ĐH Hoa Sen đề xuất thoái vốn, cổ đông phản ứng
Chủ tịch hội đồng quản trị Trường ĐH Hoa Sen Trần Văn Tạo đã có văn bản đề xuất Thành ủy và UBND TP.HCM giải pháp đảm bảo lợi ích các bên liên quan khi triển khai thực hiện mô hình hoạt động phi lợi nhuận.
Theo đó, trường sẽ sử dụng tài sản tích lũy của mình để thoái vốn cho toàn bộ cổ đông theo lộ trình, đưa trường thành trường phi lợi nhuận đúng nghĩa khi không có cổ đông, không chia cổ tức, tài sản phát sinh là tài sản chung của trường.
Tuy nhiên, giải pháp này đã vấp phải phản ứng quyết liệt từ nhóm cổ đông 30%.
Không còn cổ đông
Theo ông Tạo, ĐH Hoa Sen xin phép dùng tài sản chung không phân chia để mua lại cổ phiếu của trường, bảo đảm sau 2-3 năm chuyển ĐH Hoa Sen thành trường ĐH tư thục không có cổ đông.
Theo báo cáo (chưa kiểm toán), tài sản sở hữu chung hợp nhất không phân chia đến ngày 31-3-2014 là khoảng 170 tỉ đồng.
Giả định nhà đầu tư mới mua cổ phiếu của trường sau tháng 2-2014 với giá 16.000 đồng/cổ phiếu và một mức lời hấp dẫn là hơn 20%/năm (đã chia cổ tức những năm vừa qua) thì giá ĐH Hoa Sen cần mua sẽ là 19.000 đồng/cổ phiếu và lợi nhuận của nhà đầu tư sẽ là 23% (bao gồm 6% cổ tức bằng tiền mặt).
Như vậy, với giá trị tài sản sở hữu chung hợp nhất không phân chia đến hết năm nay, trường hoàn toàn có đủ nguồn lực để mua lại cổ phiếu mà nhà đầu tư vẫn được một mức lãi khá cao (trong trường hợp Nhà nước cho phép và không có khoản đầu tư khẩn thiết cho năm học).
Đối với những nhà đầu tư mua cổ phiếu của ĐH Hoa Sen trước tháng 2-2014, khi bán lại cho trường thì ngoài việc được hưởng một mức lãi như nêu trên, họ đã được hưởng một tỉ lệ sinh lời rất cao trong quá khứ.
Cụ thể: cổ tức bằng tiền từ năm 2007-2013: trung bình 13%/năm (tính theo mệnh giá) hay là 17,11%/năm tính theo quy đổi giá trị đầu tư và số lượng cổ phiếu.
Cổ tức bằng cổ phiếu: từ một cổ phần năm 2007 thành sáu cổ phần năm 2013. Như vậy tính cả hai khoản, cổ đông đã nhận trên 35%/năm.
Cũng theo ông Tạo, với giải pháp này, trường sử dụng tài sản sở hữu chung hợp nhất không phân chia (cũng chính là giá trị thặng dư do giảng viên - nhân viên và sự hỗ trợ của Nhà nước tạo ra) để mua lại trường chứ không phải dùng tài sản của cổ đông để mua lại cổ phần của cổ đông.
Với cách này, không những bảo vệ tài sản của Nhà nước đã tích lũy tại trường trong quá khứ đến hôm nay mà còn trong tương lai. Như thế sẽ tạo ra một trường ĐH do cộng đồng sở hữu (đại diện quản lý là Nhà nước, giảng viên, nhân viên) mà không phụ thuộc nguồn vốn của bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào.
Nếu để cổ đông biểu quyết toàn bộ giá trị thặng dư này thuộc cổ đông thì xem như cổ đông đã chiếm hữu toàn bộ tài sản chung không phân chia.
Có khả thi?
Phản bác đề xuất của ông Trần Văn Tạo, nhóm cổ đông 30% cho rằng ông Trần Văn Tạo tuyên bố “sau 2-3 năm biến ĐH Hoa Sen thành một ĐH không có cổ đông” và buộc các cổ đông phải thoái vốn bằng cách sử dụng tài sản không phân chia của trường mua lại cổ phiếu với giá trị được tính bằng công thức mà ông tự nghĩ ra là phương án sai cơ bản về nguyên tắc tài chính, không đúng thẩm quyền và không đúng quy định của pháp luật.
Phương án của ông Trần Văn Tạo nêu ra vượt quá quyền hạn của chủ tịch hội đồng quản trị đã được ghi rõ trong quy chế hoạt động của ĐH Hoa Sen.
Nguyên tắc các quyết định phải xuất phát từ đại hội cổ đông và hội đồng quản trị bởi theo luật định, vấn đề này phải được chính các cổ đông quyết định và thông qua đại hội đồng cổ đông chứ không phải bất kỳ cá nhân nào quyết định.
Như vậy, phương án mà ông Trần Văn Tạo đề xuất hoàn toàn không thuộc thẩm quyền của hội đồng quản trị và vi phạm pháp luật.
Về số tiền 170 tỉ đồng ông Tạo đề xuất dùng để thoái vốn cho cổ đông, nhóm cổ đông 30% cho rằng số tiền 170 tỉ đồng không thể dùng làm ngân sách cho phương án thoái vốn.
Số tiền này được tạo ra từ hai nguồn: khoản chênh lệch thu chi sáu tháng đầu năm học 2013-2014 khoảng 51 tỉ đồng và số tiền 119 tỉ đồng được treo trên tài khoản kế toán.
Dù đã nộp thuế và các khoản phạt theo quy định thì khoản tiền 119 tỉ đồng cũng không thể gọi đây là thu nhập thặng dư. Đại diện nhóm cổ đông 30%, ông Lưu Tiến Hiệp cho rằng giả định đề xuất thoái vốn của ông Trần Văn Tạo, nếu ông được phép quyết định việc mua bán cổ phần của các cổ đông thì ông chỉ có thể mua nếu các cổ đông đồng ý bán.
Hơn nữa, để xác định giá trị một trường ĐH tư thục, tiến đến xác định giá trị một cổ phần của trường ĐH đó cần phải thực hiện kiểm toán tài chính, kiểm kê, phân loại định giá tài sản phân loại nguồn vốn chứ không thể chỉ xác định qua một vài phép tính đơn giản như vậy. Như thế là không khả thi, sai cơ bản về nguyên tắc tài chính, không đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Tạo giải thích thêm: nhà đầu tư bỏ tiền ra dĩ nhiên là muốn sinh lời, đó là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, Hoa Sen là trường phi lợi nhuận được thể hiện trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường, quy chế này do cổ đông thông qua.
Do đó, bất kỳ cổ đông nào cũng hoàn toàn phải có ý thức về cơ chế phi lợi nhuận khi đầu tư vào trường. Đây là phương án để đi đến cùng con đường phi lợi nhuận.
Khi đó sẽ không còn hội đồng quản trị mà sẽ có hội đồng quỹ đầu tư của trường để điều hành hoạt động của nhà trường, không còn cổ phần.
“Trường sẽ lập kế hoạch chi tiết và lộ trình cụ thể của quá trình thoái vốn để trình UBND TP.HCM và Bộ GD-ĐT xem xét phê duyệt. Hội đồng quản trị và ban giám hiệu đề nghị lãnh đạo thành phố chấp thuận chủ trương cho ĐH Hoa Sen thoái vốn cổ đông nhằm thực hiện triệt để mô hình phi lợi nhuận, đồng thời hướng dẫn trường các thủ tục pháp lý hoặc đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước liên quan bổ sung khung pháp lý cần thiết, giúp việc thoái vốn được khả thi” - ông Tạo trình bày thêm.
Nguồn Tuổi trẻ
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư