Hủy
Chứng khoán

Quân bài Dung Quất của Hòa Phát

Tuệ An Thứ Ba | 24/12/2019 08:00

Ảnh: tinnhanhchungkhoan.vn

 
 
Khu liên hợp gang thép Hòa Phát - Dung Quất sẽ ảnh hưởng thế nào đến thị trường thép Việt Nam?

Khu liên hợp Hòa Phát - Dung Quất với tổng cộng 4 lò cao, công suất 4 triệu tấn thép, gồm 2 triệu tấn thép xây dựng và 2 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) đang được Hòa Phát (HPG) triển khai. Đây chính là siêu dự án chiến lược của Hòa Phát để đảm bảo vị thế nhà sản xuất thép hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Cuộc chiến ngắn hạn

Với vị trí địa lý của dự án Dung Quất này, Hòa Phát sẽ nhắm đến khu vực miền Nam và miền Trung là thị trường mục tiêu chính, nơi Hòa Phát mới chỉ chiếm khoảng 9% thị phần. Trong 9 tháng đầu năm nay, Công ty cũng đã tích cực thâm nhập 2 thị trường này. Số liệu báo cáo cho thấy tổng sản lượng tiêu thụ trong 9 tháng đầu năm ở 2 thị trường nói trên đã tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 29,5% tổng sản lượng tiêu thụ. Công ty Chứng khoán KIS nhận định sẽ có một cuộc chiến ngắn hạn để giành thị phần, làm tổn hại lợi nhuận của các nhà sản xuất địa phương. Từ đầu năm đến nay, giá thép của Hòa Phát đã giảm 10,8%, nhanh hơn các công ty cùng ngành khác như Pomina và Vina Kyoei.

 

Ngoài ra, Khu liên hợp gang thép Hòa Phát - Dung Quất cũng được đặt kỳ vọng rất lớn giúp Hòa Phát tự chủ nguồn nguyên liệu là thép cuộn cán nóng, nguyên liệu chính cho sản phẩm thép dẹt (tôn mạ, ống thép). Dự án Dung Quất được kỳ vọng sẽ cung cấp thép cuộn cán nóng với suất đầu tư thấp hơn nhiều so với Formosa (750 USD/tấn của Hòa Phát so với 1.700 USD/tấn của Formosa) và đủ sức cạnh tranh với thép nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong ngắn hạn, sự chững lại của thị trường bất động sản và chậm trễ trong đầu tư cơ sở hạ tầng có thể khiến nhu cầu thị trường chậm lại, ảnh hưởng không nhỏ đến việc giải tỏa công suất lớn của dự án Dung Quất. Tuy nhiên, Hòa Phát đã có hướng giải quyết cho vấn đề này bằng cách chuyển đổi một phần sang bán phôi thép cho các doanh nghiệp thép xây dựng trong miền Nam.

Cụ thể, trong tháng 10 và 11, Hòa Phát đã bán 60.000 tấn phôi cho Vina Kyoei, doanh nghiệp có thị phần thép xây dựng lớn nhất tại miền Nam. Hòa Phát còn có lợi thế lớn là phôi thép của Khu liên hợp Hòa Phát - Dung Quất chỉ tốn khoảng 48 giờ để vận chuyển từ cảng Hòa Phát - Dung Quất đến Bà Rịa - Vũng Tàu cho nhà máy Vina Kyoei chạy cán thép ngay.

Sản lượng 2 triệu tấn/năm thép cuộn cán nóng ở giai đoạn II của dự án Dung Quất chính là động lực tăng trưởng chính cho Hòa Phát. Hiện tại, ở Việt Nam, chỉ có Formosa Hà Tĩnh có khả năng cung ứng sản phẩm này nhưng chưa thể phục vụ hết nhu cầu. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nhu cầu nội địa cho sản phẩm thép cuộn cán nóng khoảng 12 triệu tấn/năm, trong đó Formosa chỉ đáp ứng chưa đến 20%.

Mặt trận miền Trung

Trước áp lực từ dự án Dung Quất của Hòa Phát, các doanh nghiệp thép khác ở Việt Nam đang có những động thái nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp sản xuất thép đang đổ về miền Trung để xây dựng các nhà máy mới, trong đó không thể không kể đến Công ty Thép Nam Kim và Tập đoàn Hoa Sen.

Việc đặt nhà máy tại miền Trung đem lại nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp sản xuất thép. Miền Trung có chi phí nhân công rẻ hơn các vùng kinh tế phát triển khác, song song với những ưu đãi để kêu gọi đầu tư của chính quyền địa phương về đất đai, thuế, thủ tục hành chính... Đồng thời, miền Trung cũng mang một vị trí chiến lược, là bàn đạp cho những chiến lược mở rộng bán hàng và giảm chi phí logistics. Với Hòa Phát, Dung Quất là căn cứ địa để tập đoàn này thực hiện tham vọng Nam tiến thì Hoa Sen cũng đáp trả bằng các nhà máy ở khu vực này để tối ưu công suất và bán hàng khi mở rộng ra miền Bắc.

Trước những lợi thế lớn mà dự án Dung Quất mang lại, Hòa Phát được đánh giá sẽ là một cổ phiếu đáng để đầu tư dài hạn với triển vọng tích cực. Công ty Chứng khoán FPT cũng đưa ra khuyến nghị mua cho nhà đầu tư với giá mục tiêu 26.900 đồng/cổ phiếu. Công ty Chứng khoán KIS thậm chí còn lạc quan hơn với triển vọng của HPG khi đưa ra khuyến nghị mua với giá mục tiêu 1 năm lên đến 28.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, ông Bùi Quang Hưng, chuyên viên phân tích của NH Securities, nhận định rằng nhìn vào sự tương quan giữa lượng thép được tiêu thụ trong các năm gần đây (không tính xuất khẩu), thị trường thép nhiều khả năng đã tạo đỉnh trong năm 2018. Kết quả kinh doanh của nhóm thép xây dựng như Hòa Phát thường có độ trễ 1,5-2,5 năm so với chu kỳ bất động sản.

 

Đối với Hòa Phát, một nguy cơ là nợ vay ròng đang tăng nhanh do dự án Dung Quất từ 18.000 tỉ đồng lên 25.000 tỉ đồng, tạo rủi ro tiềm ẩn trong bối cảnh lãi suất tăng mà biên lợi nhuận gộp giảm. Hòa Phát là một nhà sản xuất chi phí thấp điển hình, trong khi với vị trí của dự án Dung Quất, rất khó để tận dụng nguồn quặng sắt ở vùng núi Tây Bắc để biến công ty thành chuỗi giá trị khép kín. Vì thế, Hòa Phát buộc phải nhập khẩu quặng sắt từ nước ngoài theo đường biển và phụ thuộc vào giá quặng sắt thế giới. Tình hình cung điện năng thiếu hụt và sự đầu tư quyết liệt vào lò nấu thép công nghệ cao của đối thủ là những mối nguy hiểm đến LNG mảng thép xây dựng của Hòa Phát.

Do đó, hy vọng dài hạn của Hòa Phát chủ yếu đến từ sản phẩm mới thép cuộn nóng và các loại thép kỹ thuật cao trong giai đoạn 2 và 3 của dự án Dung Quất, lấy được thị phần khi các doanh nghiệp nhỏ, ít tên tuổi bị đánh bật ra khỏi thị trường trong giai đoạn khó khăn. Các sản phẩm mới này khó có thể xảy ra trong ngắn hạn, vì vậy cần theo dõi cổ phiếu HPG.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới