Hủy

Điện năng Việt Nam: Liệu cung có đủ cầu?

Thứ Tư | 05/08/2015 11:24

Trong hai thập kỷ tới, Việt Nam sẽ tăng cường sản xuất điện năng phục vụ quá trình công nghiệp hóa.
 

Để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và mục tiêu an ninh năng lượng, Việt Nam đang nổ lực gia tăng tổng công suất phát điện. Trong kế hoạch phát triển điện năng quốc gia, Việt Nam sẽ tăng cường sản xuất nhiệt điện, xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Đông Nam Á và tổ hợp điện gió ngoài khơi đầu tiên ở Châu Á.

Dien nang Viet Nam: Lieu cung co du cau?
 

Cùng với đà phát triển kinh tế Việt Nam, quá trình công nghiệp hóa và tăng trưởng xuất khẩu sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ điện năng gia tăng. Tổng cục Thống kê Việt Nam ước tính nhu cầu điện sẽ tiếp tục tăng trưởng 10%-12% mỗi năm, từ 196,8 TWh trong năm 2015 lên 615,2 TWh trong năm 2030. Theo hồ sơ trình Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) năm 2013, Việt Nam dự báo công suất phát điện trong năm 2015 là khoảng 40 GW và năm 2030 là 140 GW.

Các nguồn sản xuất điện năng chính ở Việt Nam bao gồm: 

Than: Trong năm 2014, lượng than tiêu thụ hàng năm là 19,1 triệu tấn, tăng 21% so với năm 2013. Nhu cầu tiêu thụ than tiếp tục tăng trong năm 2015, khi thời tiết nóng lên đã làm giảm công suất thủy điện. Việt Nam vẫn đang trong quá trình phát triển ngành khai thác than và phải nhập khẩu than với giá tương đối cao. Công ty PetroVietnam (PV) đang tìm đối tác để mua 11 triệu tấn than mỗi năm bắt đầu từ năm 2017 để cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp năng lượng trong nước.

Khí đốt tự nhiên: Trong thập kỷ qua, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia thăm dò khí đốt tự nhiên tại Việt Nam, làm cho trữ lượng khí đốt trong nước tăng lên đáng kể. Lượng khí đốt được sản xuất tại Việt Nam đã đủ nhiều để đáp ứng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, PV dự đoán nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng lên khá nhanh, gây thiếu hụt nguồn cung. PV Gas - công ty con của PV kỳ vọng hai dự án kho cảng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tại Thị Vải và Mỹ Sơn sẽ bắt đầu hoạt động lần lượt từ năm 2017 và 2018. Trong năm 2014, PV Gas đã ký hợp đồng mua bán với Gazprom của Nga. Theo thỏa thuận, PV Gas sẽ nhận được 1.359 mét khối khí tự nhiên mỗi năm thông qua cảng Thị Vải.

Hạt nhân: Việt Nam đang dự tính xây dựng Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của khu vực Đông Nam Á. Trong năm 2010, Nga đã đồng ý xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I với hai lò phản ứng có công suất 1000 megawat (MW). Tiếp theo đó, năm 2011, Nhật Bản cũng đồng ý xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận II. Nhưng, do sự cố nhà máy điện Fukushima năm 2011 nên cả 2 dự án trên đã bị hoãn lại. Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I dự kiến sẽ khởi công sau năm 2020. 

Năng lượng gió: Việt Nam đang xây dựng tổ hợp điện gió ngoài khơi đầu tiên của Châu Á tại Bạc Liêu. Giai đoạn 1 (16MW) của tổ hợp điện gió này đã đi vào hoạt động, còn giai đoạn 2 (83.2 MW) dự kiến hoàn thành vào năm 2016. Trong tháng 3/2015, Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ đã tài trợ công trình nghiên cứu khả thi cho giai đoạn 3. Một dự án khác là tổ hợp điện gió Tây Nguyên đã khởi công vào tháng 3/2015. Tổ hợp có công suất thiết kế là 120 MW, trong đó giai đoạn đầu (28 MW) dự kiến sẽ đưa vào hoạt động năm 2016. 

Việc tăng công suất cung cấp điện đòi hỏi phải xây dựng mới hệ thống truyền tải và phân phối. Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) đang đứng trước thách thức kép, vừa phải hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, vừa gia tăng công suất phát điện. Việc tìm kiếm các nguồn đầu tư quốc tế để nâng cao tổng công suất và cải thiện cơ sở hạ tầng cũng rất quan trọng. Thông qua Dự án Hiệu quả Lưới điện Truyền tải, Việt Nam đã nhận được khoản vay trị giá 500 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới nhằm nâng cao công suất, hiệu suất và mức độ ổn định mạng truyền tải điện.

Thùy Loan

Nguồn Energy Information Administration


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới