Hủy
Công Nghệ

Clever Group lên sàn: Quen & lạ

Đông Sang Thứ Năm | 18/03/2021 07:30

Clever Group chọn cách đầu tư thiên về dịch vụ lắng nghe mạng xã hội. Ảnh: TL.

 
 
Clever Group có là một Yeah1 khác và công ty công nghệ nào tiếp theo sẽ lên sàn?

3 ngày sau khi lên sàn, cổ phiếu ADG của Clever Group được giao dịch 62.600 đồng/cổ phiếu, giảm nhẹ so với mốc gần 65.000 đồng/cổ phiếu sau ngày niêm yết. Tính sơ bộ các cổ đông ADG đang lời hơn 4.000 đồng cho mỗi cổ phiếu nắm giữ.

Thật ra, việc một cổ phiếu giảm giá sau ngày niêm yết không phải là hiếm. Sự tò mò đến từ cổ phiếu ADG là đơn vị này đã tăng từ 55.000 đồng/cổ phiếu ở sàn UPCoM đã vượt mốc 60.000 đồng khi chuyển sang sàn HOSE chỉ sau 1 năm. Đây có thể là một con số không cao nhưng hiện đang xếp thứ 2 về giá cổ phiếu công ty công nghệ chỉ sau FPT.

Thậm chí, ADG đang được giao dịch ở mức P/E 21,6 lần, cao hơn mức bình quân ngành là 20,3 lần. Theo Công ty Chứng khoán SSI, đây là con số hợp lý khi so sánh với 2 doanh nghiệp cùng ngành của Hàn Quốc là Incross và Emnet, ADG đang được hưởng lợi thế nhờ tốc độ phát triển của thị trường quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng tốt hơn Hàn Quốc.

 

Theo Statista, giai đoạn 2019-2013 thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam tăng trưởng với CAGR là 10%. SSI cho rằng Clever Group sẽ đạt tăng trưởng 12-15%/năm nhờ lợi thế về kinh nghiệm, hệ sinh thái số đa dạng. Trước những ấn tượng không tốt  từ một công ty công nghệ quảng cáo đi trước là Yeah1 (YEG), có thể nói Clever Group đã làm khá tốt. Tuy nhiên, nỗi lo lắng của các nhà đầu tư về một Yeah1 thứ 2 vẫn còn đó vì doanh thu của công ty này từ trước đến nay phụ thuộc rất lớn vào dịch vụ quảng cáo trực tuyến từ các nền tảng nước ngoài mà phần lớn trong đó là Facebook, Google.

Giới kinh doanh vẫn thường gọi vui cách làm này là “xây nhà trên đất người khác”. Một khi chủ nhà lấy lại đất bằng cách tăng phí cho thuê (ở đây là chi phí quảng cáo) thậm chí là lấy lại đất (như trường hợp Yeah1) sẽ tác động tiêu cực đến mô hình kinh doanh của Clever Group chỉ trong thời gian ngắn.

Điểm khác biệt là Clever Group chọn cách đầu tư thiên về dịch vụ lắng nghe mạng xã hội, phát triển khách hàng tiềm năng và cung cấp hệ thống thông tin riêng cho doanh nghiệp thông qua các công ty là Revu, Adop và cMetric. Trong khi đó, Yeah1 liên tục bành trướng quy mô thông qua việc mua lại các nền tảng nội dung trên thế giới dẫn đến việc bị YouTube để ý.

 

Chưa thể khẳng định mô hình Clever Group có hiệu quả hay không tại thời điểm hiện tại nhưng ít nhất các động thái trên cho thấy Công ty không muốn đi vào con đường Yeah1 đã đi. Tạm gác lại định hướng về chiến lược, có thể nói việc lên sàn của Clever Group là một điều khích lệ đối với công ty công nghệ ở Việt Nam. 

Thú vị hơn, Clever Group không phải là cái tên nhận được hàng chục triệu USD đầu tư từ các quỹ mạo hiểm ngoài khoản đầu tư vòng hạt giống của Cyber Agents (nay là CyberAgent Capital) vào năm 2008 lại niêm yết sớm hơn. Có vẻ các công ty công nghệ trong lĩnh vực quảng cáo dễ được thị trường chấp nhận hơn.

Ông Nguyễn Minh Quý, Chủ tịch Công ty Novaon, cho rằng các công ty công nghệ trong lĩnh vực quảng cáo được hưởng lợi thế vì tiếp thị trực tuyến là một mảng kinh doanh lớn ở Việt Nam, dẫn đến có nguồn thu và lãi nhanh hơn nhóm khác. Đây là điều kiện tiên quyết để lên sàn chứng khoán ở Việt Nam. “Tuy nhiên, về dài hạn, các đơn vị này phải bứt phá khỏi mô hình đại lý quảng cáo để tiếp tục tăng trưởng”, ông Quý nói.

Trong khi đó các công ty công nghệ ở các lĩnh vực khác còn khá non trẻ, cần thời gian để phát triển. Điển hình như lĩnh vực cung cấp giải pháp phần mềm như dịch vụ cho doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc Tiếp thị Haravan, có 3 chỉ số quan trọng đối với mô hình này là người dùng, doanh thu định kỳ hằng tháng và doanh số.

Không chỉ riêng Việt Nam, đây cũng là bức tranh chung của các công ty công nghệ ở Đông Nam Á. Cho đến nay Sea Group, đơn vị sở hữu Shopee, Airpay và công ty phát hành game Garena, là công ty công nghệ hiếm hoi đại diện cho khu vực niêm yết trên sàn chứng khoán.

Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư Do Ventures, cho rằng dùng điều kiện lên sàn để đo lường một công ty công nghệ thành công là chưa chính xác ở Việt Nam vì hiện có rất nhiều công ty thỏa mãn điều kiện niêm yết nhưng họ chưa thực hiện. VNG là một điển hình. Ngành công nghệ ở Việt Nam chỉ mới phát triển 15 năm trở lại đây nên cần thời gian nuôi dưỡng. “Tôi kỳ vọng các cái tên tiếp theo niêm yết sẽ là các công ty công nghệ trong lĩnh vực tài chính, bán lẻ ứng dụng công nghệ hoặc dịch vụ cho doanh nghiệp”, bà Vy nói.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới