Hủy
Công Nghệ

Những mô hình "Uber cho hàng xách tay"

Khánh Đoan Thứ Tư | 14/09/2016 08:30

Tại sao lại uổng phí không xài suất gửi hành lý miễn phí được cấp, trong khi bạn có thể vận chuyển hàng giùm người khác và nhận hàng trăm USD?
 

Cách đây 2 tuần, Gulliver đã có chuyến bay đến California. Thẻ tín dụng cho phép anh check-in miễn phí ký gửi một túi hành lý, nhưng vì không mang quần áo cồng kềnh, nên anh không ký gửi hành lý mà xách tay. Tuy nhiên, trong một thời đại mà các hãng hàng không không bỏ qua cơ hội tính phí gửi hành lý, sẽ rất uổng phí khi không xài suất gửi hành lý miễn phí được cấp. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi biết rằng có một ứng dụng cho phép người đi máy bay tận dụng được suất gửi hành lý miễn phí này và có thể kiếm tiền từ nó. 

Lấy ví dụ từ Grabr, một startup ở San Francisco với 50.000 người sử dụng, vừa huy động được 3,5 triệu USD từ các nhà đầu tư, trong đó có một quỹ chính phủ Nga. Nếu một hành khách thấy vẫn còn dư chỗ để nhét thêm hành lý, Grabr sẽ tìm xem liệu có ai trong thành phố họ bay đến muốn mua một món hàng ở thành phố mà người đó xuất phát. Trường hợp tìm được, ứng dụng có thể đứng ra dàn xếp giao dịch đổi lấy một khoản phí giao hàng.

Những yêu cầu trên Grabr đa dạng về địa lý, loại hình và thù lao. Chẳng hạn, mang một chiếc đồng hồ Citizen sang cho một khách hàng ở TP.HCM, người vận chuyển có thể kiếm được 5 USD. Một người ở Munich không thích chất lượng cà phê ở đó sẽ sẵn sàng trả 15 USD để ai đó mang đến cho anh ta một hộp cà phê hạt Blue Bottle của San Francisco. Một người khách ở Cairo thích một chiếc Apple Macbook Pro ở Dubai và sẵn sàng trả 100 USD để người vận chuyển mang nó đến cho anh ta.

Trong khi đó, Airmule, đối thủ của Grabr, lại đưa ra các mức phí chuẩn trong việc giao hàng: 40 USD cho những kiện hàng nặng tới 2,3 kg, hoặc 60 USD nếu người giao hàng rời đi trong vòng 48 tiếng đồng hồ, cộng thêm mức phí 5 USD nếu người đó phải đến tận nơi để nhận gói hàng cần giao.

Những ứng dụng này cũng gặp một số trở ngại, đặc biệt liên quan đến yếu tố pháp luật. Chính sách của Mỹ, chẳng hạn, không cấm người đi máy bay mang theo đồ của một người khác, nhưng nếu món đồ đó hóa ra là bất hợp pháp thì người vận chuyển món hàng có thể bị phạt. Grabr tránh rắc rối này bằng cách yêu cầu người vận chuyển món đồ phải làm luôn việc mua và đóng gói. Với Airmule, hàng hóa được người gửi đóng gói trước đó. Một nhà sáng lập Airmule nói với Lonely Planet rằng “những món hàng rơi vào diện bị kiểm soát thì không được phép vận chuyển”, nhưng điều đó không hoàn toàn trấn an người vận chuyển hàng.  Tuy nhiên, người gửi cũng đăng hình ảnh của món hàng trước khi đóng gói và cung cấp thông tin thẻ tín dụng và địa chỉ của mình. 

Dẫu vậy, vẫn còn vấn đề về những quy định hạn chế của một số nước đối với hàng nhập khẩu. Một người mang thịt dăm bông Serrano từ Tây Ban Nhà sang Mỹ sẽ gặp rắc rồi vì quy định hạn chế nhập khẩu loại thịt này. Các ứng dụng cho phép bạn ở nhà một người lạ khi nơi đó không có người ở (dịch vụ Airbnb) hay cho thuê xe của một ai đó khi xe không sử dụng (Getaround) hay thuê quần áo của ai đó khi họ không mặc (StyleLend)... Có nhiều ý tưởng lạ tương tự và hoàn toàn có lý khi tạo ra một ứng dụng để cho thuê phần diện tích trống trong hành lý, đặc biệt khi phần diện tích trống này đang trở thành một “món hàng” có giá trị.

Khánh Đoan

Nguồn The Economist


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới