“Gtel không mất đồng nào để có Gmobile”

Trong buổi phỏng vấn hôm nay 7/1 với VnEconomy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Viễn thông Di động Toàn cầu (Gtel Mobile), ông Nguyễn Văn Dư, cho biết trong quá trình xây dựng và phát triển mạng di động Beeline Việt Nam, Gtel Mobile đã thực hiện thành công chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, đó là không được bỏ tiền mặt đầu tư vào liên doanh trong bất cứ hoàn cảnh nào.
"Đến ngày hôm nay, chúng tôi vẫn chưa sử dụng một đồng vốn nào của Nhà nước mà đã có tài sản giá trị lớn và đóng góp vào ngân sách hàng trăm tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Đó là thành công mà tôi nghĩ không phải doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nào cũng làm được, đặc biệt là trong lĩnh vực viễn thông", ông cho biế.
Khi được hỏi vì sao tập đoàn VimpelCom lại rút vốn khỏi liên doanh, ông Dư cho biết nhiều yếu tố tác động, trong đó 4 vấn đề chính.
Thứ nhất, chính sách Việt Nam không cho phép phía nước ngoài sở hữu cổ phần đa số trong liên doanh. Trong khi phía đối tác nhận thấy họ đã đổ vào khoảng nửa tỷ USD nhưng lại không được chủ động như ý muốn.
Thứ hai, đó là bối cảnh năm 2011, khủng hoảng tài chính lan rộng khắp châu Âu. Giá cổ phiếu công ty mẹ đi xuống, nên họ cũng khó khăn trong huy động vốn.
Thứ ba, do việc tái cơ cấu chiến lược hoạt động kinh doanh của công ty mẹ là tập trung vào thị trường có khả năng doanh thu và mang lại lợi nhuận cao, trong khi thị trường viễn thông Việt Nam đang cạnh tranh khốc liệt.
Và cuối cùng là tần số Gtel Mobile được cấp không đủ cạnh tranh với các nhà mạng khác.
Nhìn tổng quát lại, tuy việc rút khỏi liên doanh của đối tác nước ngoài là đáng tiếc, nhưng phía Việt Nam cũng đã chủ động đề phòng các tình huống khó khăn về vốn ngay khi thành lập liên doanh, làm chủ trong quản trị doanh nghiệp, không để xảy ra các rủi ro pháp lý, cũng như không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư nước ngoài và quan hệ đối ngoại của đất nước.
Về khoản tiền 45 triệu USD trả cho phía VimpelCom để mua lại 49% cổ phần, ông Dự cho biết đây là số tiền còn lại trong khoản 196 triệu USD của lần tăng vốn đợt 2, khi phía đối tác mua thêm 9% cổ phần của liên doanh. Phần còn lại, công ty đã sử dụng để trả các khoản nợ trong giai đoạn còn liên doanh và tối ưu để tiếp tục đầu tư triển khai phát triển mạng, ra mắt thương hiệu mới…, cùng các hoạt động khác trong suốt hơn nửa năm vừa qua.
Nhận định về kết quả kinh doanh bước đầu của Gtel Mobile như thế nào kể từ sau khi phía nước ngoài rút khỏi liên doanh, vị tổng giám đốc này cho biết kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bước đầu đã có phát triển đáng khích lệ và tốt hơn kể từ khi phía Việt Nam vào trực tiếp điều hành. Doanh thu của năm 2012 gấp hơn hai lần năm trước, hiệu quả kinh doanh khá tốt.
Khi nói về thất bại của Beeline tại thị trường Việt Nam, ông Dư cho rằng trong giai đoạn còn liên doanh, Beeline đã cho triển khai ồ ạt, tập trung làm thương hiệu và chưa chú trọng đến hiệu quả tất yếu là hiệu quả kinh doanh thấp, lỗ rất lớn.
Sau khi phía Việt Nam tiếp quản điều hành, đã điều chỉnh chiến lược kinh doanh, đề cao tính hiệu quả, hiện nay công ty đã gần đạt điểm cân bằng thu chi; dòng tiền vẫn đảm bảo cho công ty hoạt động lành mạnh, quyền lợi người lao động được đảm bảo, mức lương tương đối cao; năm 2012 vẫn đảm bảo có lương tháng 13.
Nguồn Vneconomy
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
