Hủy
Thế giới

World Bank hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu 2016

Thứ Năm | 07/01/2016 11:37

Kinh tế toàn cầu 2016 sẽ ảm đạm khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc khiến thị trường hàng hóa tuột dốc, tác động xấu đến Brazil và Nga, theo World Bank.
 

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu bán thường niên công bố hôm thứ Tư 6/1, World Bank đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2016 xuống 2,9% so với 3,3% đưa ra hồi tháng 6/2015.

Năm ngoái, kinh tế thế giới tăng trưởng 2,4%, thấp hơn so với dự báo 2,8% hồi tháng 6 của World Bank và thấp hơn so với 2,6% của năm 2014.

Bức tranh tại các thị trường mới nổi ảm đạm hơn là lý do chính khiến kinh tế toàn cầu tăng trưởng dưới 3% trong 5 năm liên tiếp.

World Bank cũng hạ dự báo tăng trưởng năm 2016 của Trung Quốc từ 7% xuống 6,7%. Kinh tế Brazil sẽ suy giảm 2,5% trong năm nay, trong khi kinh tế Nga giảm 0,7%.

“Kinh tế toàn cầu sẽ cần phải thích ứng với một thời kỳ tăng trưởng khiêm tốn hơn tại các thị trường mới nổi, được phản ánh bằng giá hàng hóa thấp hơn, luồng vốn và thương mại suy giảm", Kaushik Basu, Phó chủ tịch kiêm Kinh tế trưởng World Bank, cho biết.

Tỷ lệ nợ ở mức cao của Trung Quốc đang là rủi ro chính trong ngắn hạn của nước này. Tỷ lệ nợ/GDP của nước này cao hơn hầu hết các nước đang phát triển. Tuy nhiên World Bank nhận định chính phủ Trung Quốc vẫn còn dư địa để thúc đẩy tăng trưởng bằng chi tiêu công trong trường hợp tăng trưởng quá thấp.

World Bank cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ xuống 2,7% trong năm 2016 từ 2,8% hồi tháng 6/2015, chủ yếu do lĩnh vực xuất khẩu bị ảnh hưởng tiêu cực khi USD ngày một mạnh hơn.

Trong khi đó chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ giúp Nhật Bản và eurozone duy trì được đà phục hồi "mong manh".

World Bank nhận định, triển vọng kinh tế thế giới sẽ được củng cố nếu các nền kinh tế lớn phục hồi đáng kể, giá hàng hóa ổn định và lãi suất tiếp tục ở mức thấp. Ngược lại, những rủi ro (dù khả năng xảy ra thấp) bao gồm tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi giảm mạnh, Mỹ tăng lãi suất quá nhanh, USD tăng giá và rủi ro địa chính trị.

Nhật Trường

Nguồn Bloomberg/Reuters


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới