Từ khóa gọi vốn của startup
Ba nhà sáng lập Alternō. Ảnh: TL.
Những xu hướng mới
Prep, nền tảng luyện thi và học ngôn ngữ, tiếp tục chứng minh Edtech ở Việt Nam vẫn hấp dẫn với các nhà đầu tư khi vừa hoàn thành vòng gọi vốn Series A trị giá 7 triệu USD từ Northstar Ventures và công ty quản lý tài sản toàn cầu Cercano Manaement Aisa.
Trước đó là NativeX, một Edtech khác huy động được 4 triệu USD. Ngoài ra còn có các công ty như Happynest (nền tảng kết nối người mua và kiến trúc sư, nhà thiết kế nội thất), CNV, Alternō, ScaleUp, 1Long. Dù thuộc các lĩnh vực khác nhau, nhưng điểm chung của các công ty này là đều gọi ở vòng hạt giống hoặc thấp hơn, với quy mô phần lớn dưới 2 triệu USD.
Theo Tracxn, tổng số vốn tài trợ cho vòng hạt giống ở Việt Nam trong quý I/2024 (tính đến ngày 15/3) là 4,5 triệu USD, thấp hơn 29% so với quý IV/2023. Tổng số tiền các công ty công nghệ Việt Nam huy động được trong quý I/2024 là 35,7 triệu USD, trong đó phần lớn đến từ thương vụ đầu tư trị giá 31,2 triệu USD của Be Group.
Sự sụt giảm dòng vốn vào các công ty công nghệ Việt Nam không khó hiểu khi đây là tình hình chung trên toàn cầu. Theo Crunchbase, tổng số vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp trong quý vừa qua là 66 tỉ USD, giảm 20% so với quý I/2023 cho thấy nhà đầu tư vẫn giữ thái độ thận trọng.
Chăm sóc sức khỏe - công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo (A.I) là 2 ngành thu hút nhiều đầu tư nhất trong 3 tháng đầu năm 2024 với 15,7 tỉ USD và 11,4 tỉ USD, chiếm lần lượt 24% và 17% tổng nguồn vốn toàn cầu. Việt Nam ngược chiều so với xu hướng toàn cầu khi công nghệ giáo dục (Edtech) tiếp tục nhận được sự thu hút của nhà đầu tư bằng chứng là Edtech Prep, NativeX.
Có 2 lý do. Thứ nhất, đây là một trong số hiếm ngành ít chịu ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế do giáo dục luôn là ưu tiên hàng đầu của cha mẹ người Việt đối với con cái. Thứ 2, khoảng cách về chất lượng giáo dục, đặc biệt là bộ môn tiếng Anh, giữa các thành phố lớn và các đô thị vẫn là một vấn đề chỉ được giải quyết bằng việc học online nên nhu cầu vẫn còn rất lớn.
Năm nay cũng chứng kiến 2 xu hướng mới trong dòng vốn chảy vào các startup Việt Nam là ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và blockchain. Trong ESG, dẫn đầu là Touchstone Partners với thương vụ đầu tư vào Alternō. Trước Alternō, Touchstone cũng đã đầu tư vào các công ty hướng đến giải pháp xanh như Selex (xe điện), Stride (năng lượng mặt trời).
Theo báo cáo Khảo sát các nhà đầu tư toàn cầu của PwC, hơn 75% đã xác định tiềm năng hoặc quyết định đầu tư vào các doanh nghiệp tập trung vào ESG. Cuối cùng là vốn vào các startup blockchain. Điển hình là quỹ Ecosystem Fund trị giá 25 triệu USD của Ninety Eight ra mắt hồi năm ngoái.
Điều này bắt nguồn từ việc dòng vốn vào các startup blockchain trên toàn cầu đang quay trở lại. Theo website coinpedia, quý I/2024 đã có 2,4 tỉ USD đổ vào lĩnh vực này, mức tăng đáng kể so với con số 1,3 tỉ USD cùng kỳ năm ngoái. Số lượng dự án nhận được tài trợ đã tăng hơn 40%, cao nhất kể từ quý IV/2023. Điều này cho thấy nguồn vốn đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực tiền điện tử đang có xu hướng đi lên.
Công thức gọi vốn thành công
“Chúng tôi có những thành tích kinh doanh nhất định trước khi vào vòng đàm phán”, ông Nguyễn Tuấn Phú, sáng lập CNV, nói với NCĐT.Cụ thể, trước khi tiếp cận Wavemaker Partners, giải pháp chăm sóc khách hàng của công ty tích hợp trên Zalo đã tạo ra được hơn 95.000 đơn hàng, đem về 30 triệu USD doanh số cho các doanh nghiệp khách hàng trong năm 2023.
Theo ông Phú, từ kinh nghiệm gọi vốn của CNV, đây vẫn là thời điểm khó để huy động từ các quỹ đầu tư, nhất là đối với các công ty mà mô hình kinh doanh hay dòng tiền vẫn chưa định hình rõ ràng. Thậm chí, ngay cả lĩnh vực được ưu ái nhất là EdTech, việc tối ưu vẫn đặt lên hàng đầu.
Điển hình như Dream Viet Education, để chuẩn bị cho vòng gọi vốn tiếp theo, Công ty đã ứng dụng A.I, tối ưu quy trình để giảm chi phí và nâng cao năng suất làm việc của nhân viên. Ví dụ, việc quay video, thu âm và vẽ minh họa trước đây tốn tối thiểu 100 triệu đồng/tháng thì việc ứng dụng A.I tạo sinh để thay thế tiết kiệm được chi phí cố định hằng tháng. Công ty cũng tối ưu được chi phí nhân sự hậu kỳ chỉ bằng 1/3 so với trước đây.
Tương tự là Prep, theo thông tin công bố, Prep phát triển các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) độc quyền và tích hợp vào các phòng học viết, nói trực tuyến. Công ty cho biết cách làm này cho phép họ tăng lượng người dùng, đồng thời cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao với mức giá tương đối thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh.
Đối với các công ty công nghệ mới như startup ESG, từ khóa gọi vốn là “giảm thải carbon”. Ngành nông nghiệp ở Đông Nam Á đóng góp 13% lượng khí thải nhà kính. Với thế mạnh về nông nghiệp, Việt Nam là một trong những quốc gia ảnh hưởng nặng bởi biến đổi khí hậu.
“Do đó, việc giúp ngành nông nghiệp chuyển sang phát thải bằng 0 là một yếu tố quan trọng cho sự bền vững của nền kinh tế, xã hội và môi trường. Chúng tôi tập trung đầu tư, hỗ trợ các sản phẩm góp phần chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam”, bà Ngô Thùy Ngọc Tú, Giám đốc Quỹ Touchstone Partners, cho biết khi được hỏi về lý do đầu tư vào Alternō.
Được biết, Alternō là giải pháp lưu trữ năng lượng bằng pin cát phục vụ cho nông nghiệp. Giải pháp của Công ty hiện được cung cấp cho doanh nghiệp ở Khánh Hòa, Bảo Lộc. Alternō đang phát triển các phiên bản công nghiệp của pin cát với công suất lớn từ 250 kWh đến 1,8 MWh nhằm giúp nông trại và các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp tiết kiệm năng lượng đáng kể và giảm phát thải carbon hằng năm.
Đối với các startup Web3, từ khóa huy động vốn là “sản phẩm phù hợp”. Không chia sẻ về số lượng dự án, ông Lê Thanh, Giám đốc Điều hành Ninety Eight, cho biết đã có 5 triệu USD được giải ngân cho các startup có sản phẩm tích hợp vào hệ sinh thái hiện tại của Ninety Eight.
Trong năm 2023, các công ty khởi nghiệp Việt Nam nhận được tổng số vốn đầu tư là 529 triệu USD, giảm 17% so với năm trước. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam giữ vững vị trí thứ ba về số lượng thương vụ đầu tư và giành lại vị trí thứ ba về tổng giá trị đầu tư. Đứng đầu là Singapore, kế đến là Indonesia. Lĩnh vực y tế nhận được số vốn cao kỷ lục, tăng vọt 391% so với cùng kỳ năm trước, trở thành lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất, thứ nhì là Giáo dục với vốn cao nhất từ trước tới nay, tăng 107% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn: báo cáo Đầu Tư Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 của NIC và Do Ventures phát hành |
Có thể bạn quan tâm
Mỹ là một trong những điểm nóng lớn về đổi mới A.I
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư