Hủy

Vì sao ngân hàng vẫn khó thanh lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu

Quỳnh Anh Chủ Nhật | 28/07/2019 08:05

Ảnh: nhadautu.vn

 
 
Hàng loạt tài sản trị giá hàng nghìn tỷ đồng tiếp tục được ngân hàng, công ty mua quản lý tài sản (VAMC) tích cực rao bán để thu hồi nợ.

Đây là kỳ vọng để giải quyết hàng tồn kho "nợ xấu" trong nhiều năm nay.

Tích cực rao bán

Gần đây nhất, Sacombank chào bán bất động sản gồm 3 khu đất và công trình xây dựng trên đất ở xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM với tổng diện tích 76.246 m2. Vị trí khu đất nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 7km, thuộc trung tâm thể dục thể thao Thành Long. Giá khởi điểm là 1.330 tỷ đồng.

1 tài sản khác phát sinh từ 27 hồ sơ đền bù, diện tích lên đến 20.803 m2 tại quận 8, TP HCM. Các hồ sơ đất này thuộc dự án khu dân cư Bảo Hưng và 2 quyền sử dụng đất cũng tại quận 8 diện tích 12.669 m2. Giá khởi điểm 928 tỉ đồng.

Agribank hiện cũng đang rao bán tài sản bảo đảm của Dự án nhà máy sản xuất cồn ở Lâm Đồng với giá khởi điểm là 319,2 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm cho khoản vay của Tập đoàn Thiên Thanh, gồm quyền sử dụng 29.755,1 m2 đất tại tỉnh Bình Dương hiện cũng đang được ngân hàng này mang ra đấu giá.

Vi sao ngan hang van kho thanh ly tai san dam bao de thu hoi no xau
Ngân hàng Sacombank rao bán lô đất 60 ha tại Cần Thơ. Ảnh: Zing.vn

Nghị quyết 42 cho phép các ngân hàng thương mại chủ động mua bán, thanh lý các tài sản nợ xấu mở đường cho việc chủ động thanh lý các bất động sản nhằm thu hồi các khoản nợ.

Ông Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch công ty luật SB LAW, cho biết rằng với hàng loạt tài sản đảm bảo được các ngân hàng rao bán rộng rãi, tích cực trên cả Website cho thấy các ngân hàng đang chủ động tìm mọi cách thu hồi các khoản nợ, giảm nợ xấu đang nắm giữ. Bởi so với trước đây, nếu các ngân hàng càng giữ thì càng khó khăn cho mình, còn bán cho VAMC như trước đây thì cũng chỉ mang tính tạm thời, trong khi dòng tiền thực của các khoản nợ vẫn không thể thu hồi.

►Nợ xấu đã bớt xấu hơn?

►Nợ xấu các ngân hàng niêm yết tăng gần 6% liệu có đáng báo động?

►Sacombank: Triển vọng lạc quan từ thu hồi nợ xấu

Hạ giá nhưng vẫn khó thu hồi

Mặc dù các ngân hàng rất tích cực trong việc rao bán các tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, tính hiệu quả cho đến nay vẫn là chưa cao. Nhiều trường hợp tài sản đảm bảo được các ngân hàng giảm giá liên tục, thậm chí giảm đến lần 3, lần 4 nhưng vẫn chưa thu hồi được. Đơn cử, như khối bất động sản gồm toàn bộ dự án khu nhà ở cao tầng và khu vui chơi thể dục thể thao tiểu khu 3 - khu dân cư Bình Trị Đông và một phần thửa đất số 122 cũng tại phường Bình Trị Đông B, quận Tân Bình, TP.HCM được ngân hàng Sacombank tiếp tục rao bán với giá khởi điểm 6.029 tỷ đồng, giảm hơn 600 tỷ đồng so với cách đây nửa năm.

Tiếp đến là dự án Khu dân cư phường Bình Thủy, Bình Thủy, TP. Cần Thơ có giá khởi điểm 3.424 tỷ đồng, giảm hơn 1.100 tỷ đồng so với nửa năm trước.

VAMC cũng giảm tiếp 7 tỷ đồng khoản nợ của Đông Thiên Phú vào cuối năm qua, chỉ còn ở mức 137 tỷ đồng.

Chuyên gia kinh tế tài chính Cấn Văn Lực cho biết: “Các ngân hàng được phép rao bán và đấu giá tài sản theo giá thị trường. Chính vì thế khi giá chưa hoàn toàn sát với giá thực tế trên thị trường, việc hạ giá là điều bắt buộc để tìm được người mua phù hợp”.

Những tài sản đảm bảo hiện nay vẫn chủ yếu là các bất động sản như nhà ở, đất đai, nhà xưởng trị giá đến nghìn tỷ, thậm chí vài chục nghìn tỷ. Đây được xem là những món hàng hóa “đặc biệt” với giá trị rất lớn trên thị trường trong khi khả năng mua không phải nhà đầu tư nào cũng có.

Ngoài ra, ngân hàng nhà nước cũng siết chặt vốn vay đổ vào lĩnh vực bất động sản thông qua việc giảm tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tại các ngân hàng thương mại. Điều này cũng hạn chế tiềm lực của những nhà đầu tư bất động sản. Vì vậy, dù ngân hàng rất tích cực rao bán, thậm chí hạ giá khởi điểm nhiều lần nhưng vẫn khó thu hồi.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới