Sự thật việc Việt Nam tụt hạng về gia công phần mềm
Theo báo cáo về 100 Thành phố hấp dẫn nhất thế giới về gia công phần mềm vừa được Công ty tư vấn Tholons công bố, năm nay, TP.HCM chỉ đứng ở vị trí số 17, trong khi Hà Nội ở vị trí 21. So với năm 2009, cả hai đại diện của Việt Nam đều tụt hạng khá nhiều (lần lượt tụt 12 và 11 bậc).
Mặc dù vậy, Tholons vẫn đánh giá tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia mạnh về cung cấp dịch vụ thuê ngoài CNTT, có tiềm năng thay thế các cường quốc gia công như Trung Quốc và Ấn Độ.
Về nguyên nhân tụt hạng, trả lời phỏng vấn VietNamNet, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho rằng, điều này không có nghĩa là gia công phần mềm của Việt Nam không phát triển. Theo ông, Việt Nam tụt hạng chủ yếu do các nước khác cũng nỗ lực và tiến nhanh hơn, do đó, đây là thách thức lớn cho Việt Nam.
Ông cho rằng, thị trường outsource Việt Nam có giá tốt nhất trên thế giới, nhưng lại thiếu nguồn nhân lực gia công. Trong khi một thành phố của những quốc gia outsource hàng đầu đào tạo được 3 vạn nhân lực mới mỗi năm, thì Việt Nam chỉ có đầu ra 4000 người/năm.
Về tình hình thực tế của công nghiệp phần mềm, dịch vụ CNTT nội hiện nay, ông Bình nói: "Bên cạnh yếu tố vĩ mô là kinh tế khó khăn, thì bản thân nhiều công ty đang khó khăn, thậm chí phá sản là vì họ không có sức cạnh tranh. Chi phí cao, giá thành cao, khả năng thích ứng lại chưa tốt".
Tuy nhiên, theo ông, những doanh nghiệp nằm trong khối xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng trưởng, vì họ có năng lực cạnh tranh thực tế trong lĩnh vực gia công phần mềm, trong khi những doanh nghiệp làm dịch vụ vẫn có cơ hội tăng trưởng. Chỉ những doanh nghiệp liên quan đến phần cứng, bán lẻ mới gặp nhiều khó khăn.
Nguồn VietNamNet
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư