Cha đẻ X-Men tham chiến chống virus
Phan Quốc Công thường được gọi vui là “Đàn ông đích thực” khi là cha đẻ của thương hiệu dầu gội X-Men. Nhưng hiện vị doanh nhân này đang giữ vai trò tại nhiều công ty khác nhau, đặc biệt là vai trò sáng lập Wakamono - một công ty chuyên nghiên cứu, chế tạo công nghệ đặt tại Khu Công nghệ cao TP.HCM.
Chiếc khẩu trang lúc nửa đêm
Cũng từ công ty mới này, X-Men Quốc Công và cộng sự của mình đưa ra một sản phẩm rất “thời sự” vì gắn với cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Đó là vải kháng khuẩn áp dụng công nghệ Nano Biotech đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam hiện nay, có khả năng tiêu diệt vi khuẩn 99,9%, duy trì hiệu quả kháng khuẩn trong thời gian dài.
Câu chuyện bắt đầu từ thời điểm dịch bệnh xuất hiện tại Trung Quốc. Lúc đó, ông Công từ TP.HCM sang Toronto (Canada) trên chuyến bay sáng 20.1.2020. Chỉ ít ngày sau, thông tin về dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán xuất hiện trên báo chí Việt Nam.
“Vài giờ trước khi bay, lúc nửa đêm, Giám đốc và Phó Giám đốc Wakamono gặp và đưa tôi một vài chiếc khẩu trang 4 lớp. Không ngờ, tôi là người duy nhất trong chuyến bay hôm đó có phương tiện gọi là tự bảo vệ mình”, ông Công chia sẻ.
Sau khi hạ cánh xuống Toronto, ông Công đã bắt đầu “tất bật” vì Ban lãnh đạo điện thoại và hội ý khẩn cấp. Wakamono nhận định tình hình dịch bệnh sẽ bùng phát và kéo dài mặc dù các nước trong khu vực châu Âu vẫn tự do đi lại. Sau đó là hành trình đặc biệt “90 ngày không ngủ”, khi cả văn phòng tại TP.HCM và Toronto liên tục làm việc dù múi giờ cách nhau 12 tiếng đồng hồ.
Ở thời điểm Wakamono tập trung nghiên cứu vải kháng khuẩn, ngoài thị trường, khẩu trang y tế vẫn là mặt hàng khan hiếm. Nguyên liệu vải kháng khuẩn - nguyên liệu chính dùng may trong khẩu trang y tế 4 lớp của Việt Nam phải nhập khẩu 70% từ Trung Quốc (nhưng khi dịch bệnh xảy ra nước này đã ngưng cung cấp nguyên liệu), còn lại 30% nhập từ Ấn Độ, Nhật và một số nước khác - thì đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên khan hàng. Trong khi đó, nguyên liệu này nhập từ châu Âu lại có giá khá cao.
Vốn có kinh nghiệm 2 năm làm việc tại Tổng Công ty Dệt May nên ngay khi thông tin nguyên liệu kháng khuẩn dùng may khẩu trang y tế khan hiếm, ông Công và các cộng sự đã lên phương án nghiên cứu và đẩy nhanh nguồn nguyên liệu vải kháng khuẩn ra thị trường.
Đến ngày 23.4, Wakamono đã đạt kiểm nghiệm cuối cùng tại Canada với dung dịch siêu kháng khuẩn thiên nhiên Gecide và công nghệ phủ kháng khuẩn lên vải để sản xuất thành công vải kháng khuẩn Wakamono. Trong bối cảnh nano kim loại mà phổ biến là nano bạc còn gây nhiều tranh cãi, đây là sản phẩm nano đầu tiên trên thế giới làm từ thiên nhiên.
“Lớp vải kháng khuẩn Antimicrobial Fabrics hiện không nhiều công ty trên thế giới sản xuất. Còn nếu tìm kiếm trên Alibaba, sẽ thấy khoảng 4 công ty chào loại vải kháng khuẩn này trong khu vực, nếu đặt hàng thì phải năm sau mới có”, ông Công chia sẻ.
Đến thời điểm hiện tại, sản phẩm của Wakamono đã được đưa kiểm nghiệm tại nhiều nơi và đều đạt chuẩn khả năng diệt khuẩn tới 99,99% như Phòng Thí nghiệm phân tích Analytical Laboratories (Singapore), Bệnh viện Lab (Canada), Viện Pasteur TP.HCM và Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3. Ngoài ra, hiệu quả kháng khuẩn của loại vải này đạt 99,9% theo tiêu chuẩn Mỹ AATCC 100. Khẩu trang y tế 4 lớp của những công ty may Việt Nam mua nguyên liệu của Wakamono cũng đã được đem kiểm tra tại Mỹ và đạt chuẩn xuất khẩu.
Chia sẻ bản quyền phát minh
Nhà máy của Wakamono hiện có năng suất sản xuất khoảng 20 tấn loại vải này mỗi ngày và đã chạy hết công suất. Tuy nhiên, Công ty cũng có thể phải nâng công suất lên đạt 50 tấn/ngày vì đơn hàng quá nhiều. Hiện có một số đối tác ở Thái Lan, Nam Phi, Philippines, Hàn Quốc... đã tìm đến để mua sản phẩm, nhưng Công ty chỉ ưu tiên tập trung cung cấp cho các doanh nghiệp dệt may và sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ y tế Việt Nam.
“Một đồng doanh số bán ra ở Việt Nam sẽ tạo ra sản phẩm cuối của doanh nghiệp Việt nhân lên 10 lần”, ông Công chia sẻ. Đã có 20 doanh nghiệp Việt Nam đang đặt hàng và sản xuất khẩu trang từ vải kháng khuẩn này của Wakamono, trong đó có doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may Công ty Đầu tư và Thương mại TNG và Công ty Sản xuất Thương mại May Sài Gòn.
Do nghiên cứu và bản quyền công nghệ sản xuất của chính Wakamono, cùng với việc sử dụng máy móc thiết bị sẵn có nên sản phẩm vải kháng khuẩn của Công ty có giá thấp hơn 30% so với hàng nhập khẩu. Đây là một lợi thế cho các doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang y tế của Việt Nam. Nhu cầu khẩu trang và đồ bảo hộ y tế sẽ vẫn còn kéo dài vì thế giới vẫn phải đề phòng những dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai. Hiện tại, tính riêng nhu cầu tại thị trường Mỹ đã lên đến hàng tỉ chiếc.
Vì vậy, Wakamono tính tới phương án không có giữ bản quyền phát minh mà muốn cùng hợp tác với các đối tác khác vì lợi ích của cộng đồng. Ông Công giải thích: “Tôi là người làm kinh doanh, nên trước đây, có phát minh gì thì giữ lấy cho mình, sau đó làm ra sản phẩm cuối rồi bán. Khi Việt Nam xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, tôi ra mắt sản phẩm nước rửa rau sát khuẩn đầu tiên, hết đợt ngộ độc thì thôi... Nhưng sự khốc liệt của đại dịch lần này làm chúng tôi phải suy nghĩ lại về trách nhiệm cao hơn với cộng đồng”.
Theo đó, để giúp thị trường phản ứng nhanh nhất, Wakamono sẽ tập trung làm phần đầu, tức làm sao ra công nghệ, ra sản phẩm nguyên liệu và hợp tác với các doanh nghiệp khác để nhanh chóng giải quyết những vấn đề xã hội. Wakamono còn nghĩ đến việc chuyển giao công nghệ cho nhiều công ty khác trong tương lai nếu năng lực sản xuất của các đối tác và Wakamono không đủ đáp ứng nhu cầu.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Lam Nhi
-
Andreas Kaplan (Bảo Hân ghi)
-
Trọng Hoàng