Hủy
Kinh Doanh

Dầu ăn lại sắp “sôi”

Chủ Nhật | 15/05/2016 10:56

Từ ngày 8/5/2016, thuế nhập khẩu tự vệ mặt hàng dầu thực vật (dầu nành và dầu cọ tinh luyện) vào Việt Nam chỉ còn 2%.
 

Mới đây, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương đã chính thức công bố, tính từ ngày 8-5-2016 đến 7-5-2017, thuế NK tự vệ mặt hàng dầu thực vật (dầu nành và dầu cọ tinh luyện) vào Việt Nam chỉ còn 2%.

Nếu sau năm 2017, Bộ Công Thương không xem xét gia hạn thuế, đây sẽ là cột mốc thuế cuối cùng cho biện pháp tự vệ đối với mặt hàng nói trên. Điều này cũng đồng nghĩa, ngành sản xuất dầu ăn trong nước sẽ kết thúc những tháng ngày được bảo vệ và sự cạnh tranh thị trường của mặt hàng này lại sắp sửa đến hồi sục sôi, gay gắt.

Trên thực tế, từ năm 2012, thuế NK đối với dầu thực vật đã giảm về 0% theo cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Khi đó, sản phẩm dầu ăn từ các nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Thái Lan tràn vào Việt Nam khiến các DN nội rơi vào cảnh sụt giảm cả doanh thu lẫn thị phần. Nhằm bảo vệ ngành dầu ăn trong nước, ngay tháng 8-2013, Bộ Công Thương đã phải ban hành quyết định áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng dầu thực vật NK, có hiệu lực kéo dài trong bốn năm.

Dễ thấy, từ nhiều năm trước, điểm yếu nổi cộm của ngành dầu ăn Việt Nam chính là DN phụ thuộc quá lớn vào nguyên liệu NK, thậm chí NK tới 90%. Thời hạn bốn năm áp thuế tự vệ mà Bộ Công Thương áp dụng như trên chính là độ giãn để các DN nội dần khắc phục điểm yếu, nâng cao năng lực cho mình.

Quả thực, vài năm gần đây có những DN nỗ lực tận dụng khoảng thời gian quý giá đó. Điển hình như, Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) đã chủ động liên kết với Công ty Hùng Cá (Đồng Tháp) xây dựng vùng nguyên liệu đậu nành quy mô 10.000 ha tại Đồng Tháp. Ngoài ra, Tập đoàn Sao Mai (Sao Mai Group) đã mở thêm hướng khai thác,  tận dụng được nguồn mỡ cá tra ước khoảng 140.000 tấn/năm từ các tỉnh khu vực ĐBSCL để phát triển dòng sản phẩm mới là dầu cá.

Trong câu chuyện này, vấn đề đáng bàn hiện nay là, ngoài các DN mạnh dạn và chủ động như trên, không ít DN, nhất là những DN quy mô nhỏ hơn vẫn khá e ngại trước việc ngành sản xuất dầu ăn trong nước sẽ không còn được bảo vệ. Đương nhiên, điều mà hầu hết DN kỳ vọng là Bộ Công Thương có thể tiếp tục xem xét việc gia hạn thuế NK tự vệ đối với mặt hàng dầu ăn thêm một thời gian nữa.

Sòng phẳng mà nói, việc áp thuế tự vệ trong thời gian dù ngắn hay dài đều chỉ là giải pháp tình thế. Bởi vậy, các DN không nên trông chờ quá nhiều vào điều này. Yếu tố quan trọng là DN phải thực sự nghiên cứu giải pháp phù hợp để nâng cao năng lực cho mình. Nếu riêng lẻ từng DN không thể chủ động lo nguồn nguyên liệu hay phát triển các dòng sản phẩm mới đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường thì bắt tay hợp tác với nhau cũng là một “con tính” đáng suy nghĩ. 

Nguồn Hải quan


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới