© Copyright 2009-2016 Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư
All rights reserved
T rong khi nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU đều có dấu hiệu chậm lại khá rõ vào năm 2019 thì tăng trưởng GDP của Việt Nam tiếp tục tích cực với 7,02%, vượt mức chỉ tiêu đề ra, nhờ động lực từ khu vực tư nhân và FDI. Căng thẳng Mỹ - Trung cùng việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do tiếp tục là động lực cho dòng vốn FDI vào Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước đã điều hành khá thành công môi trường vĩ mô, lạm phát duy trì trong mục tiêu và tiền đồng Việt Nam là một trong số ít đồng tiền ổn định nhất thế giới.
Trong Top 10 công ty hàng đầu, ngành bán lẻ tiếp tục dẫn đầu với Thế Giới Di Động (MWG), Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ). Thế Giới Di Động tiếp tục giữ vị trí đầu bảng khi duy trì ROE (tỉ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) trung bình hơn 40%. Nhóm ngành bán lẻ tiếp tục được hưởng lợi từ nền kinh tế tiêu dùng của Việt Nam (cơ cấu dân số trẻ, thu nhập bình quân đầu người tăng cũng như gia tăng mua sắm trực tuyến). Ngoài ra, nhóm thực phẩm - hàng tiêu dùng còn có Nam Việt (ANV), Vinamilk (VNM), Vĩnh Hoàn (VHC), Thiên Long (TLG), Sabeco (SAB). Các doanh nghiệp này cho thấy sự thiết yếu của mình khi hầu như duy trì ROE trung bình khá ổn định trên 30%.
Nhóm ngân hàng - sau hơn 5 năm tái cấu trúc đặc biệt là xử lý nợ xấu, tăng vốn khả dụng để nâng CAR phù hợp với chuẩn mực quốc tế cũng như đẩy mạnh hoạt động bancassurance với các công ty bảo hiểm - đã đạt thành quả nhất định và tiếp tục duy trì 7 đại diện trong bảng xếp hạng năm 2018 và 2019. Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS) đánh giá nhóm ngân hàng có yếu tố Nhà nước đang vươn lên. Nổi bật là Vietcombank (VCB) đã tăng tới 30 bậc và đi thẳng vào Top 10 sau khi kết thúc năm 2019, các chỉ số trung bình 3 năm của Vietcombank như tăng trưởng doanh thu tăng lên 23,2%, ROE 20%, tỉ suất sinh lời cổ phiếu còn ấn tượng hơn với 165,6%. VCB của Vietcombank được ví như cổ phiếu “hoa hậu” khi tiếp tục duy trì các mảng doanh thu, trong khi nợ xấu đến cuối quý I/2020 vẫn duy trì dưới 1%. “Trọng tâm của Vietcombank năm 2020 là đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, chuyển dịch cơ cấu hoạt động, đảm bảo tăng trưởng an toàn, bền vững và hiệu quả”, ông Phạm Quang Dũng, Tổng Giám đốc Vietcombank, cho biết.
Đặc biệt, một ngân hàng mới góp mặt trong Top 50 năm nay là BIDV (BID) với hiệu suất sinh lời cổ phiếu cho cổ đông đứng đầu nhóm này, gần 250% trong 3 năm. BIDV duy trì tốc độ tăng trưởng cho vay trên 10% trong 3 năm qua. Sau thương vụ bán 603 triệu cổ phiếu cho KEB Hana Bank, BIDV đã trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống.
Các ngân hàng tăng trưởng doanh thu trung bình cao năm nay đều đang tận dụng khai thác tốt mảng tài chính tiêu dùng, dẫn đầu là TPBank (39%) và các ngân hàng sở hữu các công ty tài chính tiêu dùng như MBB với Mcredit, HDBank với HD Saison, VPBank với FE Credit. Tuy nền kinh tế chịu tác động sau dịch bệnh và các chính sách mới quản lý chặt chẽ hơn nhưng tiềm năng mảng cho vay tiêu dùng ở Việt Nam được đánh giá khá cao.
Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), cho biết dư nợ cho vay tiêu dùng chính thức ở các nước chiếm khoảng 40% tổng dư nợ trong khi ở Việt Nam chỉ mới 25-30%. Do đó, sẽ còn khoảng 1,5-2 triệu tỉ đồng dư địa cho vay nữa, chưa kể hằng năm tổng dư nợ lại tăng thêm khoảng 14%. Các ngân hàng trong Top 50 năm nay đều đã hoàn tất áp dụng tiêu chuẩn Basel II từ cuối năm 2019. Đây là một nền tảng rất tốt để các ngân hàng tiếp tục triển khai chiến lược mới.
Đối với ngành bất động sản, 2019 được xem là một năm khá thách thức nhưng các doanh nghiệp trong ngành vẫn giữ vững được vị thế với 9 gương mặt bất động sản xuất hiện trong Top 50. “Sau khi Thông tư 22 được ban hành siết chặt hơn dòng tín dụng vào bất động sản, trước mắt sẽ khó khăn cho thị trường trong ngắn hạn, nhưng nhìn chung là tích cực hơn trong dài hạn”, bà Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc thị trường Hà Nội, Công ty JLL Việt Nam, cho biết. Hơn nữa, tín dụng vào bất động sản đã được kiểm soát từ trước COVID-19 nên vô tình đang tạo “dư địa” để tăng trưởng sau dịch.
Nhìn chung, các doanh nghiệp bất động sản trong danh sách Top 50 năm nay có tăng trưởng doanh thu trung bình 3 năm, tuy giảm nhẹ xuống 30% nhưng tỉ suất sinh lời ROE lại cao hơn với 24%. Rõ ràng, tuy điều kiện khá thách thức nhưng các doanh nghiệp vẫn cho thấy sức mạnh hiệu quả kinh doanh. Một gương mặt mới gia nhập Top 50 năm nay là Vinhomes (VHM) và một gương mặt cũ quay lại danh sách là Tập đoàn C.E.O. Vinhomes đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình 3 năm lên tới 66,3%, ROE trung bình đạt 43,9%. Năm 2020, Vinhomes được đánh giá sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ động lực từ 3 đại dự án Ocean Park, Smart City và Grand Park.
Xét về tỉ suất sinh lời cổ phiếu, đứng đầu là Phát Đạt (PDR) với 239,5%, tiếp theo là Vingroup (VIC) với 231,3%. Phát Đạt có một năm 2019 thành công với việc bàn giao nhà ở và chuyển nhượng tại 2 dự án The EverRich 2 và The EverRich 3. Hiện công ty này đang chuyển đầu tư về các dự án dân cư ở tỉnh như Phú Quốc, Bình Định, Quảng Ngãi và tập trung vào các dự án BT để mở rộng quỹ đất TP.HCM.
Các doanh nghiệp bất động sản được vinh danh lần này là Tập đoàn Hà Đô (HDG), Đất Xanh (DXG), Phát Đạt, Vinhomes, Vingroup, Nam Long (NLG), Novaland (NVL), Khang Điền (KDH). Hà Đô và Đất Xanh đứng thứ hạng khá cao trong danh sách năm nay, lần lượt thứ 2 và thứ 5. Trong đó, năm 2019 Hà Đô tăng tới 35% doanh thu và 47% lợi nhuận nhờ thành công với dự án Hado Centrosa Garden, vốn được giới đầu tư đánh giá khá cao về vị trí, hình ảnh cũng như xây dựng. Đất Xanh tăng trưởng 25% doanh thu năm vừa qua nhờ vị trí dẫn đầu mảng môi giới bất động sản với hơn 30% thị phần, thành công với thương hiệu căn hộ Opal. Năm 2020, với việc triển khai mạnh sân bay Long Thành, Đất Xanh đang được đánh giá cao với dự án 92 ha ở Long Thành cùng những bước triển khai ở dự án Gem Riverside. Cả Hà Đô và Đất Xanh đều mang lại tỉ suất lợi nhuận ấn tượng, hơn 100% cho nhà đầu tư trong 3 năm qua.
Tiếp ứng ngành bất động sản là xây dựng và vật liệu xây dựng với các doanh nghiệp Vicostone (VCS), Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC), Nhựa Bình Minh (BMP). Trong đó, Vicostone lọt Top 10 khi có ROE trung bình 3 năm đạt tới 46,3%. Vicostone là một trong những nhà sản xuất đá nhân tạo gốc thạch anh, gạch ốp lát hàng đầu thế giới. Hệ thống đại lý phân phối sản phẩm của Vicostone không chỉ mạnh ở trong nước mà đã hiện diện trên khắp các châu lục.
So với năm 2018, vốn hóa của Top 50 công ty năm nay đạt khoảng 77,3 tỉ USD, giảm tới 17%. Đại diện TVS đánh giá, sự giảm mạnh về mặt vốn hóa chủ yếu là do cú lao dốc khoảng 30% của thị trường chứng khoán vừa qua do lo ngại dịch bệnh và trong năm 2019, các đợt bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và niêm yết mới không nhiều. Năm qua chỉ có 1 thương vụ nổi bật là Tập đoàn SK (Hàn Quốc) mua lại cổ phần của nhóm Vingroup với giá trị khoảng 1 tỉ USD. Ngoài ra, lượng mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường cũng thấp (khoảng 203 triệu USD so với 1,8 tỉ USD năm 2018) cho thấy khối ngoại dần rút bớt tiền ra khỏi thị trường mới nổi do lo ngại về rủi ro thương chiến Mỹ - Trung. Tuy nhiên, những khi thị trường giảm mạnh, nhiều công ty dư thừa tiền mặt như Vinhomes, HDBank... mua lại cổ phiếu trên sàn để làm cổ phiếu quỹ.
Trên thị trường chứng khoán là vậy nhưng xét về hoạt động kinh doanh, Top 50 năm nay lại thể hiện sự vượt trội cả về doanh thu lẫn lợi nhuận ròng. 50 doanh nghiệp này tạo ra hơn 60,5 tỉ USD doanh thu (tăng 17%) và 7,1 tỉ USD lợi nhuận ròng (tăng 30%). TVS nhận thấy, mức tăng tốt nghiêng về nhóm ngân hàng (Vietcombank, BIDV, ACB, TPBank), tiêu dùng (Thế Giới Di Động, PNJ) và công nghệ (FPT). Chính sự năng động của nền kinh tế trẻ Việt Nam là động lực cho sự tăng trưởng của các doanh nghiệp hàng đầu. Theo ước tính của TVS, các công ty ty Top 50 chiếm đến 76% vốn hóa thị trường sàn HOSE, ROE chung của 50 doanh nghiệp này đạt tới 21,4% trong khi mức bình quân của các công ty niêm yết khoảng 14,9%. Điều này đã tạo nên mức định giá hấp dẫn hơn trên thị trường chứng khoán của các doanh nghiệp.
Nhóm ngành hàng không ngoài gương mặt thân quen Vietjet Air (VJC), năm nay có thêm Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) nhờ vào việc tối ưu hóa hoạt động kho bãi cũng như nâng cao giá dịch vụ trong khi chi phí được kiểm soát tốt. Năm nay, ngành hàng không bị ảnh hưởng khá lớn từ dịch bệnh nhưng cũng đang nhận được nhiều chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, nên được kỳ vọng hồi phục trong bối cảnh Việt Nam đã kiểm soát dịch bệnh rất tốt. “Năm 2020, Vietjet dự kiến nâng tỉ lệ doanh thu phụ trợ lên trên 30% tổng doanh thu và có thể triển khai thêm các mảng kinh doanh phụ trợ khác. Công ty cũng tự triển khai dịch vụ mặt đất tại sân bay Nội Bài và có kế hoạch triển khai tại một số sân bay khác”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air, cho biết.
Bên cạnh đó, ngành hóa chất và dược phẩm ngoài những cái tên quen thuộc là Cao su Phước Hòa (PHR), Dược Hậu Giang (DHG), Domesco (DMC) thì có thêm Dược phẩm Imexpharm (IMP). Ngoài ra, còn có những doanh nghiệp ở các lĩnh vực công nghiệp - cơ khí - điện tử như Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Công ty Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SGN), Dây cáp điện Việt Nam (CAV), Phú Tài (PTB), Thiết bị điện Việt Nam (GEX), Nhựa An Phát Xanh (AAA), Cơ Điện Lạnh (REE). Trong đó, AAA lần đầu góp mặt trong danh sách Top 50 với doanh thu và lợi nhuận năm 2019 tăng ấn tượng, còn Phú Tài đã quay trở lại bảng xếp hạng với việc giữ vững đà tăng doanh thu lẫn ROE.
Lĩnh vực năng lượng được đánh giá khá cao trong vài năm nay. World Bank nhận xét năng lượng là 1 trong 10 nhóm ngành còn dư địa lớn ở Việt Nam. Với doanh thu và lợi nhuận năm 2019 lần lượt tăng 15% và 12%, Nhiệt điện Phả Lại (PPC) lọt vào Top 20 năm nay và đem lại hiệu suất lợi nhuận cổ phiếu lên tới 132% trong 3 năm qua. Những doanh nghiệp dầu khí còn lại là các gương mặt thân quen: Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS), Petrolimex (PLX). Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVT) cũng là một ngôi sao mới trong nhóm dầu khí. Bên cạnh đó, có doanh nghiệp và cũng là ngành mới tham gia Top 50 là Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (BWE). Danh sách cũng bao gồm những gương mặt quen thuộc khác như đại diện công nghệ là FPT, nông nghiệp và thực phẩm là Tập đoàn PAN và ngành bảo hiểm là Tập đoàn Bảo Việt (BVH).
Năm nay, danh sách Top 50 có 18 doanh nghiệp tỉ USD như năm trước. Ngân hàng vẫn dẫn đầu với 7 thành viên, còn lại dàn trải khá đều ở các nhóm ngành từ tài chính, bán lẻ cho đến công nghiệp, hàng không.
Năm 2020 sẽ là một năm đầy thách thức với cộng đồng doanh nghiệp cả Việt Nam lẫn thế giới. Tuy nhiên, vẫn có một số điểm sáng mà TVS nhận định: “Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2020 vẫn tăng trưởng dương 1,81% - mức tăng khá tốt so với phần còn lại của nền kinh tế. Sự tích cực của nền kinh tế được kỳ vọng sẽ giảm bớt tác động của dịch bệnh đến hiệu quả của các doanh nghiệp”. TVS cũng đưa ra 3 yếu tố tích cực trong 6 tháng cuối năm và kỳ vọng có những ngôi sao trong Top 50 năm kế tiếp.
Thứ nhất, Chính phủ tăng cường đầu tư công, đặc biệt là chuyển một số dự án hợp tác PPP sang đầu tư công. Tổng đầu tư công trong các năm tới ước tính lên đến 30 tỉ USD. Điều này tác động khá tích cực đến nhóm ngành xây dựng và vật liệu xây dựng. Ngoài ra, Việt Nam đã được hưởng lợi từ thương chiến Mỹ - Trung. Một số các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Trung Quốc cân nhắc chuyển một phần sản xuất sang Việt Nam. Điều này tác động tích cực đến ngành khu công nghiệp ở Việt Nam. Sự dịch chuyển này đang được nhiều chuyên gia khác đánh giá sẽ mạnh hơn thời hậu COVID-19.
Và cuối cùng, không thể không nhắc đến Hiệp định EVFTA vừa được ký kết kỳ vọng thúc đẩy xuất khẩu dệt may, thủy sản, khu công nghiệp và logistics. Ngoài ra, còn có một yếu tố khác, với một thế giới lãi suất thấp như hiện tại, dòng tiền đầu tư lại có thể một lần nữa tìm đến các kênh đầu tư tài sản và sẽ xuất hiện nhiều hơn các doanh nghiệp vượt bậc từ chứng khoán, bất động sản như những gì đã xảy ra với thị trường chứng khoán 4 tháng vừa qua. Hiện tại, P/E của thị trường Việt Nam vẫn ở mức thấp hơn các nước trong khu vực trong khi tỉ suất sinh lời ROE lại khá cao.
Top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam dựa trên các tiêu chí định lượng Hội đồng tư vấn đề ra mà chưa xét đến yếu tố định tính như quản trị doanh nghiệp, minh bạch thông tin... Các tiêu chí này mới chỉ phản ánh kết quả quá khứ và thực tại của doanh nghiệp và chưa phản ánh hết tiềm năng dài hạn. Các công ty trong giai đoạn tăng vốn và mở rộng đầu tư sẽ tạm thời chịu mức ROE thấp hơn và có thể bị xếp hạng thấp hơn hoặc không vào Top 50. Tuy nhiên, rất có thể 3-5 năm sau, khi các khoản đầu tư này bắt đầu thu lợi nhuận, các công ty này sẽ vào Top 50 và được xếp hạng cao.