải dương Trung Quốc.
Trao đổi với báo giới hôm 16/6 vừa qua, ông Nguyễn Quốc Thập, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam đại diện Tập đoàn dầu khí Việt Nam khẳng định, Trung Quốc đã nhiều lần vi phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Nước này liên kết với một số Cty nước ngoài để thăm dò trái phép trên vùng biển Việt Nam.
"Tuy nhiên, Tập đoàn dầu khí đã phối hợp các cơ quan chức năng tuyên truyền, phản đối quyết liệt, xua đuổi các tàu Trung Quốc và tàu nước ngoài xâm nhập trái phép".
"Vì Trung Quốc có những hoạt động phi chính nghĩa nên không có Cty nước ngoài nào hợp tác làm ăn với nước này", ông Thập cho biết.
Tập đoàn dầu khí Việt Nam đã ký kết hơn 100 hợp đồng ký kết thăm dò khai thác dầu khí, trong đó hơn 61 hợp đồng vẫn đang còn hiệu lực.
Các hoạt động thăm dò, khai thác và hơn 900 giếng dầu của Việt Nam đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Nguồn VTC
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư