Đưa bông sen đi Tây
Lâu nay, việc khai thác những giá trị từ sen chỉ dừng lại ở mức độ trang trí hoặc làm thực phẩm. Nhiều kế hoạch, ý tưởng đã chớm nở với việc dùng sen để làm quà lưu niệm, nhưng chưa ai làm được bởi với đặc tính dễ rụng cánh, mau khô héo. Tuy nhiên, một doanh nghiệp khởi nghiệp đã thành công trong việc mang hoa sen Việt Nam sang Pháp dưới dạng sấy khô.
Giữ mãi màu sen tươi
Trở về Việt Nam sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ chuyên ngành hóa học tại Pháp, Ngô Chí Công trở về Việt Nam khởi nghiệp 2 lần với bánh ngọt và gốm giả đá. Từ thành công của việc ướp hoa khô tại Đà Lạt, anh Công thực hiện nghiên cứu trên hoa sen Đồng Tháp. Thời gian đầu, anh kết hợp với nghệ nhân Nguyễn Công Hóa tại Đà Lạt để thực hiện ý tưởng.
Điểm khác biệt của sản phẩm hoa sen ướp tươi với hoa thông thường là thời gian bảo quản. Nếu hoa sen tươi thông thường chỉ được 1-2 ngày thì hoa sen ướp tươi có thể giữ được 1 năm, không bị héo, tàn và đen. Đến nay, Công ty Khởi Minh Thành Công đã hoàn toàn làm chủ công nghệ bảo quản hoa tươi mãi, để sản xuất được sản phẩm hoa sen sấy khô Ecolotus, khắc phục được những khuyết điểm mà thời gian đầu mắc phải. Giá bán mỗi hoa sen khô thành phẩm là 100.000 - 120.000 đồng. Thị trường chính chủ yếu tại Đồng Tháp và TP.HCM. Ngoài ra, sen sấy khô đã xuất bán sang thị trường Pháp thông qua một cửa hàng tại Paris.
Có thể thấy, giá hoa khô xuất khẩu cao bình quân gấp 10 lần giá hoa tươi cùng chủng loại được tiêu thụ thị trường trong nước. Đây là một hướng mở rất triển vọng cho các vùng chuyên canh hoa tại Việt Nam, đặc biệt thị trường hoa khô trên thế giới rất lớn, lợi nhuận rất cao so với hoa tươi thông thường (đạt khoảng 70% giá xuất khẩu). Do đó, những sản phẩm như hoa sen khô phù hợp với xu hướng này.
Mặc dù đã được thị trường biết đến nhiều hơn nhưng chi phí để làm ra những sản phẩm này khá cao nên tới nay mô hình kinh doanh của chàng trai 8x này vẫn chưa thể hòa vốn. Tuy nhiên, lợi nhuận làm ra cũng bù đắp phần nào cho chi phí sản phẩm. Ngoài việc làm ra hoa sen ướp tươi, anh Công còn kết hợp làm bình gốm sử dụng công nghệ sơn nhúng hydrographics, mỗi tháng cho ra thị trường 300-400 sản phẩm với giá 200.000 đồng đến trên 1 triệu đồng mỗi bình. Tuy nhiên, hoa sen khô được xác định là sản phẩm chủ lực, sẽ nhắm vào phân khúc cao cấp.
Riêng đối với lá sen, Khởi Minh Thành Công đã và đang đưa vào thực hiện sản xuất tranh lá sen, nón lá sen phục vụ cho du lịch địa phương. Hiện nay, anh Công đang cố gắng tìm cách giảm thiểu chi phí sản xuất để hạ giá thành, đồng thời đang tìm kiếm mở rộng thị trường sang các nước Phật giáo như Myanmar, Campuchia... Cùng với thành công ở hoa sen, anh Công cũng kết hợp nghiên cứu trên một số loại hoa khác như hoa hồng Sa Đéc, cát tường, hoa lan phục vụ thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Trình bày trước Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF), anh Công cho biết, sản phẩm tốt cho môi trường bởi khi trồng hoa sen sẽ giúp cải tạo đất và hoa tự phân hủy, tốt cho nông dân tạo thêm kênh tiêu thụ. Khởi Minh Thành Công hiện có vùng nguyên liệu hơn 5ha từ việc liên kết và thu mua của nông dân tại thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp), hiện mỗi ngày có thể sản xuất được 150-200 hoa tùy theo đơn đặt hàng.
Xà bông thơm mùi sen
Cùng với sản phẩm sen sấy khô của Khởi Minh Thành Công, sản phẩm xà bông sen cùng với hàng chục loại tinh dầu của Công ty Hương Đồng Tháp khi tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp của SVF. Theo đó, Đoàn Ngọc Minh Thùy, Giám đốc Công ty Hương Đồng Tháp, tận dụng được lượng lớn phụ phẩm nông nghiệp như lá sả, chanh, bưởi không đạt tiêu chuẩn bán... và một số loại khác chưa được khai thác triệt để giá trị.
“Mỗi năm, có hàng tấn quýt non, quýt xấu bị loại để nuôi trái đẹp, hoa ế bị loại. Công ty đang tận dụng nguồn này để làm nguyên liệu sản xuất”, Minh Thùy chia sẻ. Chiết xuất từ sen Tháp Mười, quýt Lai Vung, tràm gió Tràm Chim... Minh Thùy làm ra tinh dầu nguyên chất, xà bông tắm, vòng đuổi muỗi, ống hít thông mũi...
Riêng xà bông sen từ tinh dầu sen Đồng Tháp và tràm gió Tràm Chim là thử nghiệm mới của Minh Thùy cho dù lượng tinh dầu chiết xuất từ sen không nhiều như các nguyên liệu khác. Bù lại, công thức kết hợp tinh dầu tràm, than tre hoạt tính giúp xà bông sen hút bã nhờn tốt hơn, để lại mùi hương thư giãn, thân thiện cho da mặt và toàn thân”, Minh Thùy cho biết.
Công ty khởi nghiệp của Thùy đang tìm cách xây dựng nguồn nguyên liệu tại Sa Đéc, để có thể tự nhân giống, nuôi cấy, chuyển giao công nghệ, bao tiêu thu mua cho nông dân. Với 2 kế hoạch khởi nghiệp với sen và phụ phẩm nông nghiệp này, SVF đã đánh giá cao về tính thực tiễn cũng như đã cam kết hỗ trợ trong việc tìm kiếm, hỗ trợ khai thác kênh đầu ra cho sản phẩm.
Hàng loạt sản phẩm chế biến từ sen như sữa, nước giải khát thanh nhiệt, rượu, trà, củ sen sấy, hạt sen sấy... được nhiều doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và đưa ra thị trường đã góp phần nâng giá trị cho cây sen, mở ra cơ hội mới cho người trồng sen. Đặc biệt, một số sản phẩm chế biến từ sen như hạt sen sấy và củ sen sấy đã được xuất khẩu sang nhiều nước. Việc nghiên cứu thành công thêm những dòng sản phẩm mới từ các cá nhân khởi nghiệp sẽ phần nào tạo thêm đầu ra cho sen. Riêng tại Đồng Tháp, một số sản phẩm từ sen như hạt, tim, củ sen... đã được Công ty Nam Huy khai thác hiệu quả cùng với một số sản phẩm trái cây sấy. Hiện sản phẩm đã xuất khẩu sang một số nước như Hàn Quốc, Malaysia và Thái Lan.
Trung bình 1ha trồng sen cho thu nhập khoảng trên 280 triệu đồng/năm, lãi gấp nhiều lần so với trồng lúa. Tại huyện Tháp Mười, diện tích sen trên địa bàn từng lên tới 2.000ha, nhưng mấy năm gần đây chỉ còn chưa tới 400ha do nhiều nông dân ào ạt phá bỏ sen để trồng lúa khi thị trường Đài Loan giảm tiêu thụ hạt sen tươi, giá gương sen giảm mạnh. Trồng sen cho lợi nhuận cao hơn nhiều so với trồng lúa nhưng thị trường sen bấp bênh, trồng sen rất vất vả nên nhiều nông dân nản chuyển sang trồng lúa. Chỉ khi một số doanh nghiệp trong nước đầu tư nghiên cứu, sản xuất ra nhiều sản phẩm giá trị gia tăng từ sen nên nhu cầu mua hạt sen tươi đã tăng ổn định, giúp người nông dân yên tâm trồng sen trở lại.
Sen vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển. Nhưng anh Chí Công vẫn lo ngại tiềm năng sen bị mất đi trước nguy cơ thu hẹp diện tích để chuyển đổi cây trồng. “Người nông dân hiện đang khai thác chủ yếu ở việc bán thô các sản phẩm từ sen. Cần có những ý tưởng tốt có thể mang lại giá trị kinh tế lớn cho sen”, anh Công chia sẻ.
Hoàng Quân
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Lam Nhi
-
Andreas Kaplan (Bảo Hân ghi)
-
Trọng Hoàng
-
Hằng Nguyễn