Hủy
Kinh Doanh

Cổ phiếu "bán chui": Phạt lấy lệ?

Viết Nguyên Thứ Hai | 20/11/2017 14:00

Các hoạt động giao dịch cổ phiếu không minh bạch khiến dư luận tiếp tục chú ý về hiện tượng “bán chui” cổ phiếu.
 

Vẫn tái diễn

Theo thông tin công bố, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tập đoàn FLC, vừa bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 65 triệu đồng vì giao dịch chứng khoán mà không báo cáo. Cụ thể, ngày 20-24.10.2017, ông Trịnh Văn Quyết bán ra 57 triệu cổ phiếu FLC nhưng lại không công bố thông tin với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE).

57 triệu cổ phiếu là tương đương gần 10% vốn điều lệ của FLC. Đây được xem là thương vụ “bán chui” cổ phiếu với số lượng lớn nhất từ trước đến nay, do lãnh đạo một doanh nghiệp thực hiện. Hiện tại, giá cổ phiếu FLC chỉ còn khoảng 6.000 đồng/cổ phiếu, tức mất gần 20% giá trị chỉ trong chưa đầy 1 tháng.

Những ai mua vào và nắm giữ cổ phiếu FLC đã bị thiệt hại, trừ ông Trịnh Văn Quyết. Với động thái bán ra ở thời điểm giá cổ phiếu FLC dao động trong ngưỡng 7.000-7.700 đồng/cổ phiếu và chủ yếu giao dịch khớp lệnh qua sàn, tính ra ông Quyết ước thu về hơn 400 tỉ đồng. Trừ đi chênh lệch mua bán thì ông Quyết cũng đạt lãi gần 50 tỉ đồng. Con số này rất lớn so với mức phạt chỉ 65 triệu đồng.

Trước đó, FLC cũng từng có những động thái tương tự. Chẳng hạn, tháng 6.2015, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từng xử phạt FLC do bán gần 5,7 triệu cổ phiếu KLF của Công ty Cổ phần Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF mà không báo cáo. Về phần KLF cũng từng bị xử phạt vì bán ra lượng lớn cổ phiếu HAI, chiếm đến 24,5% vốn điều lệ tại HAI mà không công bố thông tin. Xét ở góc độ cá nhân, mới đây, bà Trần Thu Hiền, em gái ông Trần Quang Huy, Phó Tổng Giám đốc của FLC, bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt do không báo cáo giao dịch mua và bán hơn 2,63 triệu cổ phiếu FLC.

Nhìn rộng hơn, trong lịch sử hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam từng chứng kiến những lần “bán chui” từ phía lãnh đạo doanh nghiệp, các công ty liên quan và cả cá nhân nhà đầu tư. Chẳng hạn, Chủ tịch Ninh Vân Bay (NVT) từng bị xử phạt vì “bán chui” cổ phiếu NVT. Hay tháng 5 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt vi phạm đối với ông Lê Xuân Nghĩa, Chủ tịch NHP, do “bán chui” quyền mua cổ phiếu NHP. Trước đó, ông Dương Quang Châu, Giám đốc Đầu tư Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII), cũng bị xử phạt tương tự vì mua bán cổ phiếu mà không báo cáo.

“Cổ đông lớn, nhóm người có liên quan nắm giữ từ 5% trở lên số cổ phiếu đang lưu hành có quyền biểu quyết của công ty đại chúng hoặc nhà đầu tư sở hữu từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng khi có sự tăng hoặc giảm tỉ lệ sở hữu cổ phiếu qua các ngưỡng 1% (kể cả trường hợp cho hoặc được cho, tặng hoặc được tặng, thừa kế, chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu phát hành thêm...) phải công bố thông tin và báo cáo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán và công ty đại chúng, công ty quản lý quỹ trong thời hạn 7 ngày”. 

Theo Thông tư 155/2015/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành, hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Phạt cho tồn tại?

Sở dĩ các hoạt động giao dịch chui vẫn diễn ra do mỗi giao dịch mua - bán của người trong nội bộ theo quy định pháp luật đều phải đăng ký trước hoặc công bố thông tin. Do đó, trong trường hợp giao dịch chui, họ có thể tránh việc công bố số lượng cổ phiếu và thời gian đăng ký bán ra. Đồng thời, lãnh đạo doanh nghiệp không muốn công bố thông tin giao dịch vì họ sợ có thể ảnh hưởng lên thị giá cổ phiếu do thị trường nghi ngại “doanh nghiệp có vấn đề”.

Mức xử phạt đối với vi phạm bán chui cổ phiếu, không công bố thông tin thường chỉ vài chục triệu đồng. Theo giới đầu tư, mức phạt này không có giá trị răn đe đối với hành động bán chui cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Trong khi đó, cùng là vi phạm về quy định giao dịch chứng khoán, nhưng có những trường hợp bị xử phạt nặng hơn.

Một ví dụ tiêu biểu là bà Lưu Hải Anh, Kế toán trưởng của Công ty Cổ phần Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang (SKG). Từ 20-28.6, do biết trước tin xấu là SKG sẽ bị Chi cục Thuế huyện Phú Quốc xử phạt thuế, bà Anh đã giao dịch bán ra 5.400 cổ phiếu SKG trước khi Công ty công bố thông tin. Kết quả là bà Anh bị phạt 450 triệu đồng và còn phải nộp lại toàn bộ 85 triệu đồng tiền lãi bất hợp pháp từ vi phạm giao dịch. Tổng cộng, bà Hải Anh phải nộp lại 535 triệu đồng. Ở một trường hợp khác, vì sử dụng 27 tài khoản khác nhau để liên tục mua bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu HCD, ông Nguyễn Duy Phương (Thanh Xuân, Hà Nội) bị phạt 550 triệu đồng.

Theo quy định, Việt Nam chỉ phạt tiền từ 70-100 triệu đồng với hành vi không báo cáo khi thực hiện mua/bán cổ phiếu của cổ đông nội bộ, cổ đông lớn. Về xử phạt giao dịch nội bộ, số tiền cũng chỉ từ 800 triệu đồng đến1 tỉ đồng; còn hành vi giao dịch thao túng thị trường cũng chỉ từ 1-1,2 tỉ đồng. Đây là các con số khiêm tốn khi so với những thiệt hại mà các giao dịch gây ra cho thị trường. Hơn nữa, nó còn ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư vào sự phát triển ổn định, nghiêm túc của thị trường chứng khoán.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, những hành vi vi phạm công bố thông tin dạng mua chui, bán lén không thể coi đó là vi phạm công bố thông tin và xử lý hành chính đơn thuần. Mà phải coi người vi phạm thường cố tình làm sai để trục lợi, lũng đoạn thị trường. Rõ ràng, các nhà đầu tư sẽ bị thiệt hại trước các giao dịch “bán chui” có tính chất đầu cơ, lướt sóng, khiến thị trường kém minh bạch hơn. Ngoài ra, rủi ro khác đến từ công ty chứng khoán cho vay margin các cổ phiếu này.

Vì vậy, tại Mỹ, cá nhân nội bộ vi phạm giao dịch tay trong/nội gián có thể bị kết tội hình sự lên đến 20 năm tù, hoặc bị phạt tiền đến 5 triệu USD hoặc bị cả hai. Nghiêm trọng hơn, mức phạt có thể lên tới 25 triệu USD. Đối với những hình phạt vi phạm dân sự, số tiền phạt lên tới 1 triệu USD hoặc gấp 3 lần số lợi nhuận thu được.

Ở Trung Quốc, chỉ với một vi phạm liên quan đến khâu chuẩn bị tài chính chưa thật rõ ràng trong giao dịch mua cổ phiếu mà mới đây vợ chồng diễn viên nổi tiếng Triệu Vy đã bị cấm không cho giao dịch chứng khoán trong 5 năm. Theo giới phân tích, lỗi này so với các mức độ vi phạm về bán chui cổ phiếu, giao dịch nội gián, thao túng giá... của Việt Nam thì không đáng kể gì.

Rõ ràng, công tác quản lý của Việt Nam trong xử phạt vi phạm giao dịch chứng khoán vẫn nương nhẹ, chưa đủ sức ngăn chặn vi phạm.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới