Vượt gần 1200 đối thủ, startup giáo dục của người Việt chiến thắng tại SXSWedu
Vào chiều tối ngày 9/3 vừa qua (theo giờ bang Texas của Mỹ), đã diễn ra vòng chung kết cuộc thi khởi nghiệp công nghệ giáo dục (edtech) mang tên Launch. Cuộc thi này nằm trong khuôn khổ chuỗi hội thảo giáo dục hàng đầu nước Mỹ là SXSWedu, được tổ chức ở thành phố Austin, thủ phủ bang Texas. Từ gần 1.200 startup đăng ký tham dự, ban giảm khảo đã chọn ra nhà vô địch cuộc thi là startup Elsa, với ứng dụng Elsa Speak chuyên dạy phát âm tiếng Anh đúng chuẩn thông qua công nghệ nhận dạng giọng nói.
Elsa được thành lập vào năm 2015, bởi 2 cô gái Việt Nam là Văn Đinh Hồng Vũ (CEO) và Ngô Thùy Ngọc Tú (giám đốc sản phẩm – CPO), cùng với người bạn Tây Ban Nha là tiến sĩ Xavier Anguera (giám đốc kỹ thuật – CTO). Được biết, Elsa là startup đầu tiên của người Việt được vào tới vòng chung kết của cuộc thi đầy danh giá này, và Văn Đinh Hồng Vũ cũng là người phụ nữ duy nhất có mặt trên sân khấu vòng chung kết năm nay.
Đội ngũ giám khảo của Launch kỳ này bao gồm nhiều chuyên gia nổi tiếng, trong đó có huyền thoại khởi nghiệp và marketing Guy Kawasaki (từng làm việc cho Apple, Google và hiện tại là Wikimedia), cũng như chuyên gia công nghệ Stephen J. Laster (cựu giám đốc CNTT của trường kinh doanh Harvard, và hiện là trưởng bộ phận công nghệ số của nhà xuất bản McGraw-Hill). Chính vì vậy, chiến thắng của Elsa tại Launch càng thêm ý nghĩa bội phần.
Văn Đinh Hồng Vũ trao đổi với Guy Kawasaki trên sân khấu - Ảnh: Josh Murdock (@professorjosh) |
Được biết, ý tưởng thành lập Elsa là bắt nguồn từ những trải nghiệm của 2 nhà đồng sáng lập là Hồng Vũ và Ngọc Tú sau nhiều năm học tập và làm việc ở nước ngoài. Từ đó, 2 người nhận thấy rằng dù nhiều người Việt tuy không thiếu tri thức, bằng cấp và kinh nghiệm nhưng vẫn bị thiệt thòi về cơ hội thăng tiến so với người bản xứ do khả năng phát âm tiếng Anh không thông thạo bằng. Đây không phải là chuyện nhỏ đối với các doanh nghiệp, khi mà theo nghiên cứu của công ty giáo dục Pearson, có tới 32% các trường hợp mất đối tác nước ngoài và 27% các trường hợp sai sót trong các dự án là do nhân viên nói tiếng Anh không chuẩn.
Tuy tuổi đời còn khá trẻ, nhưng Hồng Vũ và Ngọc Tú đã có một bề dày kinh nghiệm rất đáng nể. Lúc mới hơn 20 tuổi, cô cử nhân Đại học Ngoại thương Hồng Vũ đã là người đại diện thanh niên Việt Nam đi qua 10 nước, tham dự những hội nghị thượng đỉnh về các vấn đề giáo dục và hướng nghiệp toàn cầu. Sau đó, cô lại có 10 năm lập nghiệp ở Đan Mạch và Mỹ, từng làm việc ở các tập đoàn như Maersk và Booz & Company, cũng như có thêm 2 tấm bằng MBA và Thạc sĩ giáo dục từ Đại học Stanford. Cô cũng là người đồng sáng lập quỹ học bổng đại học Vietseeds dành cho các học sinh nghèo tại Việt Nam.
Còn với Ngọc Tú, sau khi tốt nghiệp cử nhân chính sách công tại đại học Stanford vào năm 2009, cô đã trở về Việt Nam để cùng tham gia sáng lập nên tập đoàn giáo dục Yola, chuyên giúp học sinh Việt Nam chinh phục các kỳ thi TOEFL, IELTS và SAT. Cho đến nay, các cựu học viên Yola đã được nhận vào hơn 100 trường đại học quốc tế, trong đó có các trường lớn như Harvard, Stanford, LSE, Columbia,… Thành tích này đã giúp cho Ngọc Tú nhận được một suất học bổng MBA tại trường kinh doanh số 1 thế giới INSEAD (theo xếp hạng của Financial Times), nơi cô tốt nghiệp vào năm 2014.
Hồng Vũ trình bày về Elsa tại vòng chung kết Launch - Ảnh: McGraw-Hill HigherEd (@mhhighered) |
Hiện tại, đã có quỹ FPT Ventures bỏ vốn vào Elsa, bên cạnh các nhà đầu tư Binh Tran (người từng tham gia sáng lập công ty Klout được bán lại với giá 200 triệu USD) và Edward Thai (cựu giám đốc chiến lược của CJ CGV). Phát biểu trên Facebook của mình, Edward tuyên bố rằng Elsa là điển hình tiêu biểu cho các startup mà ông và Binh Tran muốn đầu tư.
Theo đánh giá của Edward, dù hiện nay không thiếu các ứng dụng dạy tiếng Anh, nhưng ưu điểm nổi bật nhất của Elsa là khả năng tự động nhận xét và chẩm điểm cho người học phát âm tiếng Anh ở mức độ chính xác tới từng âm một, theo thời gian thực (real time) và vào bất cứ lúc nào họ muốn (on demand). Sau khi người dùng phát âm theo mẫu ghi âm chuẩn, Elsa sẽ lập tức chấm điểm và cho người dùng biết ngay rằng họ đã phát âm đúng sai ở chỗ nào, và có điểm số tương đương bao nhiêu phần trăm so với người bản xứ.
Hồng Vũ là người phụ nữ duy nhất trên sân khấu trong ngày chung kết của Launch - Ảnh: Elsa Blog |
Đây là điều mà các ứng dụng giáo dục sử dụng gia sư con người không thể làm được, và cũng có nghĩa là Elsa dễ dàng mở rộng và phát triển quy mô nhanh hơn rất nhiều. Từ lúc có mặt phiên bản thử nghiệm trên Google Play Store vào cuối tháng 12 vừa qua, Elsa đã có hơn 5.000 lượt tải về. Phiên bản dành cho iOS thì vừa mới ra mắt vào hôm 8/3 nhưng cũng đã lập tức được tới 2.000 lượt tải về trong vòng 24 tiếng đầu tiên. Kết quả ghi nhận được tới nay là người dùng cải thiện được tới 40% điểm số trong vòng 3 tuần sau khi sử dụng, theo thông tin được ban lãnh đạo chia sẻ với Nhịp Cầu Đầu Tư.
Để có được ưu thế kỹ thuật nổi trội như vậy, Elsa đã xây dựng một đội ngũ nghiên cứu khá vững chắc nhằm phát triển các công nghệ độc quyền của riêng mình. CTO Xavier Anguera là một trong những chuyên gia đầu ngành về công nghệ nhận dạng giọng nói, với bề dày thành tích là từng làm đồng tác giả cho hơn 60 bài báo khoa học, qua hơn 15 năm làm việc và nghiên cứu. Elsa cũng được cố vấn bởi tiến sĩ người Việt Vũ Duy Thức, một chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, và từng tham gia sáng lập công ty thuật toán Katango được Google mua lại vào năm 2011. Một cố vấn nữa là giáo sư Daniel Povey, tác giả chính của bộ công cụ nhận dạng giọng nói Kaldi và hiện giảng dạy tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ).
Giao diện của Elsa Speak được thiết kế khá thân thiện và dễ sử dụng - Ảnh: Elsa |
Ngoài ra, cố vấn về mặt nội dung của Elsa là chuyên gia ngữ âm Paul Meier, người từng tham gia luyện giọng cho các diễn viên nổi tiếng như Tobey Maguire và Jonathan Rhys Meyers, cũng như lồng tiếng cho nhiều mẫu quảng cáo của các thương hiệu lớn. Ông Meier cũng là người sáng lập dự án Kho Lưu trữ Phương ngữ Tiếng Anh (IDEA), hiện đang lưu trữ hàng ngàn mẫu phát âm tiếng Anh khác nhau từ khắp nơi trên thế giới.
Với một đội ngũ sáng lập viên, chuyên gia kỹ thuật và nhà tư vấn dày dạn kinh nghiệm như vậy, việc Elsa giành chiến thắng tại cuộc thi Launch lần thứ năm kỳ này, vượt qua gần 1.200 công ty edtech khác trên toàn cầu, là hoàn toàn xứng đáng. Mặc dù giải thưởng của cuộc thi khá là khiêm tốn (2.500 USD), nhưng những startup nào chiến thắng cuộc thi này đều được giới đầu tư ở Thung lũng Silicon cũng như các chuyên gia giáo dục để ý rất kỹ.
Hồng Vũ và tấm séc dành cho người chiến thắng - Ảnh: Ari Eisenstat |
2 startup từng vô địch ở Launch là BloomBoard và Clever đều đang được xem là nằm trong các công ty đầu ngành về edtech. Tới giữa năm 2015, ứng dụng đào tạo nghiệp vụ sư phạm BloomBoard đã được đầu tư 16 triệu USD, và được sử dụng bởi hơn 7.000 trường học và 100.000 giáo viên trên khắp nước Mỹ. Trong khi đó, hệ thống quản lý ứng dụng giáo dục Clever đã huy động được hơn 44 triệu USD, và đang được sử dụng bởi hơn 50.000 trường học, tương đương 1/3 số trường của cả nước Mỹ. Theo chia sẻ của Văn Đinh Hồng Vũ với Nhịp Cầu Đầu Tư, cô đã nhận được nhiều sự giúp đỡ về kỹ năng thuyết trình từ các thành viên của cả BloomBoard và Clever.
Các công ty edtech như BloomBoard, Clever và Elsa chắc chắn sẽ còn nhiều điều kiện phát triển hơn nữa, khi mà trong nửa đầu năm 2015 tổng số vốn đầu tư đổ vào lĩnh vực edtech đã lên tới 2,51 tỷ USD, theo thống kê từ Ambient Insight. Một nghiên cứu khác từ Research and Markets cho rằng tổng giá trị thị trường edtech toàn cầu trong năm qua là gần 44 tỷ USD, và sẽ tăng trưởng bình quân 17% hàng năm trong giai đoạn 2016-2020.
Tuấn Minh
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Vũ Hoài