Hủy
Công Nghệ

Startup và tác động sâu rộng đến văn hóa làm công ăn lương tại Nhật

Nguyên Hồ Thứ Năm | 29/02/2024 16:53

Các công ty khởi nghiệp cũng đang ngày càng nới rộng khoảng cách lương giữa họ và các công ty truyền thống. Ảnh: Getty Images.

Đối với nhiều lao động Nhật, ở lại các công ty lớn truyền thống quá lâu sẽ khó đạt được những kỹ năng cần thiết để xây dựng sự nghiệp.
 

Kể từ năm 2021, khi COVID-19 bùng nổ, doanh nghiệp Nhật đã phải đối mặt với nhiều thay đổi, không chỉ trong bối cảnh kinh doanh mà còn cả văn hóa nơi làm việc. Những công ty kiên định nhất, nơi truyền thống, phương thức làm việc và kỳ vọng nghề nghiệp hầu như không thay đổi trong nhiều thập kỷ, giờ đây buộc phải thích ứng với xu hướng làm việc tại nhà, họp từ xa,...

Tại bộ phận người lao động trẻ tuổi, những ý tưởng mới đang được thành hình với tốc độ chóng mặt. Trước bối cảnh giảm phát, lương bổng trì trệ, họ giờ đây chú trọng hơn vào việc công ty nên đưa ra chính sách khen thưởng, động viên thỏa đáng đồng thời tạo cơ hội thăng tiến nhanh chóng.

 

Trong bối cảnh đó, theo Hiệp hội Đầu tư mạo hiểm Nhật (JVA), vào cuối năm 2021, hơn 1/5 số người chuyển đổi công việc từ các công ty lớn ở Nhật là để tham gia vào các công ty khởi nghiệp, so với 8% vào năm 2018. Tỉ lệ đó đang tiếp tục hướng về mốc 25%, theo các thành viên JVCA. 

“Tôi không nghĩ nhiều công ty Nhật nhận ra điều gì đang xảy ra”, một nhân viên 26 tuổi, đang đàm phán để chuyển từ một trong những ngân hàng lớn nhất Nhật sang làm việc tại startup công nghệ, cho biết. “Đối với nhiều người cùng lứa tuổi với tôi, các công ty khởi nghiệp đang cung cấp một môi trường làm việc thay thế, vẫn còn rất nhiều áp lực, nhưng lại là kiểu áp lực mà họ mong muốn", nhân viên trên chia sẻ.

Theo các công ty đầu tư mạo hiểm và chính các startup, sự thay đổi về mặt xã hội, kinh tế và tâm lý đang ngày càng hiện hữu ở Nhật kể từ những năm 1980. Điều quan trọng là, các doanh nghiệp mới của Nhật không chỉ là những thỏi nam châm nhân tài, mà cách họ tái cơ cấu lại môi trường nội bộ cũng đang đặt ra nhiều thách thức trực tiếp cho các công ty lớn.

“Thị trường khởi nghiệp Nhật có lẽ là một trong những thị trường bị hiểu lầm nhiều nhất trên thế giới”, ông James Riney, Giám đốc Điều hành của công ty đầu tư mạo hiểm Coral Capital có trụ sở tại Tokyo, cho biết đầu tư vào các công ty khởi nghiệp ở Nhật đã tăng khoảng 10 lần trong 9 năm qua, thu hút một số công nhân tài năng nhất đất nước.

Ông nói thêm: “Sự hỗ trợ về mặt pháp lý, tài chính và tiếng nói của chính phủ Nhật không chỉ giúp việc khởi nghiệp trở nên dễ dàng hơn mà còn trở nên phổ biến”.

Nhưng sự hỗ trợ của chính phủ chỉ là một trong nhiều yếu tố đằng sau sự thay đổi của thị trường lao động, theo bà Kathy Matsui, đồng sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm MPower Partners có trụ sở tại Tokyo.

“Một số cá nhân tại các công ty lớn của Nhật sẽ nhìn thấy trước được con đường thăng tiến cũng như gói lương thưởng. Ngày càng có nhiều người nói "điều đó ổn, nhưng nó không tuyệt vời". Trong khi đó, tại các startup, họ có thể ngay lập tức hoặc rất nhanh chóng nắm giữ một vị trí quan trọng và có tác động đến doanh nghiệp có khả năng mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều”, bà Matsui nói.

Genesis Healthcare là một ví dụ. Giám đốc Tài chính của công ty nghiên cứu và xét nghiệm di truyền có trụ sở tại Tokyo trước đây từng làm việc tại Nomura và một thành viên khác trong nhóm điều hành cấp cao của công ty này đến từ Ngân hàng Mitsubishi. Vai trò của họ tại Genesis mang lại cho họ tầm ảnh hưởng lớn hơn đến tương lai của Công ty so với những gì họ có thể có ở một ngân hàng lớn.

 

Theo JVCA, các công ty khởi nghiệp đang ngày càng nới rộng khoảng cách lương giữa họ và các công ty truyền thống. Theo đó, mức lương trung bình ở các công ty khởi nghiệp vào năm 2022 cao hơn 580.000 yen so với các công ty niêm yết lớn. Trong khi 2 năm trước đó,  mức chênh lệch là 90.000 yen.

Thị trường lao động thắt chặt thường xuyên của Nhật, một đặc điểm của nhân khẩu học có tỉ lệ sinh thấp và dân số trong độ tuổi lao động đang thu hẹp, thực chất đã giúp giảm bớt rủi ro khi tham gia các công ty khởi nghiệp. Bà Matsui nói thêm: “Tất nhiên sẽ có rủi ro khi bỏ lại những điều có thể dự đoán, nhưng ngày nay, nếu trải nghiệm tại startup của bạn không như ý, bạn luôn có thể quay trở lại công ty lớn”.

Đối với nhiều lao động trẻ Nhật, nếu ở lại các công ty lớn, truyền thống của Nhật quá lâu, họ có thể không đạt được những kỹ năng cần thiết để xây dựng sự nghiệp trong một thế giới ngày càng được xác định bởi tốc độ thay đổi công nghệ nhanh chóng.

Có thể bạn quan tâm: 

Vì sao chuỗi bán lẻ Costco lại được yêu thích?

Nguồn FT


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới