Hủy
Công Nghệ

Agritech Việt Nam: Thập kỷ dò đường

Công Sang Thứ Sáu | 20/01/2023 07:30

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2020 thu nhập bình quân nông dân xấp xỉ 2.000 USD/năm. Ảnh: T.L

Startup công nghệ nông nghiệp (Agritech) đang gỡ dần những nút thắt trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
 

Những trận mưa đầu mùa khiến anh Nguyễn Văn Vũ, ngụ xã Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long (vùng trồng cam lớn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cách TP.HCM hơn 160 km) tạm ngừng kế hoạch phun thuốc cải tạo mảnh vườn mới thuê để trồng cam. Mảnh vườn có diện tích 0,5 ha được anh Vũ thuê từ tiền vay ngân hàng, vay người thân và một phần vốn của anh.

Chuỗi cung ứng bị lãng quên
Hành trình vay vốn chưa dừng ở đó, anh sẽ tiếp tục vay các cửa hàng vật tư nông nghiệp phân bón, thuốc trừ sâu... cho đến khi thu hoạch. Trung bình một vườn cam có thể thu hoạch sau 18-24 tháng. Bởi vì, chi phí phần lớn là vay mượn nên người nông dân như anh Vũ rất quan tâm đến giá bán. Giả sử chi phí trồng cam khoảng 35 cent/kg (hơn 8.000 đồng/kg), bán hơn giá đó là có lời. Còn nếu thấp hơn giá vốn, thường xảy ra khi nguồn cung cao hơn cầu, anh phải chấp nhận bán lỗ để chuẩn bị cho mùa thu hoạch mới. Kênh bán hàng chủ yếu vẫn là thương lái địa phương.

 

Rau củ quả có thời gian thu hoạch ngắn hơn (tối thiểu 1 tháng, tối đa 9 tháng) nhưng công thức vay trước trả sau, kênh bán hàng và rủi ro mà nông dân phải đối mặt là không thay đổi. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2020 thu nhập bình quân nông dân xấp xỉ 2.000 USD/năm, khoảng 153 USD/tháng (tương đương 3,6 triệu đồng/tháng). Để so sánh, con số này của nông dân Indonesia là 260 USD/ tháng, Malaysia là 309 USD/tháng và Thái Lan là 842 USD/tháng.

Phần lớn nông dân không biết được cung - cầu trên thị trường nên họ chịu nhiều rủi ro khi đến mùa thu hoạch. Tình trạng này đã diễn ra hàng chục năm qua ở Việt Nam và chưa có cách giải quyết triệt để. Một mô hình truyền thống được đưa ra để hỗ trợ người dân là hợp tác xã. Nhưng mô hình này không phát huy được hiệu quả vì không trả lời được bài toán đầu ra nông sản. Không phải tất cả các sản phẩm được thu hoạch đều có thể được bao tiêu qua các hợp đồng liên kết của hợp tác xã với doanh nghiệp.

“Chuỗi cung ứng bị bỏ quên” là cách ông Lưu Hoàng Khoa, Giám đốc Điều hành Koina Investment Group (KIG), nói về lỗ hổng của ngành nông nghiệp. Đó là hệ quả của thời gian dài tập trung cho xuất khẩu nông sản, các doanh nghiệp có tiềm lực thường tập trung tối ưu cho việc xuất khẩu, phần lớn là vào thị trường Trung Quốc. Điều này cũng dễ hiểu vì giá nông sản thu mua cao hơn, sản lượng đầu vào rõ ràng, vận chuyển cũng tối giản hơn (thu mua tại vườn, sơ chế đóng gói và chuyển sang các điểm xuất khẩu) dẫn đến dòng tiền thu về có lợi hơn.

 

Trong khi đó, với thị trường trong nước, họ phải giải đồng thời bài toán thu mua nông sản, vận chuyển và phân phối trong khi giá nông sản trung bình chỉ bằng một nửa giá xuất khẩu hoặc rẻ hơn. Ví dụ, xoài xuất khẩu có giá trung bình 1,6 USD/kg thì giá trong nước chỉ khoảng 1 USD/kg. “Theo ước tính của chúng tôi, giá trị thị trường nông sản trong nước quy mô khoảng 40 tỉ USD và đang vận hành theo cách truyền thống, còn rất nhiều dư địa cho công nghệ tham gia, đặc biệt là dự tính được cung cầu”, ông Khoa nói.

IoT trên đồng ruộng 
Để có cái nhìn rõ hơn về Agritech Việt Nam đã làm gì trong 10 năm qua, cần nhìn vào toàn bộ chuỗi cung ứng nông nghiệp Việt Nam với 3 công đoạn như sau: đầu vào nông sản, thu mua và phân phối.

Trước năm 2018, các startup Agritech phần lớn tập trung vào công đoạn đầu vào nông sản với việc cung cấp giống, thiết bị IoT (internet vạn vật) để nâng cao năng suất canh tác. Nổi bật trong số này là MimosaTEK, chuyên cung cấp thiết bị IoT được sáng lập bởi ông Nguyễn Khắc Minh Trí vào năm 2012 ở TP.HCM. Từ năm 2012 đến nay, MimosaTek chỉ mới hoàn thành vòng đầu tư hạt giống.

Ứng dụng công nghệ của MimosaTEK trong tưới tiêu cây trồng. Ảnh: mimosatek.com
Ứng dụng công nghệ của MimosaTEK trong tưới tiêu cây trồng. Ảnh: mimosatek.com

Ông Trí cho biết, doanh thu đến từ 2 nguồn: một là bán thiết bị IoT tự động hóa việc tưới tiêu cho 500 hộ nông dân trên toàn quốc. Hơn 30% trong số này đến từ tỉnh Lâm Đồng (một trong những nơi cung cấp rau lớn của Việt Nam, cách TP.HCM hơn 260 km). Các giải pháp của Công ty có giá từ 500 USD cho đến hơn 10.000 USD. Nguồn thu thứ 2 đến từ việc thu mua nông sản từ các nông hộ sử dụng sản phẩm của Công ty. MimosaTEK bán cho nhà máy (B2B) với năng suất khoảng 120 tấn/tháng. Mặt hàng chủ yếu là rau củ quả có giá trị cao như ớt chuông, xà lách, cà rốt, khoai tây...

“Tưới tiêu là yếu tố giúp tăng năng suất cây trồng. Đó là công đoạn chúng tôi tập trung xử lý bằng công nghệ”, ông Trí nói. Ví dụ, với ớt chuông, thông qua giải pháp IoT, MimosaTEK đang tăng năng suất 3,5 kg/cây thay vì mức 2,5 kg/cây như trước kia nhưng với cùng lượng phân bón hoặc thấp hơn. Năng suất cao trong khi chi phí không đổi hoặc thấp hơn là cách tạo ra lợi nhuận cho nông dân.

Để tăng thêm nguồn thu, MimosaTEK đang thử nghiệm dự án kinh doanh phân bón cho các nông hộ sử dụng thiết bị IoT của mình. Với dữ liệu thu thập từ hệ thống, Công ty có thể tùy chỉnh lượng phân bón ứng với vùng nuôi trồng của từng nông dân. Cách làm này có thể giúp chi phí phân bón giảm đi ít nhất là 20%.

Nhưng MimosaTEK cũng có giới hạn. Thứ nhất, giải pháp hiện phần lớn chỉ tập trung ở Lâm Đồng, nơi người nông dân canh tác các mặt hàng nông sản giá trị cao nên sẵn sàng đầu tư giải pháp IoT để tăng năng suất. Một cuộc khảo sát nhỏ của TIA với hơn 10 nông dân trồng cam ở Vĩnh Long cho thấy vì các khoản vay ban đầu quá lớn nên họ không muốn mạo hiểm để đầu tư các thiết bị công nghệ.

Bài toán chuỗi cung ứng
Nhóm thứ 2, xuất hiện từ năm 2018 trở đi với những cái tên như Foodmap, Kamereo. Các công ty này tập trung vào khâu phân phối nông sản đến người tiêu dùng cuối và một phần đầu vào chuỗi cung ứng.

Kamereo, chẳng hạn, chọn rau là mặt hàng chủ đạo và đang phân phối B2B cho các kênh Horeca (khách sạn, nhà hàng, quán ăn), từ các cửa hàng cho đến chuỗi như Red Sun. Trong lần gọi vốn hồi tháng 7/2021 vào Kamereo có sự tham gia của C.P. Ông Taku Tanaka, sáng lập Kamereo, cho biết đang đưa các sản phẩm của C.P. vào hệ thống phân phối gần 2.000 điểm ở TP.HCM. “So với thực phẩm, Kamereo chỉ làm công việc phân phối chứ không đi sâu đến công đoạn đầu vào như rau, quả vì nguồn lực có giới hạn”, ông Taku Tanaka nói.

Tương tự như vậy với mặt hàng trái cây, startup Nhật này chỉ đóng vai trò đặt trạm thu mua ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thông qua ứng dụng Kamereo, Công ty giúp đơn giản hóa việc đặt hàng số lượng lớn với nguồn lực tối giản và hiệu quả hơn so với việc phụ thuộc vào hệ thống tổng đài hay các OTT chat. Dữ liệu thu thập được từ ứng dụng sẽ được phân bổ xuống bộ phận vận hành để tối ưu thời gian giao nhận.
Hiện Kamereo có khoảng 20 ha diện tích trồng rau bao tiêu ở Đức Trọng, với công suất 120-150 tấn/tháng. Doanh thu của Công ty đến việc mua sỉ bán lẻ. “Kamereo hiện chưa có giải pháp công nghệ phục vụ người nông dân, vì chúng tôi tin rằng lợi ích lớn nhất với họ là thu nhập được cải thiện, sản lượng đặt hàng hằng năm cao hơn”, ông Taku Tanaka nói.

Team Konia. Ảnh: T.L
Team Konia. Ảnh: T.L

Cuối cùng là Koina, xuất hiện từ sau dịch bệnh COVID-19 với tầm nhìn là tập trung tối ưu toàn bộ chuỗi cung ứng nông nghiệp trong nước. Koina vừa phát triển nông sản đến người dùng cuối như Kamereo, vừa phát triển giải pháp công nghệ (chủ yếu là phần mềm) phục vụ nông dân như MimosaTEK. “Đó là một vòng tròn khép kín, muốn nông dân làm việc với nền tảng của mình thì phải bao tiêu đầu ra cho họ. Mà muốn bao tiêu đầu ra thì phải có trong tay hệ thống thu mua và phân phối hiệu quả”, ông Lưu Hoàng Khoa của Koina nói.

Trong gần 1 năm qua, Koina đã xây dựng được mạng lưới bán hàng đa dạng từ kênh phân phối truyền thống (chợ), kênh bán hàng hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi) cho đến kênh Horeca với 1.000 khách hàng đã sử dụng dịch vụ ở 9 tỉnh, thành lớn. Công ty hiện đưa ra thị trường hơn 1.000 tấn nông sản/tháng thông qua trung tâm thu mua đặt ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long và một số nông hộ liên kết ở Đà Lạt, Lâm Đồng.

Công ty cũng đã xây dựng được phần lớn dữ liệu vùng trồng cam ở Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long thông qua dự án nền tảng Farmer Platform, một trong số tính năng là Nhật ký Trồng trọt, ghi lại quá trình xuống giống, bón phân của người nông dân... từ đó dự báo ngày thu hoạch. “Khi có dữ liệu, chúng tôi có thể cảnh báo người nông dân để họ chuyển đổi sang các loại nông sản khác. Chúng tôi tin rằng đó là điểm khác biệt lớn nhất và có thể mang lại hiệu quả nhất hỗ trợ người nông dân”, ông Khoa nói.

Hiện tại, giống như Kamereo, doanh thu và lợi nhuận của Koina đến từ việc mua bán nông sản. Trong tương lai nền tảng sẽ mở rộng hơn ở các vùng trồng trái cây và rau củ quả. Nền tảng này sẽ trở thành điểm cung cấp sản phẩm vật tư nông nghiệp và kết nối dịch vụ tài chính cho nông dân. Nông dân cũng có thể tìm kiếm người mua và ngược lại thông qua cơ chế hoạt động của nền tảng.

Lấy ví dụ về dịch vụ tài chính, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/5/2022, dư nợ cho vay cho lĩnh vực nông thôn, nông nghiệp là 2,8 triệu tỉ đồng, tương đương hơn 100 tỉ USD. Đây cũng là lĩnh vực bị đánh giá là nợ xấu cao, vì thế thông qua các nền tảng như Farmer Platform, việc đánh giá thẩm định cho vay sẽ dựa vào dữ liệu thời gian thực và việc sử dụng vốn cũng sẽ rõ ràng hơn vì dựa vào kết nối trực tiếp với nhà cung cấp.

Đồng quan điểm, ông Taka Tanaka cho biết theo các quy định pháp luật hiện hành, các công ty như Kamereo sẽ không được phép cho vay. Trong tương lai, Công ty sẽ hợp tác với ngân hàng để cho vay. 

Có thể nói chuỗi cung ứng nông nghiệp Việt Nam là bài toán khó vì phải giải đồng thời năng suất đầu ra, thu mua và phân phối sản phẩm. Nhưng 10 năm trở lại đây, sự xuất hiện của ngày càng nhiều Agritech ở cả 3 công đoạn đang bổ sung những hạn chế cho nhau để giải quyết các nút thắt. Dĩ nhiên mọi chuyện không dễ dàng, các phương thức truyền thống sẽ tạo ra lực cản lớn đối với những công ty như Koina, Kamereo, MimosaTEK... “Giống như câu chuyện gọi xe công nghệ từng bị phản đối mạnh mẽ bởi những người lao động truyền thống, nhưng cuối cùng đứng trước dòng chảy công nghệ, những đối tác thích ứng đã tạo ra được lực lượng mới chuyên nghiệp và hiệu quả hơn”, ông Khoa nói


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới