Hủy
Bất động sản

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng

Thứ Tư | 22/05/2013 08:07

Đến nay qua hơn 60% thời gian thực hiện dự án nhưng khối lượng công việc mới đạt gần 40%.
 

Chiều 21/5, ông Trần Văn Lục, Giám đốc Ban quản lý Dự án Đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam, cho biết, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông, đang bị chậm tiến độ do vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng.

Tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông khởi công từ ngày 10/10/2011, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2014, chạy thử toàn tuyến vào đầu năm 2015 và đưa vào khai thác trong quý II năm 2015.

Theo kế hoạch, trong năm 2013, dự án phải cơ bản hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB); hoàn thành 80% khối lượng thi công trụ cầu trung gian (360/425 trụ); hoàn thành 65% khối lượng đúc dầm (540/806 phiến dầm); triển khai thi công toàn bộ 12 nhà ga, trong đó hoàn thành 50% kết cấu chính của các nhà ga…

Tính đến nay, thời gian thực hiện dự án đã là 40 tháng/65 tháng theo dự kiến, bằng 61% kế hoạch, tuy nhiên, tổng khối lượng công việc thực hiện mới đạt 39%. Công tác giải phóng mặt bằng vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, là nguyên nhân lớn dẫn tới chậm tiến độ.

Công tác GPMB vướng chủ yếu ở việc bàn giao mốc GPMB đoạn qua địa bàn các quận Đống Đa, Thanh Xuân, việc mở rộng Nghĩa trang Trinh Lương để di dời Nghĩa trang Văn Nội.

Theo ông Trần Văn Lục, nếu trong thời gian tới, công tác GPMB vẫn tiếp tục chậm trễ, không đảm bảo được các mốc tiến độ đã xác định thì khả năng dự án không thể hoàn thành theo tiến độ là rất lớn. Sở Giao thông vận tải Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ xem xét cấp phép thi công và có phương án phân luồng giao thông hợp lý trên trục Nguyễn Trãi-Trần Phú-Quang Trung-Quốc lộ 6 để nhà thầu có thể mở đồng thời nhiều mũi thi công trên tuyến.

Theo kế hoạch, Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông sau khi hoàn thành sẽ đóng vai trò nòng cốt cho giao thông công cộng, cùng với mạng lưới xe buýt nhanh sẽ giải quyết cơ bản vấn đề tắc nghẽn giao thông tại Thủ đô Hà Nội và phấn đấu đạt mục tiêu giao thông công cộng đáp ứng được 35-45% nhu cầu đi lại của nhân dân Thủ đô.

Nguồn Chinhphu.vn


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới