Hủy

Vietinbank từ chối trả 1.000 tỷ đồng Huyền Như chiếm đoạt

Thứ Năm | 25/12/2014 20:22

Các luật sư của ngân hàng này bác bỏ trách nhiệm phải trả hơn 1.000 tỷ đồng cho nhóm công ty được VKS cho là mở tài khoản hợp pháp tại Vietinbank.
 

Chiều 25/12, các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho các bên liên quan tiếp tục phát biểu quan điểm trong phiên xử Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm.

Hai luật sư của Vietinbank đồng loạt bác bỏ quan điểm bảo vệ của luật sư các bị hại cũng như đề nghị của Viện công tố tối cao về việc buộc VietinBank phải có trách nhiệm bồi thường hơn 1.000 tỷ đồng cho 5 công ty bị Huyền Như chiếm đoạt từ tiền trong tài khoản được mở hợp pháp tại ngân hàng này.

Luật sư Nguyễn Thị Bắc cho rằng, theo quy định của Ngân hàng Vietinbank thì Như không được xem là người có chức vụ quyền hạn mà chỉ là nhân viên làm việc theo hợp đồng lao động. Các công ty đã không "ngay tình" khi gửi tiền vào Vietinbank cũng giống như trường hợp Ngân hàng ACB, Navibank.

Theo vị luật sư, căn cứ vào các tài liệu với toàn bộ nội dung vụ án cho thấy Như có ý định chiếm đoạt tiền của các công ty, ngân hàng cũng như cá nhân ngay từ đầu. Như đã giả danh Vietinbank, sử dụng thủ đoạn gian dối dụ dỗ các khách hàng gửi tiền với mức lãi suất cao. Hồ sơ vụ án cũng thể hiện quan hệ giao dịch giữa các cá nhân và Như có dấu hiệu gian dối mà Vietinbank không biết.

“Chỉ vì xuất phát từ lòng tham lãi suất cao mà các công ty, ngân hàng đã bị Như dẫn dụ và sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt. Người bị lừa đảo có quyền đòi kẻ lừa đảo trả tiền, bản án sơ thẩm tuyên buộc Như trả tiền cho các bị hại là có căn cứ. Ngân hàng không có trách nhiệm bồi thường”, luật sư Bắc nêu quan điểm.

Bà Bắc cho rằng, việc các ngân hàng và công ty mang tiền vào gửi tại Vietinbank là thông qua “thỏa thuận ngầm” với Huyền Như và xuất phát từ chủ trương trái pháp luật. Ngân hàng ACB đã đưa ra mức lãi suất gửi tiền cho Như là 17% và ủy quyền cho Huỳnh Bảo Ngọc (nguyên trưởng phòng quản lý rủi ro) ký kết hợp đồng, còn nếu thỏa thuận được mức lãi suất cao hơn thì cho Ngọc được hưởng.

Chính Như đã bỏ tiền túi để chi cho Ngọc một khoản tiền lót tay lớn nhằm dẫn dụ Ngọc và các nhân viên của ACB gửi tiền vào Vietinbank. Do được hưởng mức chênh lệch ngoài hợp đồng lớn nên Ngọc phó mặc cho Như dẫn dụ tiếp để ký khống lệnh chi và chiếm đoạt tiền. Ngọc và các nhân viên ACB vô trách nhiệm trong việc quản lý tiền và tài khoản để Như chiếm đoạt.

“Các nhân viên ACB đều làm trong ngân hàng nên hiểu rõ việc nhận tiền chênh lệch là trái pháp luật nhưng vẫn nhận. Ngân hàng Vietinbank không có lỗi với thỏa thuận ngầm của ACB với Như, không có lỗi với những sai phạm của ACB cũng như lòng tham lãi suất chênh lệch của nhân viên ngân hàng này”, luật sư của Vietinbank nhận định và cho biết, đối với trường hợp của các công ty khác cũng tự.

Luật sư bảo vệ cho Vietinbank cũng cho rằng, quan điểm của VKS trong việc đề nghị hủy án điều tra Như về tội Tham ô tài sản và buộc Vietinbank phải trả tiền cho các công ty là vi phạm tố tụng. Bởi, Như không kháng cáo, VKS không kháng nghị, nên bản án liên quan đến Như đã có hiệu lực pháp luật.

Từ đó, luật sư đề nghị bác kháng cáo của 5 công ty gồm : Công ty cổ phần chứng khoán SaigonBank Berjaya (SBBS), Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty Phương Đông, Công ty An Lộc, Công ty Hưng Yên và các ngân hàng ACB, Navibank, không chấp nhận  đề nghị của VKS về việc hủy một phần bản án như  đã nói ở trên.

Bảo vệ cho Vietinbank, luật sư Nguyễn Văn Chung cho biết, bản bảo vệ của ông dài 18 trang và phải mất ít nhất một giờ để trình bày. Tuy nhiên, do thời gian làm việc buổi chiều không còn nên HĐXX yêu cầu luật sư ngày mai sẽ trình bày tiếp.

Trước đó, mở đầu buổi làm việc chiều 25/12, luật sư bảo vệ cho Công ty An Lộc, Công ty cổ phần chứng khoán Phương Đông nêu ra nhiều sai phạm của bản án cấp sơ thẩm, đồng tình với quan điểm của vị đại diện VKS về việc tuyên hủy phần trách nhiệm dân sự liên quan đến đơn vị này, điều tra xét xử lại buộc Vietinbank phải chịu trách nhiệm trả số tiền mà Huyền Như đã chiếm đoạt.

Luật sư bảo vệ cho Công ty cổ phần chứng khoán SaigonBank Berjara (SBBS) cũng đồng tình với quan điểm của VKS buộc Vietinbank phải chịu trách nhiệm với số tiền 225 tỷ đồng mà Như đã chiếm đoạt của công ty này. Tuy nhiên, người đại đại diện Công ty SBBS đề nghị HĐXX sửa bản án sơ thẩm tuyên buộc VietinBank phải tra ngay cả gốc và lãi cho mình chứ không phải huỷ án.

Ngày mai, phiên tòa vẫn tiếp tục làm việc.

Nguồn Vnexpress


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới