Hủy
Bất động sản

Siết trái phiếu “đổi giấy lấy tiền”

Dũng Nguyễn Thứ Ba | 10/09/2019 08:00

Ảnh: QH

Cơ quan quản lý đã bắt đầu kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
 

Ngày càng xuất hiện nhiều hoạt động chào bán trái phiếu của các doanh nghiệp, phổ biến vẫn là các công ty kinh doanh bất động sản. Chẳng hạn, mới đây, trái phiếu của một công ty có nhiều dự án đang triển khai được chào bán với lãi suất 10,8%/năm với kỳ hạn 2 năm, lãi được thanh toán trong 6 tháng mỗi lần và người mua tối thiểu là 200 triệu đồng (bằng mệnh giá).

Với sản phẩm trái phiếu, nhiều công ty đưa ra mức lãi suất hấp dẫn hơn nhiều, có thể lên đến 14,5%/năm, như trường hợp của Công ty Bất động sản Phát Đạt. Số liệu Bộ Tài chính cho biết trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị phát hành là 116.085 tỉ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, năm 2018 mới là đỉnh điểm phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời là giai đoạn mà tín dụng từ các ngân hàng có xu hướng chững lại. Nhóm người chơi chính trên thị trường là các ngân hàng thương mại (chiếm khoảng 36% trong 6 tháng đầu năm nay), tiếp theo là các doanh nghiệp bất động sản 22.122 tỉ đồng (chiếm 19%), còn lại là những doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề khác.

Siet trai phieu “doi giay lay tien”
 

Ở một góc độ tích cực, theo Tiến sĩ Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính ngân hàng, việc phát hành trái phiếu nhiều hơn là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế, vì ngân hàng không phải gánh nhu cầu tín dụng trung và dài hạn nữa. Phát hành trái phiếu cũng không phải là câu chuyện mới, nhưng trong nhiều năm qua, các dự án kinh doanh sản xuất trung và dài hạn (không chỉ có doanh nghiệp bất động sản), phụ thuộc đến 80-90% vào ngân hàng.

Rủi ro về kỳ hạn bắt đầu xuất hiện khi ngân hàng chỉ huy động tiền gửi trong ngắn hạn. Đây cũng là lý do vì sao cơ quan quản lý buộc các tổ chức tín dụng cần phải cơ cấu lại các khoản tiền gửi có kỳ hạn dài hơn, nếu muốn được tiếp tục tăng trưởng phải huy động vốn có kỳ hạn dài, như phát hành trái phiếu. “Nhưng cũng không loại trừ các trường hợp doanh nghiệp bất động sản đang thực sự khó khăn, không thể vay vốn ngân hàng”, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho biết.

Báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định hiện tại nguồn vốn đầu tư trung và dài hạn của thị trường bất động sản phụ thuộc quá lớn vào ngân hàng, chưa có nguồn thay thế trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng. Các kênh thay thế khác như thị trường bất động sản, các quỹ đầu tư bất động sản, quỹ đầu tư tín thác bất động sản vẫn chưa phát triển như kỳ vọng.

Dù vậy trong thời gian gần đây, trái phiếu thực sự có những điểm khởi sắc. Theo các chuyên gia, một trong những lý do giải thích là vì việc phát hành trái phiếu được đánh giá là dễ thở hơn so với vay vốn ngân hàng, không cần có tài sản thế chấp, không bị giám sát về dòng vốn giải ngân. Mặc dù lãi suất trái phiếu có thể cao hơn lãi suất vay ngân hàng kỳ hạn trung và dài hạn (bình quân khoảng 9-11%), nhưng những yếu tố trên dẫn đến lợi thế lớn cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong thời điểm này.

Dù có nhiều mặt tích cực nhưng thực tế việc phát hành trái phiếu vẫn còn nhiều rủi ro. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng mới đây đã cảnh báo về việc đầu tư hoặc tăng quy mô vốn cho các tổ chức phát hành trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Theo đó, các ngân hàng thương mại không được mua trái phiếu nhằm cơ cấu lại khoản nợ của doanh nghiệp phát hành, đồng thời phải có biện pháp giám sát sau cho vay, hạn chế nợ xấu phát sinh.

Siet trai phieu “doi giay lay tien”
 

Song song đó, Ngân hàng Nhà nước cũng lên tiếng sẽ hạn chế mức tăng tưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng triển khai các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất cao, làm ảnh hưởng chung đến thị trường. Vấn đề lãi suất được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây.

Cuộc đua phát hành trái phiếu được đẩy nhanh không chỉ về quy mô mà còn ở mức lãi suất. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp ở mức 9,5-13%, nhỉnh hơn so với mức lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại trong trung và dài hạn. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong một cuộc hội thảo gần đây đánh giá rằng nếu không kiểm soát tốt chuyện lãi suất trong phát hành trái phiếu, sẽ ảnh hưởng đến thị trường tín dụng và cân đối vĩ mô.

Vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro trong hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trong khi trái phiếu ngân hàng dù sao cũng ổn định và được nhiều tổ chức tín dụng khác mua lại, thì phần lớn trái phiếu bất động sản được thực hiện bằng hình thức riêng lẻ, không chuyển đổi, không tài sản đảm bảo.

Siet trai phieu “doi giay lay tien”
 

Đó là chưa tính đến chuyện rủi ro của trái phiếu chưa được tính đúng tính đủ, vì chưa có tổ chức định giá độc lập nào xác lập mức độ tín nhiệm của công ty. Đơn cử như việc định giá tài sản đảm bảo mà trái phiếu đưa lại. Các nhà đầu tư trái phiếu cũng khó lòng kiểm soát dòng vốn mà doanh nghiệp sử dụng có đúng mục đích gọi vốn hay không.

Thực tế cho thấy cuộc chơi trái phiếu vẫn dành cho nhà đầu tư tổ chức chứ không phải nhà đầu tư cá nhân. Dù vậy, có rất nhiều tổ chức phát hành hiện nay chuyển hướng chào bán cho cá nhân, đồng nghĩa với việc đẩy rủi ro về một nhóm người không có nhiều thông tin đầu tư để quyết định và lại còn cạnh tranh vốn huy động kỳ hạn dài với các tổ chức tín dụng. Một cảnh báo sớm cũng được đưa ra khi quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tính đến hết tháng 6.2019 có mức giá trị vốn hóa tương đương 10,22% GDP, tăng 21% so với cùng kỳ, trong khi chỉ tiêu năm 2020 là 7%.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới