Hủy
Kinh Doanh

Cầu Cát Lái hết lỗi hẹn

Minh Nguyệt Thứ Hai | 01/08/2016 12:30

Sức hấp dẫn từ cầu Cát Lái trong tương lai có thể thấy qua phà Cát Lái hiện tại, với hơn 45.000 phương tiện và hành khách qua lại mỗi ngày.
 

Giữa tháng 7, giới kinh doanh địa ốc khu đô thị Nhơn Trạch Đồng Nai lại dấy lên niềm hy vọng khi theo thông tin từ Văn phòng Ủy ban Nhân dân TP.HCM, Thành phố đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận bổ sung quy hoạch xây dựng cầu dây văng Cát Lái với tổng quy mô đầu tư trên 253 triệu USD cho tổng chiều dài cầu gần 4 km. Sau 14 năm chờ đợi kể từ những thông tin về cây cầu ngàn tỉ xuất hiện lần đầu vào năm 2002, liệu rằng diện mạo của Nhơn Trạch sẽ thay đổi khi cầu Cát Lái được đưa vào khởi công?

Hãy quay trở lại làn sóng người Sài Thành đổ xô về Nhơn Trạch hơn 1 thập niên trước. Nơi đây chỉ là những khu ruộng đang canh tác hoặc mới vừa san lấp để làm vườn cây, ao hồ. Khi đó, diện tích đất thổ cư chỉ chiếm chưa đến 1,5% tổng diện tích toàn huyện Nhơn Trạch. Yếu tố giới đầu cơ địa ốc dựa vào khi nói về tiềm năng của khu này chính là khoảng cách lý tưởng bằng đường bộ đi từ trung tâm TP.HCM đến Nhơn Trạch còn ngắn hơn cả đi đến huyện Cần Giờ, nằm trong nội thành. Thế nên, giá đất được đẩy lên cao lên tới 1,5 triệu đồng/m2 vào thời đó.

Khi ấy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai kỳ vọng một cây cầu thay cho bến phà truyền thống sẽ đóng vai trò then chốt tạo sức bật cho “tam giác kinh tế trọng điểm” gồm TP.HCM - Đồng Nai - Vũng Tàu, giúp tỉnh này được quy hoạch thành đô thị loại 2. Một cây cầu huyết mạch cũng được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển kinh tế vùng, theo hướng di dời các khu công nghiệp trọng điểm hiện hữu trong nội đô TP.HCM sang “bến đỗ mới” với chi phí thuê mặt bằng rẻ hơn tại Khu Công nghiệp Nhơn Trạch.

Nhưng tất cả chỉ là kỳ vọng khi sau nhiều năm, cây cầu vẫn lỗi hẹn. Mãi cho đến giữa tháng 7 vừa qua, dự án cầu Cát Lái được đệ trình chính thức lên Chính phủ. Quy mô lớn của dự án một lần nữa lại làm nức lòng giới đầu tư. Trong bản đệ trình này, điểm đầu dự án tại ngã tư giao giữa đường D (Khu Công nghiệp Cát Lái) với đường Nguyễn Thị Định, quận 2; điểm cuối tại đường Lý Thái Tổ, cách bến phà hiện hữu khoảng 1,2 km thuộc thành phố Nhơn Trạch, Đồng Nai. Cầu Cát Lái có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 4 km (riêng cầu khoảng 3,4 km), được thiết kế là loại cầu dây văng có tĩnh không 55 m, tối thiểu 4 làn xe.

Cau Cat Lai het loi hen
Trong tương lai, hình ảnh bến phà Cát Lát hiện tại sẽ được thay bằng cây cầu dây văng có tổng mức đầu tư tạm tính hơn 5.700 tỉ đồng. Ảnh: dantri.com.vn

Với tổng kinh phí đầu tư tạm tính hơn 5.700 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng vào khoảng 1.225 tỉ đồng thì cầu Cát Lái là cây cầu dây văng có mức đầu tư cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây trên phạm vi cả nước. Trước đó, 2 cây cầu dây văng được thi công cũng theo hình thức BOT là cầu Trần Thị Lý và cầu vượt 3 tầng tại Đà Nẵng với tổng kinh phí đầu tư lần lượt là 1.500 tỉ đồng và 1.800 tỉ đồng.

Hiện tại, có 2 nhà thầu đã chủ động đề xuất Thành ủy và Ủy ban Nhân dân TP.HCM xem xét, chấp thuận cho phép được nghiên cứu lập đề xuất dự án đầu tư xây dựng cầu Cát Lái theo hình thức BOT kết hợp BT. Đó là liên danh nhà đầu tư Thái Sơn - Cienco 1 - Đức Bình - Cái Mép và Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng 194. Ngoài ra, còn có dự án mở một con đường nối thẳng từ cổng phụ cảng Cát Lái ra đường Vành đai 2 tại vị trí giữa cầu Kỳ Hà 3 và cầu Bà Cua, cũng đang được một nhà thầu khác đề nghị. Mục đích là nhằm giảm tải cho cổng chính và tăng thêm năng lực hàng hóa, xe thông qua cảng Cát Lái theo hướng vuông góc với Vành đai 2.

Trước mắt, Sở Giao thông Vận tải  TP.HCM đang nghiên cứu mở rộng đường Nguyễn Thị Định từ trước bến phà Cát Lái ra đến nút giao Mỹ Thủy từ gần 20 m hiện hữu lên 60 m nhằm đáp ứng lưu thông của các dòng xe trước cảng Cát Lái và Khu Công nghiệp Cát Lái.

Trong 3 năm trở lại đây, khi thị trường bất động sản khởi sắc, kéo theo đó là sự trở lại của hình thức đầu tư BT (xây dựng - chuyển giao), lấn áp hình thức đầu tư BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, sở dĩ hình thức đầu tư BT hấp dẫn nhà đầu tư ở thời điểm này là vì ít rủi ro hơn, bởi ngoài việc nhà đầu tư xây xong là bàn giao ngay cho Nhà nước, họ còn được thanh toán bằng đất dựa trên hình thức thỏa thuận giữa hai bên mà không cần thông qua hình thức đấu giá đất thông thường.

Sự hấp dẫn từ nguồn thu phí cầu Cát Lái trong tương lai cũng có thể tính toán được cụ thể thông qua phà Cát Lái hiện tại. Mỗi ngày có hơn 45.000 phương tiện và hành khách qua lại phà này. Vào các dịp cao điểm như lễ, Tết, số phương tiện qua phà sẽ tăng lên gấp đôi, lên đến 80.000-90.000 lượt khách mỗi ngày. Như vậy, nhẩm tính, chủ đầu tư cũng có thể đạt được mức doanh thu trung bình ít nhất từ 3-5 tỉ đồng/tháng.

Mới đây, theo lãnh đạo xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, giá đất tại đây đã tăng lên đến 2,5 triệu đồng/m2 và làn sóng các nhà đầu cơ và đầu tư bất động sản từ TP.HCM đã bắt đầu trở lại giao dịch tấp nập. Theo quan sát, từ đầu năm 2015 đến nay, thị trường bất động sản tại Khu Đô thị Cát Lái vẫn sôi động với các dự án nhận được nhiều sự quan tâm và phản hồi tích cực từ phía người mua. Nổi lên trong số những chủ đầu tư có sức ảnh hưởng lớn tại Cát Lái phải kể đến Kiến Á với quỹ đất khoảng 45 ha, chiếm gần 30% diện tích quy hoạch của toàn khu vực Cát Lái.

Minh Nguyệt 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới