Hủy
Doanh Nghiệp

Ba Huân muốn chấm dứt hợp tác với VinaCapital

Thanh Hương Thứ Hai | 06/08/2018 16:10

Dây chuyền sản xuất trứng của Công ty Ba Huân. Ảnh: Quý Hòa

 
 
Không lâu sau khi nhận khoản đầu tư 32,5 triệu USD, Công ty Cổ phần Ba Huân lại đang muốn chia tay VinaCapital.

Hai văn bản thoả thuận

Đầu tháng 7, Công ty cổ phần Ba Huân có văn bản gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hỗ trợ chấm dứt hợp tác với Quỹ đầu tư VinaCapital.

Nguyên nhân là đầu năm 2018, Ba Huân nhận được đề nghị cùng hợp tác đầu tư từ tổ chức tài chính VinaCapital. Theo đó, VinaCapital đã đưa ra một số thỏa thuận hợp tác ban đầu bằng ngôn ngữ tiếng Anh để các bên ký kết làm cơ sở cho quá trình hợp tác sau này. Sau khi 2 bên đã ký bản tiếng Anh, Ba Huân phát hiện ra thỏa thuận hợp tác đang có nội dung không đúng hoặc không như trao đổi ban đầu của hai bên.

Cụ thể, trong bản tiếng Anh, VinaCapital tự động đưa tỉ suất hoàn vốn đầu tư (IRR) của mình quá cao là 22%/năm, gần gấp ba lần lãi suất vay vốn ngân hàng. Trong khi đó, VinaCapital hạn chế ngành nghề kinh doanh của Ba Huân chỉ gồm sản xuất, kinh doanh gà thịt và trứng gà, loại bỏ toàn bộ các ngành nghề kinh doanh khác của Ba Huân.

Theo bà Huân, yêu cầu này không phù hợp với một doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, vì mục tiêu hỗ trợ cộng đồng, không đặt mục tiêu lợi nhuận trên hàng đầu.

Cũng trong hợp đồng, VinaCapital còn yêu cầu nếu Ba Huân không đạt kết quả kinh doanh như quy định sẽ bị phạt, hoặc buộc trả lại vốn đầu tư cộng dồn với lãi suất 22%/năm, hoặc phải chuyển giao cho VinaCapital (hoặc một đối tác do quỹ này chỉ định) số cổ phần tối thiểu 51% tổng số cổ phần của Ba Huân.

Ngoài ra, trong quá trình đàm phán sửa đổi điều lệ công ty, mặc dù chỉ với tư cách là một cổ đông phổ thông nhưng quỹ VinaCapital luôn yêu cầu đưa vào điều lệ quyền phủ quyết của VinaCapital đối với tất cả nghị quyết của Hội đồng Quản trị và đại hội cổ đông chế định có quyền quyết định cao nhất theo Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Theo đaị diện Ba Huân chia sẻ báo chí, đây là yêu cầu vô lý, vi phạm nghiêm trọng quyền lợi của các cổ đông thiểu số và pháp luật Việt Nam. Mặc dù thỏa thuận hợp tác quy định sử dụng hai ngôn ngữ Anh-Việt nhưng hai bên mới chỉ ký bản tiếng Anh.

Lãi suất gấp 3 lần ngân hàng

Theo ông Phạm Thanh Hùng, Phó giám đốc Công ty Ba Huân, Công ty có bản báo cáo gửi Thủ tướng, nhưng nhằm thông tin cho Chính phủ về tình hình hợp tác giữa hai bên. Tuy nhiên, 2 bên đang ngồi lại thảo luận thêm, vì còn một vài vấn đề chưa ổn. Ông cũng chia sẻ, những thông tin được đưa ra lúc này nếu mang tính tiêu cực, sẽ không tốt cho các bên liên quan.

Trong văn bản gửi Thủ tướng, Công ty Ba Huân đã đề nghị chấm dứt hợp tác đầu tư. Nhưng theo Ba Huân, phía VinaCapital đang yêu cầu Ba Huân nhiều điều khoản khá khó khăn. Cụ thể, Ba Huân phải thanh toán các khoản phí phát sinh dựa trên lãi suất rất cao ở mức 22%/năm cho các khoản đầu tư mua cổ phần phát hành thêm của Ba Huân. Trong khi thực tế, khoản tiền đầu tư trên vẫn đang được giữ tại tài khoản do VinaCapital kiểm soát.

Ba Huan muon cham dut hop tac voi VinaCapital

Theo Công ty Ba Huân, tỉ suất lợi nhuận 22%/năm là con số kỳ vọng của riêng VinaCapital không phù hợp với thỏa thuận ban đầu của hai bên. Công ty kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền can thiệp, các hiệp hội liên quan giúp đỡ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Công ty trong quá trình chấm dứt hợp tác, giúp Công ty và nông dân Việt giữ lại và phát triển thương hiệu nông nghiệp của quốc gia.

Trước đó, ngày 26.2.2018, Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) do VinaCapital quản lý thông báo quỹ này đã đầu tư 32,5 triệu USD để mua lại một số lượng cổ phần thiểu số đáng kể của công ty sản xuất trứng và thịt gia cầm Ba Huân. Vietnam Opportunity Fund cũng cho biết họ có thể sẽ đầu tư một khoản vốn bổ sung vào Ba Huân trong 12 tháng tới vì Công ty đã đạt được những mốc tăng trưởng quan trọng.

VOF là một trong những quỹ đầu tư lớn có tổng giá trị tài sản đang quản lý tại thời điểm 30.6.2018 đạt 1,05 tỉ USD. Hiện nay, VOF đang đầu tư vào các Công ty Ba Huân, Sữa Quốc tế IDP, Gỗ An Cường...

Theo số liệu bà Huân từng tiết lộ, năm 2016, công ty cung cấp 1 triệu trứng gia cầm/ngày trên địa bàn TP.HCM.

-Năm 2016, Công ty Ba Huân chiếm 25% thị phần trứng tại hệ thống hệ thống bán lẻ và siêu thị.

-Vào các dịp lễ, Tết cổ truyền doanh nghiệp này ước tính cung ứng 80% trứng muối cho các thương hiệu bánh kẹo Kinh Đô, Bibica. Năm 2016 doanh thu của Ba Huân đạt khoảng 1.000 tỉ đồng (43 triệu USD- theo giá trị hiện hành).

-Năm 2017 chiếm 30% thị phần trứng tiệt trùng tại Việt Nam. Mỗi ngày, Ba Huân cung cấp khoảng 1,7 triệu quả/ngày, 25 tấn thịt gà. Doanh thu dự kiến năm 2018 đạt 90 triệu USD.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới