Hủy

Giá dầu sẽ biến động thế nào sau khi ông Chavez qua đời?

Thứ Tư | 06/03/2013 09:15

Việc ông Chavez, người thay đổi ngành dầu khí của nước có trữ lượng lớn nhất thế giới, qua đời chắc chắn sẽ gây những ảnh hưởng nhất định tới thị trường.
 

Tổng thống Venezuela Hugo Chavez qua đời hôm qua 5/3 sau 2 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư. Trong suốt 14 năm nắm quyền, ông Chavez đã tái cấu trúc ngành dầu khí quốc gia Nam Mỹ này và quốc hữu hóa những mỏ dầu khai thác bởi nước ngoài.

Venezuela là nước có trữ lượng dầu thô lớn nhất thế giới. Theo báo cáo Đánh giá Năng lượng Thế giới của BP Plc, trữ lượng dầu mỏ của Venezuela tính tới cuối năm 2011 là 296,5 tỷ thùng, trong khi đó Ảrập Xêút là 265,4 tỷ thùng - đứng vị trí số 2.

Theo số liệu khảo sát bởi Reuters, sản lượng dầu nước này giảm mạnh trong suốt thời gian ông Chavez lãnh đạo, xuống chỉ còn 2,34 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 2. Trước khi ông lên nắm quyền, Venezuela bơm ra thị trường khoảng 3,5 triệu thùng dầu/ngày.

Trong bối cảnh khủng hoảng ngành lọc dầu, Venezuela phải nhập khẩu các sản phẩm nhiên liệu từ Mỹ, trong khi Venezuela vẫn xuất khẩu lượng lớn dầu thô sang nước này.

Sau thông tin ông Chavez qua đời, giới chuyên gia đưa ra những nhận định khác nhau về triển vọng ngành dầu khí Venezuela.

Amy Myers Jaffe, chuyên gia năng lượng và địa chính trị tại đại học California nhận định: "Cái chết của ông Chavez có thể dẫn đến một giai đoạn bất ổn chính trị tại Venezuela và điều này không bao giờ giúp ích cho xuất khẩu dầu."

"Ngành dầu khí Venezuela ghi nhận một số thất bại lớn trong thời ông Chavez. Nền kinh tế Venezuela phụ thuộc quá lớn vào doanh thu dầu, vì thế nước này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc làm mọi cách để tăng cường xuất khẩu dầu." "Và dù bất kể điều gì sắp đến, Venezuela cũng cần tiền để tái xây dựng ngành dầu khí", ông Amy Myers Jaffe cho biết.

Daniel Yergin, phó chủ tịch IHS, INC., ENERGY AUTHOR thì cho rằng, quá sớm để nói lên tác động của việc ông Chavez qua đời đối với giá dầu.

"Ông ra đi để lại một nền kinh tế suy yếu do chi tiêu, can thiệp, lạm phát và thiếu thốn. Những nỗ lực của ông Chavez trong việc thiết lập một liên minh chống Mỹ cũng chỉ tranh thủ được sự ủng hộ của một vài quốc gia. Thiếu đi sự điều hành của ông Chavez, chưa có gì chắc chắn rằng người kế nhiệm sẽ tiếp tục theo đuổi những gì mà ông đã tạo dựng."

Tim Evans, chuyên gia giao dịch năng lượng tương lai tại New York thì nhận định: "Nếu quốc gia này mở cửa đầu tư hơn, đó có thể là một cơ hội để tăng lợi nhuận nhưng đồng thời cũng là một rủi ro".

"Ông Chavez không phải là người đầu tiên quốc hữu hóa hoạt động dầu khí Venezuela. Trong lịch sử, quốc gia này đã từng có thời kỳ khuyến khích đầu tư nước ngoài, nhưng cũng có thời kỳ muốn ngăn chặn đầu tư và quyết định quốc hữu hóa. Với rủi ro này, không chắc các công ty dầu khí nước ngoài sẵn sàng mang tiền đầu tư trở lại Venezuela."

Theo chuyên gia Andrew Lipow, chủ tịch Lipow Oil Associates tại Texas: "Nhập khẩu các sản phẩm nhiên liệu của Venezuela từ Mỹ ngày một tăng và trong tháng 12/2012, con số này đạt kỷ lục 197.000 thùng/ngày. Như vậy, Venzuela đang ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung dầu Mỹ, trong khi Mỹ giảm phụ thuộc vào nguồn cung dầu thô Venezuela. Trong thời gian tới, xu hướng này sẽ khó có thể thay đổi"

Nhận định về giá dầu, nhà kinh tế năng lượng James L. Williams tại London cho biết: "Những bất ổn tại Venezuela sẽ khiến giá dầu tăng trong ngắn hạn. Những ảnh hưởng của việc này lên giá dầu ít nhất kéo dài trong vòng 1 - 2 tháng nếu cuộc bầu cử diễn ra suôn sẻ. Mặt khác, những tín hiệu xấu từ châu Âu và bong bóng giá tài sản tại Trung Quốc là những yếu tố tạo áp lực giảm giá dầu".

Nguồn Reuters/Khampha


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới