© Copyright 2009-2016 Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư
All rights reserved
V ào tháng 7.2020, Việt Nam đã lần đầu tiên có một công ty nằm trong top 30 doanh nghiệp có nhiều công trình được công bố tại Hội nghị Quốc tế về máy học (ICML). Đó chính là VinAI Research với 3 công trình liên quan tới tối ưu dữ liệu lớn, học sâu dữ liệu ảnh, điều khiển tối ưu. Số lượng này ngang với các trung tâm nghiên cứu hàng đầu là Apple, NEC, NTT. Sự kiện đã khẳng định vị thế của một công ty về trí tuệ nhân tạo (A.I) của Việt Nam trong cộng đồng công nghệ thế giới. Ở góc độ thương mại, mới đây, Tập đoàn công nghệ Bkav đã xuất khẩu lô hàng camera an ninh ứng dụng trí tuệ nhân tạo A.I View đầu tiên sang Mỹ. Cùng với Mỹ, Bkav đang xúc tiến hàng loạt dự án camera A.I tại Ấn Độ, Mexico và Malaysia.
Những dấu ấn của A.I Việt Nam ngày càng rõ nét. Thực chất, việc nghiên cứu và ứng dụng A.I tại Việt Nam đã bắt đầu từ những năm 2014. Trong Chiến lược quốc gia về Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, A.I được xác định là một trong những công nghệ đột phá, mũi nhọn, cần được ưu tiên tập trung các nhóm chính sách để thúc đẩy phát triển.
Các tập đoàn công nghệ lớn tại Việt Nam cũng đã từng bước xây dựng kế hoạch nghiên cứu và triển khai một cách bài bản thông qua chiến lược thu hút nhân lực chất lượng cao tại các trung tâm A.I lớn của thế giới như Mỹ, Anh, Đức... và kết hợp đào tạo thế hệ lập trình viên kế cận trình độ cao, cho đến việc hợp tác với các trung tâm A.I hàng đầu thế giới với mục tiêu giải quyết nhiều bài toán về A.I ứng dụng trong các lĩnh vực đời sống xã hội, sản xuất, giao thông, y tế. Theo dự báo của Cục Tin học hóa, A.I có thể đóng góp 12% cho GDP của Việt Nam vào năm 2030. Tuy nhiên, việc đầu tư và nghiên cứu A.I tại Việt Nam vẫn còn khá thấp so với các nước trong khu vực. Cục Tin học hóa cho biết, khi so sánh mức độ đầu tư cho A.I trên tổng số dân, chỉ số này tại Mỹ là 155 USD/người, tại Singapore là 68 USD/người, trong khi chỉ dưới 1 USD ở các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Việt Nam.
Lý giải cho việc này, ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty FPT Smart Cloud, nhận định: “A.I tại Việt Nam mới chỉ tập trung phát triển ứng dụng ở lĩnh vực công nghệ cao và công nghệ truyền thông, dịch vụ tài chính, chăm sóc sức khỏe, bán lẻ. Chúng ta vẫn còn rất nhiều lĩnh vực tiềm năng chờ được khai phá như vận tải và logistics, sản xuất công nghiệp, du lịch, giáo dục”.
Dù mức độ đầu tư không lớn nhưng vị thế của Việt Nam về A.I đã tăng lên rất nhanh và bắt đầu chuyên nghiệp hóa vào từng ngành nghề. Cùng với việc đầu tư phát triển công nghệ A.I của các tập đoàn như FPT, Viettel, VNPT, Vingroup, nhiều chuyên gia A.I giỏi của Việt Nam tại nước ngoài đã quay về nước.
Tiến sĩ Ma Nam, Giám đốc Sản phẩm trueID của VNG, từng học Tiến sĩ ngành Khoa học máy tính tại Đại học Nam California và công tác tại 2 công ty ở Thung lũng Silicon liên quan tới khoa học dữ liệu, A.I, có góc nhìn tích cực về vấn đề này tại Việt Nam. Ông nói: “Tôi nhận thấy tại Việt Nam phong trào làm A.I đã diễn ra từ nhiều năm trước và hiện giờ tôi tin rằng các công ty đang thực sự chú trọng tới A.I một cách bài bản hơn”.
Có 2 lý do chính dẫn tới khả năng này: Thứ nhất, sau vài năm họ đã biết rõ hơn về A.I, thấy được A.I có ứng dụng thực tế ra sao để từ đó có đầu tư đúng đắn hơn. Thứ 2, khoảng vài năm gần đây chứng kiến sự trưởng thành của công nghệ A.I, đặc biệt trong lĩnh vực thị giác máy tính (computer vision) và lập trình ngôn ngữ tư duy (NLP), giúp cho việc xây dựng ứng dụng A.I trở nên dễ dàng hơn rất nhiều và các sản phẩm A.I cũng đã đủ tốt để đưa vào thực tế.
Tiến sĩ Ma Nam tin rằng thị trường A.I Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ. Trên thế giới và khu vực APAC, thị trường A.I, theo một số báo cáo, đang phát triển với tốc độ gần 50% mỗi năm. Việt Nam là một thị trường đang mới nổi, với dân số trẻ, sẵn sàng tiếp nhận các công nghệ mới, nên sẽ có tốc độ phát triển thậm chí còn mạnh hơn trung bình khu vực.
Công nghệ A.I đã và đang trưởng thành nhanh chóng để ứng dụng được trong thực tế như y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông và thương mại điện tử... Có thể kể đến hệ thống giao thông thông minh tại TP.HCM, xe tự hành cấp độ 3 sử dụng ở các khu đô thị, hệ thống giám sát hành trình do Tổng cục Đường bộ đặt hàng, hiện theo dõi khoảng 1 triệu xe khách và xe kinh doanh vận tải.
Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển A.I của Hàn Quốc, Tiến sĩ Kyoo Sung Noh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Trung tâm Năng suất Hàn Quốc, cho rằng có thể xem A.I là tương lai của Việt Nam. Tương tự như Hàn Quốc, nếu tận dụng tốt A.I, Việt Nam có thể tiến một bước dài, bỏ qua giai đoạn phát triển mà những cường quốc từng trải qua. Đây cũng chính là cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang lại.
Một nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy, 5 quốc gia hàng đầu về nhu cầu robot công nghiệp đang chiếm gần 2/3 thị trường. Tại Trung Quốc, 71% robot mới được mua từ nhà cung cấp nước ngoài. “Số lượng robot công nghiệp hoạt động trong các nhà máy trên khắp thế giới ngày nay đánh dấu mức cao nhất trong lịch sử”, Milton Guerry, Chủ tịch Liên đoàn Robot Quốc tế, cho biết.
A.I được coi như công cụ cải tiến hiệu quả làm việc của con người, nên việc nó thay thế con người trong một số công việc, tạo ra các công việc mới, thúc đẩy con người học tập và phát triển ở những lĩnh vực mới là không thể tránh khỏi. Ông Nguyễn Ngọc Minh, thuộc Công ty FPT Smart Cloud, chia sẻ: “Đó vẫn luôn là câu hỏi có từ thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ nhất. Tôi nghĩ trong tương lai, con người sẽ phải vất vả hơn do phải đảm nhận những công việc khó, còn việc dễ sẽ do máy móc thực hiện”.
Về mặt lịch sử, việc phải thay đổi công ăn việc làm đã diễn ra cùng với những làn sóng công nghiệp, trước tiên là việc thay đổi cơ cấu từ nông nghiệp sang chế tạo, tiếp đó là thay đổi từ chế tạo sang dịch vụ. Tuy nhiên, xuyên suốt những quá trình thay đổi đó, thành quả thu được từ việc tăng năng suất đã được tái đầu tư để tạo ra những sáng kiến mới, công ăn việc làm mới và các ngành công nghiệp mới, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi công ăn việc làm cũ ít hiệu quả hơn được thay thế bằng những nghề nghiệp tiên tiến hơn.
Trong môi trường và điều kiện lao động đặc thù của Việt Nam, A.I sẽ mở ra khả năng tương tác mạnh mẽ giữa người và máy, giúp đột phá hiệu suất và năng suất vận hành của doanh nghiệp, đồng thời nâng cao trải nghiệm khách hàng mới. Doanh nghiệp có thể cắt giảm chi phí đầu tư ban đầu từ 40-60%, giúp chuyển đổi mô hình đầu tư từ CapEx sang OpEx, nhanh chóng chuyển đổi số mô hình kinh doanh. A.I sẽ từng bước thay thế những phương thức làm việc truyền thống của con người, đòi hỏi không chỉ mỗi cá nhân mà còn cả các tổ chức phải thích nghi và thay đổi để có thể bắt kịp với xu hướng vận động chung của thế giới.
Tiến sĩ Ma Nam cũng đưa ra nhận định tương tự: “A.I chắc chắn luôn có vai trò hỗ trợ, giúp tăng tốc độ và hiệu quả làm việc. Trong một số lĩnh vực, A.I còn có thể tác động tới toàn ngành lao động, đặc biệt thời gian gần đây khi nhiều lĩnh vực được số hóa mạnh mẽ, trong đó A.I là cấu phần lõi cho quá trình số hóa này”. Nếu coi các ứng dụng máy học (machine learning) hay khoa học dữ liệu là tương đương hay liên quan tới A.I thì vốn dĩ A.I đã được dùng tương đối nhiều ngay ở Việt Nam, như hệ thống đề xuất trong thương mại điện tử, giúp tự động giới thiệu sản phẩm phù hợp cho từng khách hàng. Hay ứng dụng phát hiện gian lận trong các nền tảng game, gọi xe như Grab, Gojek, hay hệ thống đánh giá rủi ro tín dụng trong tài chính ngân hàng.
Đơn cử như gần đây VNG đã giới thiệu công cụ A.I có tên gọi trueID, đem lại các công cụ hạ tầng số hóa giúp ngân hàng phát triển và quản lý danh tính khách hàng hoàn toàn trực tuyến, nhanh chóng, an toàn. Thay vì ngân hàng phải triển khai hàng ngàn nhân viên và hàng trăm chi nhánh để hỗ trợ thu thập thông tin, xác minh khách hàng khi mở tài khoản hay thực hiện giao dịch, thì bây giờ mỗi người dùng đã có thể tự cung cấp thông tin và được xác minh danh tính, thực hiện giao dịch hoàn toàn tự động, tại bất cứ đâu và bất cứ thời điểm nào, chỉ với một chiếc smartphone.
Một thuận lợi là Việt Nam hiện có đội ngũ làm A.I được đánh giá thuộc hàng top trong khu vực, có tiềm năng tạo ra những sản phẩm A.I đẳng cấp quốc tế. Một số nhà đầu tư nổi tiếng thế giới như Vinod Khosla, hay gần đây là ông Roychowdhary, Giám đốc Công nghệ từ Sequoia cũng đã nhắc tới Việt Nam như một điểm nổi bật ở châu Á - Thái Bình Dương về đội ngũ làm A.I. Ông Tommy Le, Phó Chủ tịch phụ trách Kinh doanh tại thị trường Mỹ của Bkav, cho biết: “Chúng tôi có nền tảng để phát triển hơn nữa tại thị trường này, hướng tới vị trí top 5 nhà sản xuất camera hàng đầu thế giới”. Hiện Bkav đã thành lập công ty về camera và đặt mục tiêu phát triển thành công ty tỉ USD trong vòng 5 năm tới.
Cơ sở hạ tầng phục vụ công tác nghiên cứu và ứng dụng A.I cũng được chú trọng đầu tư, như dự án Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với tổng số vốn 450 triệu USD. Theo định hướng, đây sẽ là nơi ươm tạo công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển sản xuất, cung ứng sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao. Việt Nam có khoảng 237 trường đại học và học viện. Tuy nhiên, trong số này số trường có khoa, chuyên ngành về máy tính, chuyên sâu về A.I chỉ chưa đến 40. Vì vậy, dù hiện có đội ngũ làm A.I thuộc hàng top khu vực, câu chuyện đầu tư cho nguồn nhân lực vẫn là một bài toán lớn đối với chiến lược phát triển A.I của Việt Nam.
FPT là một trong số các doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam có sự đầu tư nghiên cứu nghiêm túc và bài bản về A.I từ những năm 2013. Ông Nguyễn Ngọc Minh, thuộc FPT Smart Cloud, cho biết: “Một trong số những khó khăn trong thời kỳ đầu phát triển nền tảng FPT.AI chính là khan hiếm đội ngũ chuyên gia. Trên toàn cầu hiện chỉ có hơn 22.000 nhà khoa học về A.I, phần lớn tập trung ở Mỹ và Trung Quốc. Số lượng còn lại ít ỏi không thể đáp ứng nổi nhu cầu của các nước như Việt Nam”. Để trở thành chuyên gia A.I, họ còn phải trải qua quá trình tu nghiệp rất dài và thường mang học hàm tiến sĩ trở lên. FPT đã quy tụ đội ngũ chuyên gia A.I chất lượng, bảo vệ bằng tiến sĩ ở các trường hàng đầu như Đại học Cambridge, khoa học máy tính tại Paris 6, Viện nghiên cứu của Nhật... nhưng vẫn cần thêm để đáp ứng đủ nhu cầu nghiên cứu và phát triển.
“Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã làm chủ các công nghệ lõi về A.I, smartphone, thành phố thông minh (smart city) và an ninh mạng… Đây là cơ sở để Việt Nam có cơ hội thuộc nhóm các quốc gia dẫn đầu về ứng dụng A.I”, ông Vũ Thanh Thắng, Phó Chủ tịch Bkav, nhận định. Bkav hợp tác với các trường đại học như Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia, Đại học Bưu chính Viễn thông… để cùng tạo ra nguồn nhân lực cho lĩnh vực A.I tại Việt Nam.
Một kỳ lân công nghệ như VNG cũng rất đề cao yếu tố cốt lõi là con người, Tiến sĩ Ma Nam đưa ra lời khuyên cho các công ty muốn xây dựng một nền tảng A.I rằng: “Phải có một nhóm hạt nhân, giỏi về chuyên môn, có kinh nghiệm phát triển sản phẩm A.I ứng dụng thực tế. Họ sẽ rõ hơn việc nào là khả thi, việc nào là viễn tưởng và có khả năng xây dựng thành công các công cụ đó”. Ngoài ra, quan trọng không kém là phải xác định rõ bài toán muốn giải quyết là gì, giá trị kinh tế của giải pháp sẽ được nhìn nhận và đánh giá ra sao, để tránh việc chỉ dừng ở nghiên cứu mô hình mà không triển khai thực tế được và không chứng minh được giá trị kinh tế của nó. Chỉ khi có được động lực và sự thấu hiểu, có khả năng vận dụng công cụ A.I, thì các lợi ích và giá trị của A.I mới được phát huy đầy đủ trong thực tế.