Chôn lấp chất thải không còn chỗ đứng, đồng xử lý lên ngôi
Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, tổng dân số thế giới đã chạm mốc 7,5 tỉ người vào năm 2017 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên đến 10 tỉ người vào năm 2056. Nhu cầu về các hệ thống xử lý chất thải hiệu quả để phục vụ cho dân số khổng lồ của thế giới đang ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Tại Việt Nam, 85% rác thải vẫn được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Tuy nhiên, trong thực tế, phương pháp này vẫn bộc lộ nhiều thiếu sót, gây tổn hại môi trường nặng nề đến mức các chuyên gia và các quan chức trong nước đang đề ra các kế hoạch khuyến khích chuyển đổi và sử dụng công nghệ mới thay thế.
Bài học từ quốc gia xử lý chất thải hàng đầu thế giới
Hiện nay, khi nhắc đến xử lý rác thải, các quốc gia châu Âu luôn nằm trong danh sách dẫn đầu với công nghệ xử lý chất thải tiên tiến nhất thế giới. Trong đó Thụy Sĩ là một đất nước sớm chú trọng đến vấn đề môi trường và tập trung phát triển hệ thống xử lý chất thải.
Tuy nhiên, nhiều người không biết rằng, để có được ngày hôm nay với tỷ lệ tái chế rác thải thuộc hàng cao nhất thế giới (gần 50%), Thụy Sĩ cũng đã có những “bài học xương máu” trong công cuộc cải tổ phương pháp xử lý chất thải của mình. Mặc dù đã ngưng sử dụng phương pháp chôn lấp chất thải từ năm 2000, nhưng Thụy Sĩ vẫn đang phải khắc phục những hậu quả nặng nề còn sót lại của bãi chôn lấp cũ.
Đầu năm nay, Thụy Sĩ vừa chính thức hoàn thành dự án cải tạo bãi chôn lấp ở thành phố Koelliken – khu vực bị ô nhiễm nặng nhất ở Thụy Sĩ. Đây là bãi chôn lấp hoạt động từ năm 1978 đến năm 1985 để xử lý các loại chất thải của ngành công nghiệp hóa chất ở Thụy Sĩ. Tổng chi phí cho việc xử lý hoàn toàn bãi chôn lấp là hơn 1 tỉ franc Thụy Sĩ (tương đương với 23 nghìn tỷ đồng Việt Nam), và hơn 660.000 tấn chất thải được khai quật để xử lý.
Xu hướng không chôn lấp chất thải ngày càng phổ biến
Câu chuyện về bãi chôn lấp Koelliken ở Thụy Sĩ cho thấy rằng chôn lấp chất thải chắc chắn không phải là một giải pháp toàn diện bởi những hệ lụy mà nó mang lại cho môi trường. Trong thực tế, tại các nước tiên tiến với ngành công nghiệp môi trường phát triển, phương pháp chôn lấp chất thải chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ vào khoảng 10-15%. Nhiều chuyên gia dự đoán, trong tương lai phương pháp chôn lấp chất thải sẽ trở nên lạc hậu, nhường chỗ cho những công nghệ hiện đại và thân thiện hơn với môi trường.
Vào cuối tháng 11 vừa qua, Công ty INSEE Ecocycle Việt Nam đã tổ chức hội nghị “Không chôn lấp chất thải trong nền kinh tế tuần hoàn” nhằm chỉ rõ những tác động tiêu cực của phương pháp chôn lấp chất thải truyền thống đang được các doanh nghiệp tại Việt Nam áp dụng rộng rãi. Bên cạnh đó hội nghị cũng giới thiệu khái niệm “kinh tế tuần hoàn” và công nghệ “đồng xử lý” như một giải pháp thay thế phù hợp; từ đó kêu gọi các doanh nghiệp chung tay hành động, chủ trương phát triển theo định hướng bền vững và bảo vệ môi trường.
Ông Philippe Richart, Tổng giám đốc công ty INSEE Việt Nam |
Phát biểu trong hội nghị, ông Kare Helge Karstensen – chuyên gia khoa học đầu ngành tại Quỹ nghiên cứu khoa học và công nghiệp SINTEF tại Na Uy cho rằng Đồng xử lý chính là bước tiến xa hơn trên hệ thống phân cấp các phương thức xử lý chất thải so với chôn lấp hay đốt chất thải. Sự khác biệt quan trọng nhất so với các công nghệ xử lý chất thải khác là đồng xử lý không chỉ thu hồi năng lượng mà còn tái tạo nguyên liệu để sản xuất xi măng.
Khi được xử lý trong lò nung xi măng với nhiệt độ lên đến 2.000oC và thời gian lưu cháy lâu, các hợp chất hữu cơ sẽ bị tiêu hủy hoàn toàn, còn các hợp chất vô cơ sẽ được kết hợp vào thành phần của clinker để sản xuất xi măng. Quá trình xử lý đem lại hiệu quả tối đa đối với cả chất thải lỏng, như dung môi hoặc bùn từ các nhà máy nước thải, cũng như đối với chất thải rắn, chẳng hạn như nhựa hoặc cao su.
Công nghệ đồng xử lý giúp giảm bớt sự phụ thuộc của sản xuất công nghiệp vào nhiên liệu hóa thạch, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và làm giảm phát thải khí nhà kính. Đây là công nghệ được toàn thế giới công nhận là một trong những giải pháp bền vững nhất để xử lý chất thải không thể tái chế và được nhiều tổ chức quốc tế như Hội đồng Doanh nghiệp Thế giới về Phát triển bền vững, Công ước Basel, Hiệp hội Xi măng châu Âu… khuyến khích áp dụng.
Hiện nay, tại Việt Nam, công nghệ đồng xử lý trong lò nung xi măng được cung cấp và phát triển bởi công ty INSEE Ecocycle. Trong suốt 10 năm hoạt động, INSEE Ecocycle đã xử lý an toàn, triệt để hơn 1.000.000 tấn chất thải, giảm hơn 1.000.000 tấn khí thải nhà kính cho hơn 250 đối tác là các tập đoàn lớn trong các ngành công nghiệp khác nhau tại Việt Nam.
“INSEE Việt Nam đã đầu tư gần 900 tỉ đồng vào các giải pháp xử lý chất thải trong suốt 10 năm qua. Sự tin tưởng của khách hàng đã tạo động lực cho chúng tôi liên tục cải thiện dịch vụ cũng như đầu tư vào các thiết bị và quy trình hiện đại. Chúng tôi tin rằng thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu mọi thứ chúng ta tạo ra đều góp phần làm cuộc sống thêm phần đáng sống", ông Philippe Richart, Tổng Giám đốc Công ty INSEE Việt Nam phát biểu tại hội nghị.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư