Hủy
Công Nghệ

Các nhà cung cấp dịch vụ internet lao đao vì giá điện tăng

Thứ Hai | 30/07/2012 08:09

Giá điện tăng 5% khiến chi phí đầu vào của các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) tăng 5 - 10%, buộc họ phải áp dụng những biện pháp tiết kiệm điện, tối ưu hóa hệ thống.
 

Từ 1/7, giá bán điện bình quân là 1.369 đồng/kWh (chưa gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 65 đồng/kWh (tương đương 5%) so với giá bán điện bình quân đang áp dụng (1.304 đồng/kWh). Điều này đã tác động không nhỏ đến các ISP trong điều kiện những doanh nghiệp này đang liên tục than phiền về việc giá cước internet quá thấp, mất đến 2-3 năm mới hòa vốn nên không thể đầu tư mạng lưới.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT Telecom cho biết, việc tăng giá điện đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp. Cụ thể, chi phí điện chiếm khoảng 3% chi phí sản xuất của FPT Telecom nên với mức giá mới thì chi phí sản xuất của FPT Telecom dự kiến tăng thêm 5-10% so với trước đây.

Ông Vũ Thế Bình, Giám đốc Công ty NetNam cũng cho rằng, chi phí điện chiếm 4-5% chi phí sản xuất của NetNam. Khi giá điện tăng 5%, ước tính doanh nghiệp phải tăng thêm khoảng 5% chi phí sản xuất. Mặc dù việc tăng giá điện lần này không gây lỗ nhưng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của cổ đông. Ngoài ra, khi điện tăng giá sẽ kéo theo những chi phí đầu vào khác của công ty tăng theo.

Theo đại diện CMC TI, việc tăng giá điện chắc chắn ảnh hưởng tới chi phí cấu thành sản phẩm. Đại diện của Viettel cũng cho biết, việc tăng giá điện đúng là có ảnh hưởng ít nhiều đến doanh nghiệp này. Tuy nhiên, về mức độ ảnh hưởng thì phải tính toán kĩ và chưa thể trả lời ngay được.

Theo đại diện các ISP, giá điện tăng sẽ kéo theo một mặt bằng giá mới trên thị trường, chi phí sản xuất gia tăng, thu nhập của người lao động bị giảm sút. Vì thế, để giảm thiểu hậu quả, các ISP đều áp dụng những giải pháp tập trung nâng cao tỉ lệ sử dụng hạ tầng, tối ưu hóa việc đầu tư hạ tầng, thực hiện tiết kiệm điện trong các khu vực Data Center và văn phòng. Đặc biệt, cần tăng cường quản trị chi phí và tối ưu, tiết kiệm những khoản chi khác để bù đắp cho phần chi phí điện tăng lên bởi vì giá dịch vụ viễn thông và Internet chỉ có giảm, chứ không tăng.

Khi được hỏi về việc có xảy ra kịch bản tăng giá cước Internet như trường hợp của FPT Telecom vào tháng 3/2011, đại diện các ISP đều cho rằng trước mắt chưa có ý định tăng giá sản phẩm dịch vụ, chấp nhận giảm doanh thu trong ngắn hạn để giảm sức ép và thể hiện thiện chí đối với khách hàng.

Nhưng trong trường hợp giá điện vẫn tiếp tục tăng hoặc hiệu ứng tăng giá ảnh hưởng quá lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh thì phương án điều chỉnh giá bán sẽ được cân nhắc nhằm cân bằng chi phí của doanh nghiệp.

Nguồn ICTNews


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới