Hủy
Công Nghệ

Thăng bằng trên vai người khổng lồ

Trung Nguyên Thứ Ba | 26/10/2021 07:30

Cũng như Cốc Cốc, nhiều doanh nghiệp lựa chọn phương án kinh doanh dựa trên nền tảng của doanh nghiệp khác. Ảnh: QH

Bài học đầu tư để làm chủ được các công nghệ lõi, tránh bị động trong cuộc chiến độc quyền.
 

Cách đây 2 tuần, bà Đào Thu Phương (người vừa rời vị trí Phó Tổng Giám đốc Điều hành Cốc Cốc vào ngày 20/10) đã gây chú ý trong giới công nghệ khi tố bị Google và Apple chèn ép ngay tại sân nhà Việt Nam. Bà Phương cho biết mặc dù tuân thủ các quy định toàn cầu của Google và Apple, nhưng Cốc Cốc - một trình duyệt hoạt động chủ yếu ở Việt Nam với khoảng 25 triệu người dùng thường xuyên - vẫn bị yêu cầu gỡ bỏ các tính năng giải trí và quảng cáo. Theo bà Phương, tính năng giải trí này của Cốc Cốc có thể liên quan và ảnh hưởng tới YouTube, một nền tảng video của Google.

Bài học ngàn tỉ

Việc bị chèn ép như thế này không mới, nó thường xuyên diễn ra khi các doanh nghiệp kinh doanh phụ thuộc vào các nền tảng bên ngoài, như Cốc Cốc. “Đây không phải là lần đầu và chắc chắn sẽ không phải là lần cuối Google có động thái cạnh tranh không lành mạnh với Cốc Cốc”, phía Cốc Cốc cho biết.

Cũng như Cốc Cốc, nhiều doanh nghiệp lựa chọn phương án kinh doanh dựa trên nền tảng của doanh nghiệp khác. Điển hình là Yeah1 của Việt Nam, một công ty rất được giới trẻ ưa thích với những nội dung bắt kịp các xu hướng mới và phát trên YouTube. Yeah1 có gần 7 triệu lượt xem mỗi tháng, lợi nhuận gần 200 tỉ đồng; 90% doanh thu đến từ các hoạt động trên YouTube. Đột ngột tháng 3/2019, Yeah1 bị khóa toàn bộ tài khoản với thông báo vi phạm chính sách từ YouTube. Từ đó, cổ phiếu YEG của Yeah1 bốc hơi 3.000 tỉ đồng sau 10 ngày bị YouTube khóa tài khoản, kéo dài thua lỗ triền miên cho đến hiện nay. Sau 2 năm, Chủ tịch Yeah1, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cũng phải thừa nhận: “Sau sự cố với YouTube đã có được một bài học rất lớn, bài học mà Yeah1 phải bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng để nhận lại”.

 

Kinh doanh dựa trên nền tảng bên ngoài nghĩa là doanh nghiệp không còn tự quyết được số phận kinh doanh của chính mình, mà phải chơi theo luật chơi do các nền tảng đặt ra. Nhưng tại sao các doanh nghiệp vẫn thích sử dụng nền tảng bên ngoài dù có quá nhiều bài học đau đớn? Thứ nhất là để tiết kiệm nguồn lực, tiết kiệm thời gian, tận dụng được công sức và công nghệ sẵn có của các nền tảng. Các nền tảng tạo ra vô số tiện ích, công cụ miễn phí để hỗ trợ những doanh nghiệp mới. Chỉ vài click là doanh nghiệp có ngay một trang trên Facebook, một kênh trên YouTube, có chatbot chăm sóc khách hàng tự động... 

Thứ 2 là bởi các nền tảng có một lượng người dùng khổng lồ. Lượng người dùng khổng lồ này sinh ra vô số lợi ích to lớn nếu biết cách khai thác. Thế nên, hầu như doanh nghiệp nào cũng phải có một trang Facebook hay một kênh YouTube. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp mới thành lập còn không thèm lập trang web riêng, mọi thứ cho lên hết nền tảng. Những tiện lợi này khiến các doanh nghiệp lao vào mà không nghĩ đến những hệ lụy về sau.

Cốc Cốc có mã nguồn là phần mềm mã nguồn mở Chromium của Google. Cốc Cốc chỉnh sửa, thêm vào các tính năng tiện ích, giải trí để thành sản phẩm của mình. Thành thử, việc họ bị Google chèn ép cũng là điều dễ hiểu. Không chỉ Cốc Cốc, mà các trình duyệt dựa trên Chromium như Opera hay Vivaldi cũng bị chèn ép tương tự.

Tìm đường tự chủ

Kinh doanh phụ thuộc vào nền tảng của các doanh nghiệp khác chỉ phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập. Còn muốn vững mạnh trường tồn phải tìm cách tự chủ. Yeah1 quá phụ thuộc vào YouTube với 90% doanh thu đến từ đây nên họ gần như không gượng dậy được sau khi bị cấm. Đến nay, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cho biết: “2 năm qua, Yeah1 đã tập trung mọi nguồn lực xây dựng một nền tảng mới. Và dĩ nhiên, không bữa trưa nào miễn phí, Yeah1 phải bỏ ra nhiều tiền để xây dựng”.

 

Nhiều doanh nghiệp nhìn xa trông rộng xác định luôn để vững mạnh trường tồn thì phải đứng trên đôi chân của chính mình, tạo ra nền tảng của riêng mình, không cần phụ thuộc vào ai.

Alibaba là một ví dụ. Khi mới thành lập, Alibaba đã phải rất chật vật trong việc thu hút lượt truy cập. Trong thời điểm khó khăn đó, Jack Ma, ông chủ Alibaba, lại đưa ra một quyết định rất khác thường: Chặn Baidu (được ví như Google của Trung Quốc), tìm kiếm trên Alibaba. Thay vào đó, họ tự phát triển công cụ tìm kiếm riêng. Lúc ấy, Alibaba đã phải nhịn đau giảm một lượng lớn khách hàng mua sắm tiềm năng cộng với chi phí tốn kém khi xây dựng thuật toán tìm kiếm mới. Nhưng qua thời gian đầu khó khăn, sau đó không dựa vào bất kỳ nền tảng bên ngoài nào, Alibaba giờ đã hoàn toàn kiểm soát cộng đồng mua sắm của mình, toàn quyền giao dịch, buôn bán và cả quảng cáo với cộng đồng người dùng Alibaba. 

Trong cuộc phát triển của công nghệ số, nhiều nền tảng công nghệ mở được giới thiệu, giúp doanh nghiệp hạn chế được chi phí bản quyền, rút ngắn thời gian phát triển sản phẩm. Tuy nhiên, những người khổng lồ như YouTube, Google, Facebook... sẽ tiếp tục giữ độc quyền về công nghệ, nền tảng. Điều đó cho thấy, doanh nghiệp muốn xác định phát triển lâu dài và bền vững, đều phải tự đầu tư xây dựng một nền tảng tổng thể để làm chủ được các công nghệ lõi, tránh phụ thuộc quá lớn vào yếu tố bên ngoài. Hướng đi này sẽ thuận lợi hơn nếu nhận được hỗ trợ từ chính sách, từ hệ sinh thái công nghệ trong nước.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới