Hủy
Doanh Nhân

Từ người bỏ học cấp 3 trở thành nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới

Thứ Ba | 18/07/2017 11:06

CNBC

Nữ doanh nhân Trung Quốc Zhou Qunfei là người sáng lập công ty Lens Technology chuyên sản xuất màn hình thủy tinh cho Apple và Samsung.
 

Từng phải bỏ học cấp 3 và đi làm công nhân, nữ doanh nhân Trung Quốc Zhou Qunfei (Chu Quần Phi) giờ đây đang có khối tài sản ròng trị giá hơn 8 tỷ USD. Theo Forbes thì bà Zhou vừa là nữ tỷ phú tự thân giàu nhất hành tinh, cũng vừa là nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất (47 tuổi), trong khi hầu hết các nữ tỷ phú khác đều có gia tài thông qua việc nhận thừa kế.

Bà Zhou đã sáng lập nên công ty Lens Technology, chuyên sản xuất kính bảo vệ màn hình và vỏ điện thoại cho các hãng công nghệ như Apple và Samsung.

Tu nguoi bo hoc cap 3 tro thanh nu ty phu tu than giau nhat the gioi
Nhà máy của Lens Technology tại Hồ Nam, Trung Quốc. Ảnh: Wikipedia

Bà Zhou lớn lên ở một ngôi làng nghèo khó ở tỉnh Hồ Nam, thuộc miền Trung của Trung Quốc. Theo tờ The New York Times (NYT), mẹ của Zhou đã chết khi bà mới 5 tuổi, còn người cha bị mất một phần thị lực và bị mất một ngón tay trong một tai nạn lao động. Từ khi còn nhỏ, bà Zhou đã phải bắt đầu nuôi heo và vịt để có thêm nguồn thức ăn và thu nhập cho gia đình.

Ở tuổi 16, Zhou đã buộc phải nghỉ học để đi làm kiếm tiền cho gia đình bà. Bà sớm được nhận vào làm tại một nhà máy sản xuất mặt kính đồng hồ với tiền công 1 USD/ngày.

Tu nguoi bo hoc cap 3 tro thanh nu ty phu tu than giau nhat the gioi
Tấm thẻ công nhân của bà Zhou Qunfei. Ảnh: vov.vn

Zhou nói với NYT rằng điều kiện tại nhà máy này là rất khắc nghiệt. "Tôi làm việc từ 8 giờ sáng đến 12 giờ sáng , và đôi khi đến 2 giờ sáng", bà nói.

Ở tuổi 22, Zhou quyết định khởi nghiệp. Chỉ với 3.000 USD trong túi, Zhou và một vài người thân đã thành lập một xưởng làm mặt kính đồng hồ. Bà sống và làm việc trong một căn hộ nhỏ với anh chị em và người yêu của họ, cộng thêm hai người anh em họ.

Tại đây, Zhou đã học cách tự mình làm mọi thứ. Bà tự tay sửa chữa và học cách thiết kế máy móc sản xuất. Bà tự học các kỹ thuật in phức tạp để cải thiện chất lượng sản phẩm.

Mặc dù công ty của Zhou phát triển đều đặn, nhưng phải đến khi bà chuyển hướng sang sản xuất màn hình thủy tinh cho điện thoại di động thì công việc kinh doanh mới thực sự cất cánh.

Motorola là người đầu tiếp cận công ty của Zhou vào năm 2003 để nhờ bà sản xuất màn hình thủy tinh cho điện thoại Razr V3 của họ. Khi đó, màn hình điện thoại hầu hết là bằng nhựa, và Motorola muốn chuyển sang dùng màn hình thủy tinh để chống trầy và cải thiện chất lượng hiển thị.

Zhou kể lại: "Tôi nhận được cuộc gọi từ Motorola, và họ nói rằng 'Cô chỉ cần nói có hoặc không, và nếu câu trả lời là có, chúng tôi sẽ giúp cô thiết lập dây chuyền'. Và tôi đã nói có".

Tu nguoi bo hoc cap 3 tro thanh nu ty phu tu than giau nhat the gioi
Bà Zhou dẫn báo giới đi thăm nhà máy. Ảnh: NYT

Tiếp theo đó, các công ty điện thoại di động khác như HTC, Nokia, Samsung cũng tìm đến Zhou. Tới năm 2007 thì Apple cũng xuất hiện. Những quan hệ đối tác này đã góp phần tạo nên đế chế Lens Technology với doanh thu 2,27 tỷ USD trong năm 2016, và 75.000 nhân công làm việc tại 32 nhà máy, sản xuất hơn 1 tỷ màn hình mỗi năm. Để mở rộng sản xuất, Zhou đã từng có ít nhất một lần đem cả nhà mình đi thế chấp để vay vốn ngân hàng.

Là người theo đuổi sự hoàn hảo, Zhou từng thừa nhận rằng việc giám sát hoạt động kinh doanh là điều không hề dễ dàng. Bà nói với tờ AFR của Úc rằng bà làm việc 18 tiếng một vài ngày và sống tại văn phòng của mình. Tại trụ sở của Lens Technology, trong văn phòng CEO của Zhou có một căn hộ nhỏ, cho phép bà ở lại công ty cả ngày lẫn đêm để theo dõi tình hình sản xuất.

Phong cách làm việc kỹ lưỡng và chú ý tới từng tiểu tiết của Zhou là điều mà bà đã rèn luyện từ rất sớm. Bà kể: "Cha tôi bị mất thị lực, nên nếu chúng tôi có đặt thứ gì đó trong nhà thì nó phải ở một vị trí thật chính xác, bằng không thì sẽ có chuyện không hay xảy ra. Đó là mức độ quan tâm mà tôi đòi hỏi ở công ty này". Là một người lặng lẽ trong các cuộc họp với cổ đông, Zhou trở thành một con người hoàn toàn khác hẳn khi dẫn họ đi tham quan nhà máy, và tờ NYT kể rằng các cổ đông "lắng nghe trọn từng từ" của bà.

Trong cuộc phỏng vấn với NYT, Zhou đã nhìn lại con đường dài mà đã đi qua. Tại ngôi làng nơi bà lớn lên, các cô gái như bà không có cơ hội được học cấp 2. Lựa chọn duy nhất của họ thường là kết hôn và sống cả đời trong làng. Zhou đã từ chối đi theo con đường đó.

Bà nói: "Tôi đã lựa chọn sự nghiệp kinh doanh, và tôi không hối tiếc về điều đó."

Quỳnh Như

Nguồn CNBC


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới