Hủy

Từ 2015, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản

Thứ Tư | 06/08/2014 07:38

Từ 2015, nếu để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản bộ ngành và địa phương sẽ bị xử lý vi phạm theo các quy định của Luật Đầu tư công.
 

Ngày 5/8/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020.

Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tổ chức lập kế hoạch đầu tư giai đoạn 2016-2020 theo từng nguồn vốn cụ thể, bao gồm nguồn vốn ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Báo cáo căn cứ vào một số nội dung như Tình hình và kết quả thực hiện đầu tư công giai đoạn 2011-2015, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 của cả nước, ngành, lĩnh vực và địa phương; Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2013-2020; các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã được phê duyệt; các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và quy hoạch ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt; dự kiến nhu cầu vốn đầu tư công.

Việc xác định tổng mức vốn đầu tư công theo từng nguồn vốn căn cứ vào dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước giai đoạn 2016 - 2020 là 6,5 - 7%/năm, lạm phát khoảng 7%/năm.

Trong lập kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm 2016 - 2020 dự kiến vốn đầu tư từ Ngân sách Nhà nước của các bộ, ngành ở trung ương và vốn bổ sung có mục tiêu tăng bình quân 10%/năm so với kế hoạch năm trước do Thủ tướng giao. Vốn đầu tư trong cân đối ngân sách của các địa phương trong năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước phấn đấu tăng khoảng 10%, những năm sau giao UBND tỉnh, thành phố xác định theo hướng ưu tiên cho đầu tư phát triển, tăng bình quân hàng năm khoảng 7 - 10% so với kế hoạch được giao trước đó.

Đối với vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách địa phương phấn đấu tốc độ tăng đạt 12 - 15%/năm so với kế hoạch năm trước.

Vốn trái phiếu Chính phủ cân đối trên cơ sở nguồn vốn trái phiếu Chính phủ Thủ tướng đã giao bổ sung cho giai đoạn 2014 - 2016. Vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước dự kiến tốc độ tăng trưởng khoảng 8%/năm so với kế hoạch năm trước.

Vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài căn cứ vào các hiệp định, các cam kết và dự kiến khả năng giải ngân các nguồn vốn của các nhà tài trợ trong giai đoạn 2016 - 2020 lập kế hoạch đầu tư từ nguồn vốn này.

Các khoản vay vốn khác của ngân sách địa phương thì không vượt quá tổng mức huy động theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

Nguyên tắc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 phải nhằm thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển tại các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công; tập trung bố trí vốn đầu tư công để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, dự án quan trọng quốc gia, có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội.

Không bố trí vốn cho chương trình, dự án không thuộc lĩnh vực đầu tư công. Phấn đấu thanh toán cơ bản các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản đến hết ngày 31/12/2014. Từ năm 2015 trở đi, nếu để phát sinh các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản từ 1/1/2015, bộ ngành và địa phương sẽ bị xử lý vi phạm theo các quy định của Luật Đầu tư công.

Bên cạnh đó, do khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công, để đảm bảo nguồn vốn cho các công trình thực sự cần thiết, không xé lẻ vốn cho nhiều chương trình và tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương có quyền chủ động trong việc bố trí vốn tập trung, có hiệu quả. Giai đoạn 2016 - 2020 chỉ thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia là Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới. Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu giai đoạn 2011 - 2015 không tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020, các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo để hoàn thành dứt điểm, đưa vào sử dụng các dự án đầu tư dở dang, không mở thêm các dự án đầu tư mới.

Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tổ chức lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 trong phạm vi nhiệm vụ được giao và nguồn vốn thuộc cấp mình quản lý báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét và hoàn chỉnh kế hoạch gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước 31/12/2014.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính ra soát và tổng hợp kế hoạch báo cáo Thủ tướng trước ngày 31/7/2015.

Nguồn Theo DVO


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới