Tham vọng xây dựng thế hệ thần tượng ảo của K-pop
Đầu năm 2023, Tập đoàn giải trí Metaverse Entertainment của Hàn Quốc công bố dự án nhóm nhạc nữ ảo đầu tiên của họ với tên gọi MAVE. Ảnh: Metaverse Entertainment.
Thời gian qua tại Hàn Quốc, nhờ sự phát triển của công nghệ thực tế hỗn hợp cũng như mối quan tâm dành cho các nền tảng metaverse, những nhân vật giải trí được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng chiếm ưu thế trong nền âm nhạc.
Thật ra từ năm 1998, ca sĩ ảo đầu tiên mang tên Adam đã ra mắt làng nhạc xứ kim chi. Nhưng Adam chỉ tồn tại ngắn ngủi vì chất lượng hình ảnh thấp trong khi chi phí phát triển quá cao. Hai mươi năm sau đó, nhóm nhạc nữ K/DA lấy cảm hứng từ các nhân vật trong trò chơi điện tử cũng được lăng xe nhưng chưa thành công.
Sau những thất bại đầu tiên, các dự án sau đó bắt đầu thu hút được nhiều sự chú ý hơn nhờ cách xây dựng hình ảnh nhân vật siêu thực và nội dung chất lượng hơn. Xu hướng này được cho là sẽ phát triển vươn xa hơn nữa trong bối cảnh các công ty giải trí và công ty công nghệ chuẩn bị ra mắt những thần tượng ảo mới, đồng thời kết hợp với nhiều loại hình giải trí, bao gồm âm nhạc, truyện tranh trực tuyến webtoon, trò chơi điện tử và thời trang.
Những người sáng tạo của MAVE và nhân vật trong ngành giải trí rất lạc quan về tiềm năng của họ. Ảnh: Metaverse Entertainment. |
Đầu năm 2023, Tập đoàn giải trí Metaverse Entertainment của Hàn Quốc công bố dự án nhóm nhạc nữ ảo đầu tiên của họ với tên gọi MAVE, viết tắt của “Make New Wave”, hay “Tạo ra làn sóng mới”. Thoạt nhìn, MAVE giống như bất kỳ nhóm nhạc thần tượng nào khác, ngoại trừ việc họ chỉ là sản phẩm trực tuyến.
Bốn thành viên Siu, Zena, Tyra và Marty sống trong metaverse. Bài hát, vũ đạo, giao lưu với người hâm mộ, trả lời phỏng vấn hay thậm chí là kiểu tóc của họ đều do các nhà thiết kế web và AI làm ra.
Sau hai tháng, video đầu tay của bộ tứ MAVE đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi với gần 20 triệu lượt xem trên nền tảng Youtube. Nhóm này đã hai lần biểu diễn tại chương trình âm nhạc của đài MBC và đã tạo ra các thử thách vũ đạo trên các nền tảng mạng xã hội, trong đó có cả TikTok.
Nhóm nhạc nữ ảo này đã mang đến cái nhìn ban đầu về cách vũ trụ ảo có thể tiến hóa khi ngành giải trí và công nghệ ở Hàn Quốc bắt tay hợp tác trong lĩnh vực non trẻ này. Với sự hỗ trợ của bộ tạo giọng nói AI, bốn thành viên MAVE có thể nói bốn thứ tiếng Hàn, Anh, Pháp và Indonesia. Nhưng họ không thể chủ động nói mà phải dựa theo các kịch bản do con người chuẩn bị.
Với các ông trùm K-pop, lợi thế của thần tượng ảo là rất đáng để đầu tư: Họ không bị đào thải bởi tuổi tác, không dính scandal và luôn làm bất cứ điều gì theo lời của người điều khiển. Còn với những nghệ sĩ thật sự đang nỗ lực tập luyện, việc ra đời của thần tượng ảo khiến họ cảm thấy bị đối xử bất công.
Có thể bạn quan tâm:
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư