Hủy
Công Nghệ

Xe điện có thực sự sạch?

Thứ Ba | 22/04/2025 14:12

Dù không xả khí thải, xe điện vẫn gây ô nhiễm bụi mịn nghiêm trọng từ phanh, lốp và mặt đường. Ảnh: The Economist.

 
 
Dù không thải khói xả, ô tô điện vẫn gây ô nhiễm do bụi từ lốp, phanh và mặt đường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.

Không khí ô nhiễm đang cướp đi mạng sống của hàng triệu người mỗi năm. Theo ước tính mới nhất từ Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) thuộc Đại học Washington (Mỹ), ô nhiễm không khí đã gây ra 4,7 triệu ca tử vong sớm trên toàn cầu vào năm 2021, tương đương tổng số người chết do sa sút trí tuệ, tai nạn giao thông, sốt rét và tự tử cộng lại.

Giao thông đường bộ là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí. Tại London, xe cộ chiếm tới 60% lượng bụi mịn ngoài trời. Xe điện (EV) thường được xem là giải pháp thay thế vì có thể vận hành bằng nguồn năng lượng sạch, không thải khí độc hại ra môi trường như xe chạy xăng hoặc dầu diesel. Tuy nhiên, EV vẫn phát sinh bụi mịn nguy hiểm, không phải từ ống xả, mà từ phanh, lốp và mặt đường. Những hạt bụi này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.

Đáng lo ngại nhất là các hạt bụi siêu mịn có đường kính dưới 2,5 micron, có khả năng xâm nhập sâu vào phổi và lan tới các cơ quan khác thông qua đường máu. Loại bụi này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, các bệnh về hô hấp và ung thư. Theo số liệu của chính phủ Anh, 60% lượng bụi giao thông có kích thước dưới 10 micron không đến từ khí thải, mà từ sự mài mòn của lốp, má phanh và mặt đường.

Khác với khí xả, vốn đã được kiểm soát nghiêm ngặt, bụi phi khí xả lại ít được nghiên cứu và quản lý hơn. Tuy nhiên, điều này đang dần thay đổi. Một nghiên cứu công bố tháng 2/2024 của Đại học Southampton (Anh) cho thấy bụi từ má phanh có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho tế bào phổi trong phòng thí nghiệm, thậm chí còn hơn cả bụi từ khí thải diesel. Một trong những nguyên nhân là hàm lượng đồng cao trong bụi phanh, có khả năng làm hỏng tế bào và ADN.

Dù chưa có số liệu cụ thể, nhiều chuyên gia cho rằng xe điện thậm chí còn phát sinh nhiều bụi phi khí xả hơn xe truyền thống, do pin khiến xe nặng hơn, làm tăng ma sát. Theo nhà khoa học dữ liệu Hannah Ritchie, Đại học Oxford, trọng lượng trung bình của xe điện năm 2023 là 2.133 kg, trong khi xe chạy xăng ở Anh chỉ khoảng 1.500 kg, còn ở Mỹ là 1.800 kg. Nếu xu hướng sử dụng các dòng xe cỡ lớn tiếp tục, nguy cơ ô nhiễm từ EV có thể tăng lên.

Dẫu vậy, xe điện nhìn chung vẫn ít gây ô nhiễm hơn so với xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Một phần là nhờ hệ thống phanh tái tạo năng lượng, khi tài xế thả chân ga, động năng được chuyển hóa thành điện để sạc lại pin, đồng thời làm chậm xe mà không cần dùng má phanh. Hệ thống này giúp giảm đáng kể lượng bụi phát sinh từ phanh. Một nghiên cứu năm 2021 ước tính nếu sử dụng hoàn toàn phanh tái tạo, xe điện sẽ tạo ra khoảng 14 mg bụi mịn mỗi km trong khu vực đô thị, so với 18 mg ở xe xăng và 20 mg ở xe diesel (bao gồm cả khí xả).

Vẫn còn nhiều biện pháp quyết liệt hơn có thể áp dụng. Một hướng đi là kiểm soát bụi phi khí xả như cách quản lý khí thải. Các chính phủ cũng có thể khuyến khích người dân sử dụng xe cỡ nhỏ, thay vì các mẫu xe to nặng vừa gây nguy hiểm giao thông, vừa không cần thiết với nhu cầu đi lại thường ngày. Ngoài ra, cần đảm bảo nguồn điện cung cấp cho xe EV là năng lượng sạch, nếu điện vẫn được sản xuất từ than đá thì ô nhiễm chỉ đơn giản là “chuyển từ ống xả sang ống khói”.

Dù đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng, xe điện hiện vẫn chưa thực sự “không phát thải” như kỳ vọng. Để hiện thực hóa mục tiêu giao thông xanh, thế giới cần giải quyết toàn diện cả những rủi ro bị bỏ quên như bụi phi khí xả.

Có thể bạn quan tâm:

Ảnh hoạt hình A.I phong cách Ghibli: Đạo đức và văn hóa

Nguồn The Economist


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới