Thép Trung Quốc "tránh bão" ở thị trường Việt Nam
Các công ty Trung Quốc đã trúng thầu nhiều công trình trọng điểm về nhà ở và hạ tầng giao thông thời gian qua. Ảnh: Thiên Ân
Lo sợ một cuộc chiến tranh thương mại trị giá hàng chục tỉ USD đang dần kích hoạt giữa Trung Quốc và Mỹ, các doanh nghiệp thép Trung Quốc đang muốn di dời phần nào năng lực sản xuất sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam để tránh bão.
Ví dụ như ở Đồng Nai, sau một năm bị từ chối cấp phép, mới đây công ty thép của Trung Quốc là Yongjin Metal lại tiếp tục nộp đơn lên các cơ quan chức năng xin phép triển khai một dự án thép không gỉ cán nguội có công suất 300.000 tấn. Bên cạnh Yongjin, nhiều doanh nghiêp thép của nước này cũng có kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam, thậm chí săn tìm các doanh nghiệp thép nội địa đang thua lỗ để sở hữu giấy phép sản xuất và kinh doanh.
Đi cùng với đó là lượng sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc tiếp tục tăng chóng mặt. Chỉ trong 2 tháng đầu năm, tổng sản lượng sắt thép nhập khẩu cả nước đạt gần 2,74 triệu tấn, trị giá hơn 1,49 tỉ USD, tăng gần 62% so với cùng kỳ năm trước. Riêng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm đến 1,53 triệu tấn, với giá trị 786 triệu USD.
Tuy phát triển liên tục với mức tăng 2 con số trong các năm qua nhưng theo các chuyên gia thị trường, tiêu thụ thép Việt tiếp tục hấp dẫn nhờ sản lượng tiêu thụ bình quân đầu người có thấp hơn mức trung bình của thế giới, dòng vốn FDI tiếp tục dịch chuyển ào ạt sang Việt Nam, bất động sản và hạ tầng trên đà tăng trưởng hay một loạt các tập đoàn ô tô như Toyota, Mitsubishi, Thaco, VinFast... mở rộng đầu tư cũng kéo theo nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thép hợp kim có chất lượng cao.
Trợ lực cho các doanh nghiệp thép Trung Quốc còn đến từ làn sóng thâm nhập vào thị trường Việt ngày càng mạnh mẽ của các tập đoàn xây dựng Trung Quốc như CSCEC, Tung Feng, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Đường cao tốc Trường Đại Quảng Đông, Công ty Hợp tác Kỹ thuật và Kinh tế quốc tế Quảng Châu... khi trúng thầu nhiều công trình trọng điểm về nhà ở và hạ tầng giao thông thời gian qua.
“Thực ra, các doanh nghiệp Trung Quốc đã có kế hoạch dịch chuyển sang thị trường Việt Nam trong nhiều năm, nhưng nguy cơ chiến tranh thương mại khiến họ quyết định hành động ngay trong năm nay”, ông Max Brown, Giám đốc hãng tư vấn Dezan Shira tại khu vực ASEAN, nhận định.
Nhưng xu thế dịch chuyển của dòng thép Trung Quốc có thể mang tới mối nguy mới cho các doanh nghiệp thép trong nước, mặc dù đang được che chở phần nào dưới chiếc ô “áp thuế tư vệ” áp đặt từ năm 2016. Phản ứng trước các động thái mới của nhà đầu tư Trung Quốc, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhanh chóng kiến nghị Chính phủ không nên cấp phép đầu tư thêm trong giai đoạn hiện nay đối với nhiều sản phẩm thép đã dư thừa công suất.
“Hiệp hội nhất trí với kiến nghị của các nhà sản xuất thép không gỉ trong nước về việc không cấp phép đầu tư cho dự án sản xuất thép không gỉ cán nguội của Công ty Yongjin Metal để tránh phát sinh thêm những bất ổn dư thừa nguồn cung trong nước”, VSA kiến nghị.
Việt Nam còn có thể bị vạ lây một khi các doanh nghiệp thép Trung Quốc xuất khẩu sang các quốc gia khác với vỏ bọc “Made in Vietnam”. Ngày 12.6 vừa qua, một số doanh nghiệp sản xuất thép tại Mỹ đã nộp yêu cầu điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tới Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đối với sản phẩm thép chống ăn mòn nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ lẩn tránh thuế từ Đài Loan và Hàn Quốc.
DOC tiếp nhận đơn kiện và sẽ đưa ra quyết định có tiến hành điều tra vụ việc hay không trong vòng 45 ngày. Nếu DOC quyết định áp thuế tự vệ, ngành thép trong nước sẽ đối mặt với nguy cơ sụt giảm doanh thu từ thị trường chiếm đến 11% tổng giá trị xuất khẩu năm 2017.
Hiện có một số thông tin cho biết các doanh nghiệp Việt đang cân nhắc tạm dừng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc để tránh nguy cơ bị DOC “để ý”.
Nhưng về lâu dài, để gia tăng năng lực cạnh tranh với thép Trung Quốc, các doanh nghiệp trong nước cần gia tăng quy mô đầu tư ở các phân khúc mà sức cầu còn lớn, cải thiện hiệu quả sản xuất, hệ thống phân phối để giữ được biên lợi nhuận và thị phần.
Điển hình như Hòa Phát dự kiến sẽ hoàn thành khu liên hợp Dung Quất vào năm 2019, giúp tổng công suất của Tập đoàn tăng gấp 3,5 lần lên 7 triệu tấn. Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, nhà máy mới sẽ giúp Hòa Phát có thể giành được thị phần đáng kể tại thị trường miền Nam từ tay Pomina, thép Việt Nhật nhờ tiết giảm chi phí vận chuyển. Dung Quất cũng giúp Hòa Phát hoàn thiện chuỗi giá trị khi lần đầu tiên tự sản xuất được thép cuộn cán nóng HRC. Điều này rất có ý nghĩa trong bài toán cạnh tranh với đối thủ lớn Formosa và các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Một thương hiệu đang phất lên trong ngành tôn là Thép Nam Kim đang hoàn thành dây chuyền còn lại của nhà máy Nam Kim 3. Khi đi vào hoạt động, dây chuyền mới sẽ giúp Nam Kim gia tăng công suất 40% lên 1,2 triệu tấn. Công ty cũng lên kế hoạch đầu tư thêm một nhà máy mới tại Phú Mỹ (Vũng Tàu) với tổng mức đầu tư 6.900 tỉ đồng (được chia làm 2 giai đoạn) và công suất 1,7 triệu tấn/năm.
Theo dự báo của VSA, trong năm 2018, toàn ngành thép có thể tăng trưởng lên đến 20-22% so với năm 2017. Trong đó, thép xây dựng tăng 10%, thép cuộn cán nóng 154%, thép lá cuộn cán nguội 5%, thép ống hàn 15%, tôn mạ vàng và sơn phủ màu 12%.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Trực Thanh
-
Nguyễn Mai
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Hằng Nguyễn