Hủy
Doanh Nhân

Đã đến thời của mô hình co-living?

Khánh Đoan Thứ Tư | 20/09/2017 12:30

curbed.com

 
 
Thay vì sống trong các căn hộ độc lập khép kín, nhiều người trẻ lại chọn sống trong những căn phòng bé xíu chỉ có diện tích sàn 12m2.

Thứ hai là đêm “Trò chơi vương quyền” tại tòa nhà Old Oak của The Collective. Các bạn trẻ thuộc thế hệ millennial (những người trong độ tuổi 18-35 lớn lên trong thời đại truyền thông xã hội) tụ tập trong các phòng xem tivi tại một dãy nhà có sức chứa 550 người cao 11 tầng. Một số nằm ườn trên ghế trong rạp chiếu phim của tòa nhà. Khi màn hình chiếu bộ phim Trò Chơi Vương Quyền đang nóng sốt này thì không gì có thể khiến cho những người mê phim bước chân ra khỏi phòng. Đây không phải là một ký túc xá cho sinh viên, mà là nhà ở thực sự.

The Collective là đơn vị đi tiên phong trong một mô hình bất động sản mới gọi là co-living (tạm dịch: sống chung). Thay vì sống trong các căn hộ độc lập khép kín, nhiều người chọn sống trong những căn phòng bé xíu chỉ có diện tích sàn 12m2. Hầu hết các phòng chỉ có một giường và một phòng tắm.

Thế nhưng, các khu vực chung ở bên ngoài những căn phòng bé xíu này mới là điều đáng nói tới. Tòa nhà có một phòng tập gym, spa, nhiều thư viện, một nhà hàng đẹp và một rạp chiếu phim. Các cư dân được quyền sử dụng tất cả các tiện nghi này cũng như phòng của họ với giá thuê hằng tháng từ 800-1000 bảng Anh (1,033-1.292USD). Tiền thuê này đã bao gồm tất cả các khoản hóa đơn và Wi-Fi tốc độ cao; họ chỉ phải trả thêm tiền nếu dùng bữa tại nhà hàng trong tòa nhà.

The Collective cũng có “một thư viện cho những thứ linh tinh”, nói cụ thể hơn là một kho chứa các món đồ hữu dụng mà cư dân trong tòa nhà có thể sử dụng chung như búa, thước dây, thậm chí lều bạt… Ngoài ra, do có quá nhiều người sống chung nên camera giám sát được lắp đặt ở các khu vực chung để đảm bảo mọi người giữ gìn không gian chung sạch sẽ.

Maria Carvalho, giảng viên khoa học xã hội tại Trường London School of Economics, đã chuyển đến ở trong tòa nhà này vì cô muốn được sống chung với những người khác, nhưng lại không muốn có bạn cùng phòng. “Tôi sẽ gọi nó là cộng đồng có cách sống tương tự dân hippie nhưng không phải là cộng đồng hippie thực thụ”, cô nói. Cô đặc biệt thích cảm giác được gặp gỡ bạn bè (tức những người sống chung trong tòa nhà) khi đang đi bộ từ ga tàu về nhà. 

Những người như Carvalho là một lý do để mô hình co-living được tin rằng sẽ có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Đặc biệt, việc giá cho thuê nhà không ngừng tăng lên đã thu hút sự chú ý của các nhà phát triển bất động sản đến phân khúc vẫn còn bỏ ngỏ này. Giá cho thuê trung bình ở London đã tăng từ mức chiếm 1/4 thu nhập lên mức 1/3 trong giai đoạn 2004-2014. Tại New York, Mỹ, giá thuê trung bình đã tăng từ 29% thu nhập trung bình trong năm 2002 lên mức 34% năm 2014. Hầu hết các chuyên gia trẻ tuổi chuyển vào ở các thành phố lớn, sôi động đều đứng trước một lựa chọn khó khăn: chấp nhận chi ra một phần lớn thu nhập để thuê một nơi ở riêng tư hay là chuyển vào ở chung với những người xa lạ trong một căn nhà để tiết kiệm tiền. The Collective đã cung cấp một sản phẩm hoàn toàn khác có thể giải tỏa được nỗi băn khoăn này. Đó là mô hình co-living với tòa nhà Old Oak.

Ngay khi ra mắt, sản phẩm của The Collective đã thu hút sự quan tâm của người thuê. Old Oak, tòa nhà đầu tiên của The Collective ở khu Tây Bắc London, đã được lấp đầy tới 97% gần như suốt cả năm nay. The Collective đang ra mắt thêm 2 tòa nhà co-living ở London, một ở Stratford và một ở Canary Wharf. Ý tưởng làm các căn phòng nhỏ xíu và chia sẻ với nhau các dịch vụ hạng sang là tương đối mới và ít được kiểm chứng, nhưng ngành bất động sản đang chú ý đến loại hình này. Jack Sibley, thuộc TH Real Estate, một nhà quản lý đầu tư bất động sản, gọi đây là “một trong những ý tưởng hứa hẹn nhất mở ra sự phát triển trong tương lai của mô hình co-living”.

Da den thoi cua mo hinh co-living?

Bước kế tiếp của Reza Merchant, nhà sáng lập The Collective, là bành trướng ra nước ngoài, trước hết là thị trường Mỹ. Ông sắp hoàn tất việc ký kết các thương vụ co-living với các tòa nhà ở Boston và New York và đang đàm phán với các nhà phát triển bất động sản ở Berlin, thị trường xưa nay có tiếng là có mức cho thuê nhà thấp kỷ lục nhưng lại đang tăng giá rất nhanh đối với những người trẻ, có óc sáng tạo của thành phố này.

The Collective không có đối thủ thực sự tại Anh nhưng khi tiến sang thị trường Mỹ, công ty này sẽ gặp phải sự kháng cự từ phía đối thủ nội địa là Ollie, một công ty theo đuổi mô hình co-living ở New York.

Cả hai tòa nhà co-living hiện có của Ollie đều nhỏ hơn Old Oak, vốn là tòa nhà lớn nhất của mô hình co-living trên thế giới. Nhưng Ollie sẽ sớm điều hành một không gian co-living gồm hơn 13 tầng của một tòa nhà ở Long Island City tại ngoại ô Queens. Tòa nhà này đang được phát triển bởi Quadrum Global, một công ty đầu tư bất động sản. Các mô hình tài chính của Quadrum Global dự báo co-living sẽ từng bước vững chắc vượt qua các căn hộ cho thuê truyền thống trong tương lai vì mức lợi nhuận tính trên mỗi foot vuông là rất cao.

WeWork, hiện là nhà cung cấp lớn nhất thế giới các không gian làm việc chung và được định giá ước tính 20 tỉ USD, có một công ty con theo đuổi mô hình co-living là WeLive. WeLive đang điều hành các chi nhánh co-living tại một tòa nhà cho thuê tại Manhattan. WeLive đã bắt tay với Martin Selig, một công ty bất động sản ở Seattle, để xây dựng một tòa nhà mới 36 tầng, trong đó 23 tầng sẽ dùng cho mục đích co-living.

Mô hình co-living sẽ được điều chỉnh theo ý của các nhà phát triển dự án nhằm phát huy tối đa ưu điểm và hạn chế những khuyết điểm của mô hình này. Ông Merchant hiện đang sử dụng dữ liệu thu thập được từ tòa nhà Old Oak để cải tiến và chỉnh chu các tòa nhà mới của The Collective nhằm đạt hiệu quả sử dụng cao nhất. Cụ thể, các căn phòng sẽ được làm cho lớn hơn một chút vì diện tích phòng quá nhỏ là một trong những lý do chính mà những người thuê cho biết vì sao họ muốn dời đi. Các cảm biến theo dõi mức độ sử dụng các không gian chung và trong các khu tổ hợp mới, tất cả các phòng bếp sẽ được đặt ở một tầng, thay vì nằm rải rác ở khắp tòa nhà. Thực tế, hầu hết các không gian diện tích chung của Old Oak khá trống trải; khu vực nhộn nhịp nhất trong tòa nhà này lại là hiệu giặt tự động, nơi các cư dân hòa nhập với nhau và xem tivi cùng nhau trong khi chờ quần áo được giặt xong.

The Collective và những công ty khác thích mô hình co-living đứng trước một lựa chọn, theo Roger Southam, thuộc hãng tư vấn bất động sản Savills. Họ có thể tiếp tục tập trung vào đối tượng lao động đang không ngừng di chuyển về các thành phố lớn để làm việc, cung cấp các không gian sống cá nhân có diện tích tối thiểu bên cạnh cung cấp các không gian chung hấp dẫn với đầy đủ tiện nghi. Nhưng Southam nhận thấy tiềm năng của mô hình co-living sẽ càng mở rộng hơn rất nhiều nếu các đơn vị phát triển co-living cho cư dân một không gian riêng tư hơn, cho phép họ thu hút những đối tượng khách hàng đã sinh sống từ lâu ở các thành phố. Nếu các công ty co-living có thể đạt được sự cân bằng hoàn hảo giữa không gian chung với không gian riêng tư thì sức hấp dẫn đối với người thuê sẽ rất lớn. Suy cho cùng, ai lại không muốn có được một rạp chiếu phim ở ngay tầng hầm chứ?

Khánh Đoan

Nguồn The Economist


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới