Ultrabook trước áp lực giám giá
Đặc biệt là các dòng máy tính siêu mỏng đang đứng trước áp lực phải giảm giá để tăng lượng người dùng.
Cơ hội tăng trưởng
Theo thống kê của IDC thì năm 2011 thị trường máy tính toàn cầu đạt 364 triệu máy, đến năm 2016 dự đoán sẽ có đến 529 triệu máy được tiêu thụ, đạt mức tăng trưởng bình quân 7,7%/năm. Dù có sức ép nhưng là tân binh trong thị trường đang tăng trưởng, vẫn có những ý kiến kì vọng cho dòng sản phẩm ngách là Ultrabook này trong tương lai.
Doanh số của các dòng máy Ultrabook như MacBook Air và các thiết bị khác được mong đợi sẽ bùng nổ, theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường NPD thì lượng xuất xưởng của những chiếc máy tính Ultrabook sẽ tăng từ 3,4 triệu vào năm 2011 lên tới 65 triệu trong năm 2015, có nghĩa là tăng trưởng đến hơn 300%/ năm. Tới lúc đó, Ultrabook sẽ chiếm tới một phần tư lượng xuất ra của các sản phẩm máy tính di động.
Asus là một công ty rất coi trọng việc phát triển và liên tục ra mắt các dòng Ultrabook mới với hệ điều hành Windows 8. Dù mới chỉ vào thị trường Việt Nam khoảng hơn 5 năm nhưng Asus đã leo lên vị trí số 1 về lượng máy tính bán ra, công ty này cũng đồng thời nhận được nhiều giải thưởng về các sản phẩm siêu mỏng. Bên cạnh việc phát triển các dòng máy tính xách tay truyền thống, máy tính bảng, Asus chiếm được đến 17,8% thị phần máy tính Việt nhờ vào máy tính cao cấp Ultrabook. Bà Lê Thị Khánh Hà, đại diện truyền thông Asus Việt Nam cho rằng phân khúc sản phẩm Ultrabook vẫn sẽ còn nhiều tiềm năng do đối tượng người dùng di động cần ưu điểm mỏng nhẹ, cơ động ngày một tăng cao. Từ năm 2012 đến nay, Asus đã đưa ra thị trường khoảng 9 dòng Ultrabook và tiếp tục có kế hoạch tung tiếp những dòng mới trong năm nay.
Một trường hợp khác, đó là Lenovo, hãng này bỏ qua xu hướng phát triển của máy tính bảng, smartphone và kiên trì với dòng máy tính xách tay, điều này góp phần khiến cho họ có mặt trong top 5 nhà sản xuất máy tính lớn nhất Việt Nam. Ông Nguyễn Minh Sơn, Tổng giám đốc của Lenovo Việt Nam cho biết “Chúng tôi xác định rằng, PC chính là nền tảng trung tâm cho thế giới số của hàng triệu người dùng và doanh nghiệp, và là “trái tim” của một hệ sinh thái các thiết bị thông minh”. Nói là làm, Lenovo chú trọng cho ra đời những dòng máy tính cao cấp Ultrabook cấu hình mạnh, ngoại hình lai máy tính bảng, mỏng nhẹ.
Những sản phẩm máy tính siêu mỏng này có ưu thế là vẫn đáp ứng được yêu cầu về xử lý công việc cũng như việc mỏng, nhẹ dễ dàng di chuyển. Chúng được coi là sản phẩm kết hợp được tính năng làm việc của một chiếc laptop thông thường và giải trí của một chiếc máy tính bảng. Tuy nhiên, đối với những người không có nhiều tiền thì việc chọn lựa một chiếc máy tính thông thường thay thế cho một chiếc Ultrabook là khá khả dĩ.
Nhưng phải giảm giá
Rõ ràng là những dòng máy tính Ultrabook đang chịu sự cạnh tranh rất lớn từ các dòng máy tính bảng, smartphone giá rẻ đang tràn ngập thị trường. Thực tế, chỉ cần thêm một bàn phím nhỏ, các máy tính bảng hoặc smartphone cỡ lớn cũng có thể trở thành một chiếc máy tính, do vậy, Ultrabook phải chịu sức ép rất lớn. Máy tính Ultrabook vẫn được ví von là dòng máy tính dành cho nhà giàu, trong thời điểm kinh tế khó khăn này, làm sao để phát triển?
Theo bà Phan Thị Hoàng Yến, chuyên viên phân tích thị trường thiết bị người dùng của IDC Việt Nam thì "Trong năm 2013, giá của các dòng Ultrabook sẽ cần phải giảm hơn nữa để cạnh tranh với máy tính bảng và smartphone đang có giá rất hấp dẫn”.
Sau khi Apple hạ giá mạnh dòng MacBook Air và thị trường có những dòng máy tính bảng, smartphone giá rẻ thì các nhà sản xuất máy tính cũng lập tức có động thái giảm giá các dòng Ultrabook. Theo đó, từ mức giá thấp nhất cũng hơn 2.000 USD khi mới trình làng, nhiều dòng máy Ultrabook hiện nay đã có các mức giá dễ chịu hơn, dao động khoảng 600- 700 USD như của Lenovo, Sony, Toshiba… Hai nhà sản xuất máy tính lớn của Đài Loan là Acer và Compal Electronics đã lên tiếng khẳng định rằng nếu Intel không hạ giá vi xử lý cho dòng Ultrabook thì nhiều khả năng sẽ không thành công khi các nhà sản xuất phải cạnh tranh với các sản phẩm từ Apple.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thương, Trưởng ngành hàng máy tính của Thế Giới Di Động cho biết sức mua đối với những dòng máy Ultra không cao, Thế Giới Di Động có rất ít dòng này và chủ yếu là bán online. Bà Thương cho biết thêm “Gần 90% lượng máy tính bán ra tại Thế Giới Di Động có mức giá thấp hơn 16 triệu đồng, các dòng Ultra giá quá cao nên không được tiêu thụ mạnh. Thời gian tới, Thế Giới Di Động cũng định hướng tiếp tục phát triển mảng máy tính có giá bình dân”.
Cùng chung ý kiến, bà Hoàng Ngọc Vy, Tổng giam đốc Viễn Thông A cũng cho rằng giá các dòng Ultrabook quá cao nên sức mua yếu. Bà Vy cũng cho rằng nếu như không giảm giá, phân khúc này rất khó phát triển.
Xem ra, nếu không tiếp tục có những đột phá về giá bán, khó khăn vẫn còn đó với dòng máy tính cao cấp này, bà Yến, IDC cho rằng các nhà cung cấp máy tính và các kênh phân phối đang phải tiếp tục đối mặt với hàng tồn kho cao do sức mua vẫn còn suy yếu. Mặc dù việc bán kèm Windows 8 đã giúp đẩy những dòng máy Ultrabook mới với giá cả cạnh tranh, nhưng người tiêu dùng vẫn chuộng các loại máy tính bảng và smartphone hơn.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Hằng Thanh